Chỉ thị 58-HĐBT năm 1983 về công tác kiện toàn tổ chức, tinh giản biên chế hành chính do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 58-HĐBT
Ngày ban hành 13/06/1983
Ngày có hiệu lực 28/06/1983
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 58-HĐBT

Hà Nội, ngày 13 tháng 6 năm 1983

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC KIỆN TOÀN TỔ CHỨC, TINH GIẢN BIÊN CHẾ HÀNH CHÍNH

Để thi hành Nghị quyết hội nghị lần thứ 3 của trung ương Đảng về việc kiên quyết chấn chỉnh hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước ở trung ương và địa phương theo hướng thu gọn bộ máy của các Bộ và Uỷ ban nhân dân các cấp, bớt đầu mối và các tổ chức trung gian, giảm biên chế hành chính; đồng thời đẩy mạnh việc thi hành nghị quyết số 16 - HĐBT ngày 8-2-1982 của Hội đồng bộ trưởng, thủ trưởng các ngành, các cấp cần quán triệt sâu sắc hơn nữa mục đích, yêu cầu của vấn đề tinh giản biên chế hành chính, chủ yếu nhằm cải tiến tổ chức quản lý của bộ máy Nhà nước; nắm vững đối tượng của việc tinh giảm biên chế hành chính là các cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan quản lý hành chính của các đơn vị cơ sở.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các ngành, các cấp thi hành khẩn thương một số công tác cấp thiết sau đây:

1. Tiến hành ngay việc xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy của từng tổ chức thuộc ngành, cấp mình theo đúng tinh thần nghị quyết hội nghị ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ ba về kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước và phân cấp quản lý; Nghị định số 35 - CP ngày 9 tháng 2 năm 1981 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ trưởng trong lĩnh vực quản lý Nhà nước và Nghị quyết số 16 HĐBT ngày 8 - 2 -1982 của Hội đồng bộ trưởng về tinh giản biên chế hành chính.

Ban tổ chức của chính phủ cùng với các cơ quan có liên quan nghiên cứu xây dựng mô hình, cơ cấu và hệ thống tổ chức Bộ máy quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương trình Hội đồng Bộ trưởng xét duyệt và quy định thống nhất vào quý III năm 1983.

2. Căn cứ vào nghị định số 117 - HĐBT ngày 15 - 7- 1982 của Hội đồng Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ở trung ương và địa phương tiến hành việc xây dựng chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ cán bộ viên chức đầy đủ của ngành, địa phương và cơ quan mình, trước hết là cơ quan quản lý hành chính Nhà nước để xây dựng mức biên chế hợp lý, làm cơ sở cho việc giao quỹ tiền lương.

Cán bộ, viên chức Nhà nước, nhất là cán bộ quản lý, ngoài các tiêu chuẩn cơ bản về chính trị, phải có kiến thức nhất định về công tác chuyên môn, có kinh nghiệm trong công tác; có phẩm chất tốt và sức khoẻ bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tiểu ban danh mục, tiêu chuẩn chức vụ viên chức Nhà nước cùng với Bộ lao động và viên chức Nhà nước cùng với Bộ lao động và ban tổ chức của Chính phủ hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc thủ trưởng các ngành, các cấp thi hành xong trong năm 1983 .

3. Trên cơ sở cơ cấu tổ chức bộ máy và chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ cán bộ, viên chức các ngành, các cấp xây dựng định mức biên chế của các cơ quan quản lý Nhà nước với quỹ tiền lương của ngành và cấp mình trình Hội đồng bộ trưởng xét duyệt.

Qua định mức biên chế hợp lý mà phân biệt rõ số người dôi ra để có kế hoạch giải quyết và số cán bộ, viên chức theo định mức tiêu chuẩn mới còn thiếu để có kế hoạch bổ xung.

Quỹ tiền lương được xây dựng trên cơ sở mức lương tổng ngạch của các chức danh cán bộ, viên chức và định mức biên chế mới, được cấp có thẩm quyền quyết định. Khi giao quỹ lương còn phải căn cứ vào khối lượng công việc, khối lượng sản phẩm được giao.

Đối với những người dôi ra, các Bộ, các địa phương giải quyết theo các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết số 16 - HĐBT ngày 8 -2 - 1982 của Hội đồng Bộ trưởng và các chính sách hiện hành; trường hợp khó khăn không thể giải quyết được thì cơ quan chủ quản phải báo cáo với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (nếu thuộc địa phương) hoặc với ban tổ chức của Chính phủ và các bộ có trách nhiệm thẩm quyền (nếu thuộc trung ương) để điều hoà từ nơi thừa sang nơi thiếu. Số cán bộ, nhân viên thuộc diện dôi ra được bố trí quỹ lương riêng do ngân sách Nhà nước đài thọ; Bộ Tài chính giúp Hội đồng Bộ trưởng quản lý và hướng dẫn các ngành, các cấp việc lập danh sách, xây dựng quỹ lương và kế hoạch giải quyết số anh chị em này.

4. Quản lý hành chính trước hết cần quản lý con người và quản lý công việc bảo đảm mọi người đều làm việc có trách nhiệm cụ thể, có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất và hiệu quả cao. Vì vậy đi đôi với việc sắp xếp tổ chức phải coi trọng việc xây dựng điều lệ và nội dung hoạt động của tổ chức, cải tiến công tác quản lý và lề lối làm việc thực hiện nghiêm túc 4 chế độ: chế độ trách nhiệm, chế độ kỷ luật, chế độ bảo vệ của công và chế độ phục vu nhân dân của cán bộ, nhân viên trong các cơ quan của Nhà nước. Thủ trưởng các cơ quan thường xuyên đôn đốc việc thực hiện tốt chế độ nói trên và trong quá trình thực hiện, xét cần có kiến nghị Hội đồng Bộ trưởng bổ sung những điểm cần thiết nhằm bảo đảm nâng cao hiệu lực quản lý của cơ quan Nhà nước.

5. Ban tổ chức của Chính phủ cùng với trường Hành chính trung ương có kế hoạch hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố đặc khu trực thuộc trung ương xúc tiến xây dựng quy hoạch, kế hoạch và tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước theo tiêu chuẩn đã quy định, bảo đảm cán bộ viên chức Nhà nước trước hết là cán bộ quản lý phải được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức quản lý Nhà nước.

6. Để việc sử dụng lao động được hợp lý, cần có kế hoạch sắp xếp những người làm các công việc phục vụ (như lái xe, sửa chữa nhà cửa, điện, nước, căng tin phục vụ v.v....) sang ngành phục vụ công cộng. Tuỳ tình hình điều kiện cụ thể mà chuyển dần các tổ chức dịch vụ sang phương thức hạch toán kinh tế.

Đối với những công việc có tính chất thời gian, Nhà nước cấp kinh phí để các cơ quan thuê mướn hợp đồng theo công việc, theo đề tài mà không nhất thiết phải có tổ chức và biên chế riêng. Bộ Tài chính cùng với Uỷ ban kế hoạch Nhà nước và ban Tổ chức của chính phủ hướng dẫn giải quyết kinh phí cho các ngành, các cấp thực hiện.

Đối với các cơ quan hành chính, sự nghiệp trong trường hợp đã sắp xếp lại tổ chức và đã được cấp có thẩm quyền xét duyệt định mức biên chế hợp lý, nếu cá nhân hoặc tập thể cán bộ ,viên chức có sáng kiến đưa đến giảm được lao động mà vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác, thì tập thể cá nhân đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định trong điều 1 (điểm d) của bản quy định kèm theo nghị định số 182 - CP ban hành ngày 26-4-1979 của Hội đồng Chính phủ. Bộ Lao động cùng với Bộ Tài chính và ban tổ chức của Chính phủ hướng dẫn việc thi hành chế độ thưởng này. Trong phạm vi tổng quỹ lương của ngành và địa phương đã được Hội đồng Bộ trưởng giao, các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ở trung ương và chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương quyết định việc xét thưởng đối với các cán đơn vị thuộc mình quản lý theo chế độ chung của Nhà nước quy định.

7. Về tổ chức thực hiện.

Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng phân công các đồng chí phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách khối trực tiếp chỉ đạo thủ tưởng các ngành và các địa phương thuộc khối mình phụ trách và xác định chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, xây dựng chức năng tiêu chuẩn cán bộ, viên chức và định mức biên chế ... của các ngành và những vấn đề về tổ chức, biên chế, cán bộ ở địa phương có liên quan đến ngành.

Các đồng chí Bộ trưởng, chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải trực tiếp chỉ đạo các đơn vị thuộc mình quan lý. Trước hết phải kiện toàn cơ quan tổ chức và cơ quan lao động của ngành và địa phương, bố trí số cán bộ có kiến thức và quan điểm rõ về công tác tổ chức quản lý và cán bộ trong giai đoạn cách mạng mới để giúp Bộ và Uỷ ba nhân dân tổ chức thực hiện tốt chỉ thị này.

- Ban tổ chức của Chính phủ cùng với Bộ Lao động và các cơ quan có liên quan nghiên cứu vấn đề tổ chức bộ máy tinh giảm biên chế các cơ quan quản lý Nhà nước và biên chế hành chính các ngành sự nghiệp.

- Viện nghiên cứu quản lý cùng với Bộ Lao động nghiên cứu vấn đề tỷ lệ lao động gián tiếp trong khu vực sản xuất kinh doanh, trình Hội đồng bộ trưởng quyết định.

Việc xắp xếp, kiện toàn Bộ máy, tinh giản biên chế hành chính hiện nay đang là vấn đề cấp thiết nhằm nâng cao hiệu lực quản lý của các cơ quan Nhà nước, vì vậy thủ trưởng các ngành các cấp phải có kế hoạch tăng cường chỉ đạo một cách khẩn trương, kiên trì thực hiện từng bước vững chắc, đồng thời phải làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, viên chức để có hiệu quả thiết thực.

Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng và Ban tổ chức của Chính phủ giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trong việc chỉ đạo thực hiện chỉ thị này và thường kỳ báo cáo Thường vụ Hội đồng bộ trưởng.

 

 

Tố Hữu

(Đã ký)

 

 

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ