Quyết định 893/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Đề án Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 893/QĐ-TTg
Ngày ban hành 19/06/2015
Ngày có hiệu lực 19/06/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 893/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 19 tháng 06 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, NÂNG CAO NHẬN THỨC VÀ TRÁCH NHIỆM VỀ AN TOÀN THÔNG TIN ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Quyết định số 136/QĐ-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp giữa Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong hoạt động bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên mạng;

Căn cứ Quyết định số 63/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển an toàn thông tin số quốc gia đến năm 2020;

Thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2015;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin đến năm 2020 với những nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

Đến năm 2020, công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin tạo được tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thông tin với các kết quả cụ thể là:

1. Dưới 50% các sự cố mất an toàn thông tin xảy ra vì lý do bắt nguồn từ nhận thức yếu kém về các nguy cơ mất an toàn thông tin của con người;

2. Trên 50% người sử dụng nói chung, trên 60% học sinh và trên 70% sinh viên được tuyên truyền, phổ biến về các nguy cơ và kỹ năng cơ bản phòng tránh mất an toàn thông tin; chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước về an toàn thông tin;

3. Trên 80% công chức, viên chức, cán bộ của các cơ quan, tổ chức nhà nước được tuyên truyền, phổ biến về thói quen, trách nhiệm và kỹ năng đơn giản để bảo đảm an toàn thông tin khi ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

4. Trên 80% cán bộ, công nhân viên, người lao động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, được tuyên truyền, phổ biến về nguy cơ, quy trình điều phối ứng cứu, xử lý sự cố mất an toàn thông tin; trách nhiệm và quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực an toàn thông tin;

5. Trên 90% phóng viên hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị được phổ biến về các nguy cơ, hậu quả và trách nhiệm trong vấn đề mất an toàn thông tin; xu hướng và tình hình mất an toàn thông tin tại Việt Nam và trên thế giới.

II. CÁC NHIỆM VỤ CHÍNH

1. Nhiệm vụ 1: Định hướng hoạt động và xây dựng, biên tập các tài liệu tuyên truyền thuộc phạm vi của Đề án.

a) Xây dựng định hướng và hướng dẫn thực hiện các hoạt động tuyên truyền chung hàng năm của Đề án;

b) Xây dựng, biên tập tài liệu tuyên truyền sử dụng chung cho các đối tượng và theo chủ đề, chuyên đề phù hợp với từng nhóm đối tượng thuộc phạm vi Đề án;

c) Xây dựng, vận hành và bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống lưu trữ, chia sẻ và quảng bá các tài liệu tuyên truyền thuộc phạm vi Đề án.

2. Nhiệm vụ 2: Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin ở các cơ sở giáo dục.

a) Rà soát chương trình, nội dung, thời lượng giảng dạy và biên tập tài liệu giáo dục về an toàn thông tin lồng ghép vào môn tin học, hoạt động ngoại khóa phù hợp với từng lớp học, bậc học (từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông);

b) Tổ chức các cuộc thi về an toàn thông tin cho các nhóm đối tượng khác nhau là học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.

3. Nhiệm vụ 3: Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội.

a) Mở chuyên mục, chuyên trang trên các phương tiện thông tin đại chúng để thực hiện các nội dung tuyên truyền;

b) Sản xuất phóng sự, chương trình, trao đổi, đối thoại trên hệ thống phát thanh, truyền hình;

[...]