Nghị quyết số 16-HĐBT về việc tinh giảm biên chế hành chính do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 16-HĐBT
Ngày ban hành 08/02/1982
Ngày có hiệu lực 23/02/1982
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16-HĐBT

Hà Nội, ngày 08 tháng 2 năm 1982

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 16-HĐBT NGÀY 8 THÁNG 2 NĂM 1982VỀ VIỆC TINH GIẢN BIÊN CHẾ HÀNH CHÍNH.

Trong những năm qua các ngành và các địa phương đã tiến hành những biện pháp kiện toàn tổ chức, tinh giản biên chế hành chính, nhưng nhìn chung việc thực hiện nghị quyết của Đảng và Nhà nước còn chậm chạp, kết quả rất hạn chế; biên chế hành chính ở các ngành, các địa phương còn nặng nề; tình trạng trì trệ, bao cấp chưa giải quyết được bao nhiêu.

Nguyên nhân của việc tinh giản biên chế hành chính làm chậm chạp là do các ngành, các cấp chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm chỉ đạo công tác này, chưa thấy hết tác hại do bộ máy quản lý hành chính Nhà nước cồng kềnh, nặng nề gây ra nên chưa quyết tâm tổ chức thực hiện. Mặt khác tổ chức bộ máy, lề lối làm việc, chế độ công tác và việc phân công, phân cấp quản lý chậm được cải tiến; chức danh tiêu chuẩn cán bộ và chế độ, chính sách cụ thể phục vụ cho việc tinh giản biên chế nói chung chưa được quy định cụ thể.

Để thúc đẩy việc tinh giản biên chế hành chính làm cho bộ máy quản lý Nhà nước gọn, nhẹ, có hiệu lực, tạo nên bước chuyển biến lớn, Hội đồng Bộ trưởng quyết định thực hiện chủ trương tinh giản biên chế hành chính Nhà nước ở các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

- Mục đích của việc tinh giản biên chế hành chính lần này là giảm bớt số người hoạt động có thể giảm được, chủ yếu là trong các cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan quản lý hành chính cấp trên của các đơn vị cơ sở (Tổng công ty, liên hiệp các xí nghiệp...) nhằm nâng cao hiệu suất công tác, tiết kiệm lao động, tăng cường từng bước hiệu lực quản lý của bộ máy Nhà nước.

- Yêu cầu của việc tinh giản biên chế hành chính là:

1. Sắp xếp, bố trí cán bộ, nhân viên theo đúng khả năng của từng người và yêu cầu nhiệm vụ công tác của từng cơ quan, từng bộ phận công tác nhằm kiện toàn tổ chức bộ máy gọn, nhẹ, có hiệu lực.

2. Kiên quyết xoá bỏ lối quản lý hành chính bao cấp thể hiện về mặt tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, trước mắt cần chuyển giao nhiệm vụ quản lý trực tiếp các hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động sự nghiệp cho người thủ trưởng các đơn vị cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc cơ sở sự nghiệp phụ trách để giảm bớt số người làm việc không đúng chức năng và nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước ở các cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị cơ sở.

3. Chuẩn bị điều kiện tiến tới ổn định tổ chức, định mức biên chế hành chính và quản lý biên chế theo quỹ tiền lương sau khi Nhà nước ban hành bảng danh mục và tiêu chuẩn cán bộ, viên chức Nhà nước.

II. NHỮNG BIÊN PHÁP CỤ THỂ

A. VỀ KIỆN TOÀN MỘT BƯỚC TỔ CHỨC BỘ MÁY QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

1. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi Bộ, mỗi ngành và địa phương soát lại những công việc của các Vụ, Sở, Ty, các phòng, ban xem có những việc thuộc trách nhiệm, quyền hạn của các cơ sở sự nghiệp, sản xuất, kinh doanh (hoặc của cấp dưới) thì chuyển giao nhiệm vụ đồng thời chuyển giao cả số cán bộ, nhân viên đang làm việc đó cho cơ sở (hoặc cấp dưới) đảm nhiêm; các cơ quan quản lý Nhà nước ở các cấp phải làm đúng chức năng đã được luật pháp quy định, chủ yếu là thực hiện việc quản lý Nhà nước về các mặt quy hoạch, kế hoạch, chính sách, chế độ, luật pháp, tổ chức, cán bộ và lao động, hợp tác quốc tế, chỉ đạo thực hiện và kiểm tra đôn đốc các cơ sở hoặc cấp dưới hoạt động.

2. Trên cơ sở xác định rõ chức năng quản lý hành chính và khối lượng công việc cụ thể, các cơ quan quản lý Nhà nước phải soát lại số cán bộ hiện có; đối với những người trình độ, khả năng không đáp ứng kịp yêu cầu công tác thì kiên quyết chuyển sang công tác khác thích hợp hoặc bổ sung cho những ngành thiếu lao động; tuyệt đối không được sử dụng cán bộ theo hướng lấy số lượng bù chất lượng như ở một số nơi hiện nay.

3. Các vụ, cục, ban ở cơ quan Trung ương và các Sở, Ty ở địa phương phải giảm bớt số phòng; ở những bộ máy có điều kiện cán bộ có trình độ thì không cần tổ chức phòng, mà thực hiện chế độ thủ trưởng làm việc trực tiếp với chuyên viên, cán bộ. Những đơn vị nói trên phải giảm bớt cấp phó, không nhất thiết đơn vị nào cũng có cấp phó, tuỳ theo yêu cầu có thể có một hoặc hai phó giúp việc để bớt cách bức và làm cho công việc chạy đều, không bị trì trệ.

Ban tổ chức của Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu trình Hội đồng Bộ Trưởng ban hành quy định về tổ chức các phòng ban ở các Bộ để thi hành thống nhất.

4. Ở các Bộ cần quy định chế độ làm việc, chế độ báo cáo định kỳ, từ cơ sở lên; các cơ quan chuyên môn giúp việc Bộ phải thống nhất sử dụng các báo cáo của cơ sở, tránh đòi hỏi quá nhiều giấy tờ của cơ sở. Khi phân công giải quyết công việc, nhất thiết phải quy định người chịu trách nhiệm chính, chống việc gây lãng phí, phiền hà và ảnh hưởng đến công việc của cơ sở và cấp dưới.

5. Tuỳ từng cơ quan xét điều kiện cho phép mà tách các bộ phận quản lý nhà ở, sửa chữa nhà cửa, nhà khách, đội xe, điện, nước, căng tin ra khỏi biên chế quản lý hành chính và chuyển sang hoạt động theo phương thức hạch toán kinh tế; kết hợp giữa những cơ quan có yêu cầu phục vụ giống nhau để tổ chức các cơ sở chuyên trách phục vụ chung, tránh tổ chức trùng lặp, chồng chéo, hiệu quả thấp, lãng phí lao động.

6. Để các hội quần chúng tự quản lý biên chế, Nhà nước chỉ trợ cấp kinh phí hoạt động cho các hội quần chúng và khuyến khích các hội quần chúng mở rộng hoạt động để gây quỹ của hội và tạo điều kiện hoạt động mạnh hơn.

7. Chuyển các cơ sở sự nghiệp có điều kiện sang hạch toán kinh tế để thúc đẩy hoạt động thiết thực. Những đơn vị nào lúc đầu chưa thu nhập được tốt, Nhà nước bù chi, đồng thời các ngành xúc tiến việc ban hành các định mức biên chế nghiệp vụ để giúp cho việc quản lý biên chế sự nghiệp được hợp lý và chặt chẽ hơn hiện nay.

B. VỀ TINH GIẢN BIÊN CHẾ HÀNH CHÍNH:

1. Trước mắt, để ngăn chặn việc tăng thêm tổ chức quản lý hành chính, các ngành, các cấp không được lập ra thêm bất kỳ tổ chức quản lý nào mới, trừ trường hợp đặc biệt được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định; thủ trưởng các ngành, các cấp phải thực hiện đúng đắn chỉ thị 184-TTg ban hành ngày 6 tháng 6 năm 1980 và Thông tư hướng dẫn 257-TTg ban hành ngày 27 tháng 8 năm 1980 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý chặt chẽ biên chế các cơ quan quản lý Nhà nước.

2. Sau khi sắp xếp, số người dôi ra sẽ giải quyết như sau:

a) Đối với những người tuyển dụng từ năm 1976 đến nay, hiện đang làm việc tại các cơ quan quản lý hành chính mà chưa qua đào tạo, không có chuyên môn, nghiệp vụ, không có hiệu suất công tác, không có nhu cầu công tác nào tiếp nhận, nếu điều kiện cho phép thì cử đi đào tạo, nếu không có điều kiện cử đi đào tạo thì cho thôi việc.

b) Những người ốm đau đã qua điều trị, điều dưỡng nhiều lần vẫn không làm được việc thì cho đi điều trị, điều dưỡng một thời gian, nếu không còn đủ sức khoẻ để tiếp tục công tác thì được nghỉ việc theo chế độ mất sức lao động hiện hành (thời gian điều trị, điều dưỡng, đương sự được hưởng quỹ bảo hiểm xã hội, không tính vào quỹ lương).

c) Những người do trình độ nghiệp vụ kém thì điều sang công tác khác thích hợp hoặc cho đi học nếu Nhà nước có yêu cầu đào tạo và đương sự có đủ tiêu chuẩn. Việc điều động những người làm việc không có hiệu suất từ cơ quan này sang cơ quan, đơn vị khác phải được nghiên cứu hợp lý để bảo đảm cho công tác đỡ bị xáo trộn và đỡ ảnh hưởng nhiều đến điều kiện sinh hoạt của cán bộ, nhân viên. Việc đưa cán bộ, nhân viên đi đào tạo cũng phải thấy được hướng phát triển của người được đào tạo và bảo đảm sau khi ra trường có thể phục vụ công tác được.

d) Đối với những cán bộ, nhân viên thường biểu hiện xấu về tổ chức và kỷ luật trong cơ quan, những người không chấp hành lệnh điều động công tác mà không có lý do chính đáng thì thủ trưởng cơ quan chủ quản liên hệ với các cơ quan có trách nhiệm quản lý cán bộ để giải quyết thích đáng theo tinh thần vừa đảm bảo kỷ luật của Nhà nước, vừa giúp cho đương sự có điều kiện công tác hợp lý hơn.

[...]