Chương trình 1166/CTr-BGDĐT-BTTTT năm 2018 phối hợp công tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Thông tin và Truyền thông về tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2018-2022
Số hiệu | 1166/CTr-BGDĐT-BTTTT |
Ngày ban hành | 14/12/2018 |
Ngày có hiệu lực | 14/12/2018 |
Loại văn bản | Văn bản khác |
Cơ quan ban hành | Bộ Giáo dục và Đào tạo,Bộ Thông tin và Truyền thông |
Người ký | Nguyễn Mạnh Hùng,Phùng Xuân Nhạ |
Lĩnh vực | Công nghệ thông tin,Giáo dục |
BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1166/CTr-BGDĐT-BTTTT |
Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 2018 |
Căn cứ Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;
Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Thông tin và Truyền thông (sau đây gọi tắt là Hai bên) thống nhất xây dựng Chương trình phối hợp công tác về tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2018-2022, cụ thể như sau:
1. Mục đích
Tăng cường phối hợp công tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động cả về số lượng và chất lượng.
2. Yêu cầu
- Chương trình phối hợp phải được cụ thể hóa bằng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện thường xuyên, đảm bảo thiết thực, hiệu quả;
- Định kỳ kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình phối hợp, kịp thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
1. Phối hợp chỉ đạo đẩy mạnh triển khai Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 21/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Truyền thông về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
2. Phối hợp chỉ đạo đẩy mạnh triển khai Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.
3. Phối hợp xây dựng Kiến trúc chính phủ điện tử ngành giáo dục và đào tạo phiên bản 2.0; phối hợp thực hiện kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu giữa ngành giáo dục và đào tạo với các ngành khác và với các địa phương.
4. Phối hợp triển khai các dịch vụ về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng.
5. Phối hợp xây dựng, thẩm định và định kỳ rà soát, cập nhật ngân hàng câu hỏi thi quốc gia, phần mềm quản lý thi quốc gia và tổ chức thi, cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về tổ chức thi, quản lý và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin của các trung tâm sát hạch theo quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT ngày 21/6/2016 Quy định tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng CNTT.
6. Phối hợp chỉ đạo lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế; Phối hợp nghiên cứu chỉ đạo đưa nội dung công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng cập nhật theo xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào chương trình giáo dục đào tạo phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo (từ trung học phổ thông trở lên); Phối hợp triển khai Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020" theo Quyết định số 99/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ; Phối hợp triển khai Đề án "Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin đến năm 2020" theo Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 19/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Phối hợp định kỳ hàng năm tổ chức Cuộc thi quốc gia Sinh viên với an toàn thông tin, xây dựng các tài liệu tuyên truyền cho đối tượng học sinh, sinh viên; Phối hợp nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực công nghệ thông tin, an toàn thông tin phục vụ chuyển đổi số quốc gia, cách mạng công nghiệp 4.0, gắn công tác đào tạo với nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin của doanh nghiệp. Hàng năm Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp số liệu về yêu cầu đào tạo công nghệ thông tin, an toàn thông tin để Hai bên phối hợp nghiên cứu, đánh giá nhu cầu về thị trường lao động công nghệ thông tin, hỗ trợ chuẩn hóa nội dung đào tạo.
7. Phối hợp quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát việc xuất bản sách giáo khoa, xuất bản sách giáo khoa điện tử và sách tham khảo về an toàn thông tin mạng.
8. Huy động sự tham gia đầu tư, hỗ trợ của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trong và ngoài nước để thực hiện các nội dung trong Chương trình phối hợp.
9. Phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, các phương tiện thông tin truyền thông của địa phương tăng cường triển khai tuyên truyền nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy - học, kiểm tra, đánh giá.
1. Bộ Thông tin và Truyền thông giao Cục Tin học hóa là đơn vị đầu mối, giúp Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện Chương trình phối hợp này; phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và các đơn vị liên quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình phối hợp hàng năm.
2. Bộ Giáo dục và đào tạo giao Cục Công nghệ thông tin là đơn vị đầu mối, giúp Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện Chương trình phối hợp này; phối hợp với Cục Tin học hóa và các đơn vị liên quan của Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thực hiện, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình phối hợp hàng năm.
3. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình phối hợp tại địa phương. Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện. Thời hạn gửi báo cáo trước ngày 10 tháng 12 hàng năm.
4. Định kỳ 06 tháng/lần, Thủ trưởng các đơn vị đầu mối của Hai bên có trách nhiệm tổ chức cuộc họp trao đổi thông tin về kết quả thực hiện, góp ý về các vấn đề có liên quan đến nội dung phối hợp để rà soát, kiểm tra, đôn đốc triển khai các hoạt động; tổng hợp tình hình triển khai theo kế hoạch hàng năm đã được phê duyệt và báo cáo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kết quả thực hiện Chương trình phối hợp.
5. Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp sơ kết hàng năm để đánh giá kết quả thực hiện, kiểm điểm, rút kinh nghiệm, đề xuất kế hoạch thực hiện cho năm tiếp theo và tổ chức tổng kết Chương trình phối hợp cho cả giai đoạn.