Công văn 3338/BTC-QLCS năm 2014 đánh giá tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu | 3338/BTC-QLCS |
Ngày ban hành | 14/03/2014 |
Ngày có hiệu lực | 14/03/2014 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Người ký | Vũ Thị Mai |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3338/BTC-QLCS |
Hà Nội, ngày 14 tháng 03 năm 2014 |
Kính gửi: |
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan
khác ở Trung ương; |
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); dự kiến trình Quốc hội vào năm 2015.
Để phục vụ việc xây dựng dự án Luật trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác ở trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý từ năm 2009 (năm Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước có hiệu lực thi hành) đến năm 2013 và kiến nghị các nội dung sửa đổi, bổ sung theo Đề cương và Phụ lục đính kèm (đính kèm).
Báo cáo gửi về Bộ Tài chính (Cục Quản lý Công sản) trước ngày 15/4/2014.
Mong nhận được sự quan tâm, phối hợp của Quý cơ quan./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
ĐỀ CƯƠNG BÁO CÁO
TỔNG KẾT,
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TỪ NĂM 2009 ĐẾN NĂM 2013
(Kèm theo Công văn số 3338/BTC-QLCS ngày
14/3/2014 của Bộ tài chính)
I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC
1. Phạm vi đánh giá:
Đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh đánh giá tình hình triển khai và tổ chức thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với các loại tài sản nhà nước sau đây:
a) Tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức;
b) Tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước;
c) Tài sản phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn nhà nước (bao gồm cả vốn ODA);
d) Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
2. Về nội dung tổng kết, đánh giá:
a) Những thuận lợi và khó khăn trong việc tổ chức triển khai và thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
b) Kết quả đạt được trong quản lý, sử dụng, khai thác tài sản nhà nước (theo Phụ lục đính kèm).
c) Đánh giá mặt được và chưa được (nguyên nhân cụ thể - tác động tốt - hạn chế - kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện).
II. ĐỀ XUẤT HOÀN THIỆN LUẬT QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC
1. Điều 53 Hiến pháp (sửa đổi) quy định: "Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tải sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý". Như vậy, so với quy định về tài sản công tại Điều 53 Hiến pháp (sửa đổi) thì phạm vi tài sản công được điều chỉnh tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành chỉ bao quát được một phần nhỏ.
2. Căn cứ quy định tại Điều 53 Hiến pháp (sửa đổi); đối chiếu thực tiễn quản lý, khai thác, sử dụng tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý với yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau đây:
a) Về tên gọi của Luật: Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công hay tên gọi khác.
b) Về phạm vi điều chỉnh của Luật: cần bổ sung loại tài sản nào theo quy định tại Điều 53 Hiến pháp (sửa đổi) và phạm vi điều chỉnh của Luật.
c) Những nội dung chưa có quy định, hoặc có quy định nhưng chưa đầy đủ, hoặc quy định tại các văn bản dưới Luật cần được "luật hóa" để thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện nên chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện.
d) Về quản lý, sử dụng xe ô tô: có nên hạn chế việc trang bị xe ô tô công, chuyển sang cơ chế sử dụng phương tiện công cộng, thuê xe hoặc khoán? Dự kiến phương án trang bị xe công chỉ áp dụng với các chức danh lãnh đạo cao cấp (từ Thứ trưởng và tương đương trở lên), đối với các chức danh còn lại chuyển sang cơ chế khoán kinh phí hoặc thuê xe công có phù hợp không? Đề xuất phương án khác (nếu có).