Nghị định 182-CP năm 1979 Quy định về quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của công nhân, viên chức tại các đơn vị cơ sở sản xuất, kinh doanh của Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 182-CP
Ngày ban hành 26/04/1979
Ngày có hiệu lực 01/06/1979
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Quyền dân sự

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
---------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------------

Số: 182-CP

Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 1979

 

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ QUYỀN LÀM CHỦ TẬP THỂ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC TẠI CÁC ĐƠN VỊ CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH CỦA NHÀ NƯỚC

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Để thực hiện Nghị quyết của Đại hội lần thứ tư Đảng cộng sản Việt Nam về vấn đề phát huy quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động;
Căn cứ vào Luật Công đoàn do Sắc lệnh số 108-SL ngày 5/11/1957 ban hành;
Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14/7/1960;
Căn cứ vào Nghị định số 93-CP ngày 8/4/1977 ban hành Điều lệ xí nghiệp công nghiệp quốc doanh;
Căn cứ  vào Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 28 tháng 2 năm 1979, có đại diện Ban thư ký Tổng công đoàn Việt Nam tham dự;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.  Nay ban hành kèm theo Nghị định này bản Quy định của Hội đồng Chính phủ về quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của công nhân, viên chức tại các đơn vị cơ sở sản xuất, kinh doanh của Nhà nước.

Điều 2. Đồng chí Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm phối hợp với tổ chức công đoàn cấp tương đương để thi hành nghị định này.

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUYỀN LÀM CHỦ TẬP THỂ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC TẠI CÁC ĐƠN VỊ CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH CỦA NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Nghị định số 182-CP ngày 26/4/1979 của Hội đồng Chính phủ)

Nhân dân ta đang thực hiện nhiệm vụ cách mạng vĩ đại là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng đó, cần phải quán triệt đường lối do Đại hội toàn quốc lần thứ tư của Đảng đã đề ra, nắm vững chuyên chính vô sản, không ngừng phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động.

Làm chủ tập thể vừa là mục tiêu vừa là động lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Quyền làm chủ tập thể của nhân lao động bao gồm làm chủ tập thể về mặt chính trị, kinh tế, xã hội, làm chủ trên phạm vi cả nước, trên từng địa phương và trong từng đơn vị cơ sở. Quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động được thể hiện trong nghĩa vụ và quyền lợi của công dân đối với mọi công việc của xã hội; đồng thời được thể hiện trong việc người công dân có quyền kiểm tra, giám sát các hoạt động của cơ quan và nhân viên Nhà nước.

Để quán triệt một bước đường lối của Đảng về phát huy quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động, một điều rất quan trọng là tạo điều kiện cho công nhân, viên chức thực hiện quyền làm chủ trực tiếp của mình tại các đơn vị cơ sở.

Để động viên công nhân, viên chức phát huy sức lao động sáng tạo, hăng hái thi đua cống hiến ngày càng nhiều cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hội đồng Chính phủ quy định Quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của công nhân, viên chức tại các đơn vị cơ sở sản xuất, kinh doanh của Nhà nước như sau.

I. QUYỀN LÀM CHỦ TẬP THỂ CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC TRONG LAO ĐỘNG SẢN XUẤT

Điều 1. Trong lao động sản xuất, công nhân, viên chức có các quyền sau đây:

a) Quyền làm việc: Lao động là quyền lợi cơ bản và là nghĩa vụ hàng đầu của mọi người. Làm chủ tập thể trước hết là phải làm chủ trong lao động. Công nhân, viên chức có quyền đòi hỏi người phụ trách giao nhiệm vụ rõ ràng, giao đủ việc làm, giao việc phù hợp với khả năng chuyên môn đã được đào tạo, giao việc có định mức lao động, định mức vật tư tiêu chuẩn chất lượng và đòi hỏi người phụ trách bảo đảm các công cụ, vật tư, tài liệu kỹ thuật,… cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ.

Mỗi người phải tự giác chấp hành mệnh lệnh sản xuất, mệnh lệnh công tác của người phụ trách, chấp hành đúng kỷ luật lao động: làm việc đúng giờ, làm đủ ngày công, giờ công do Nhà nước quy định và làm việc với năng suất cao.

Người lao động sản xuất có nghĩa vụ thực hiện các định mức về lao động, làm đúng quy trình công nghệ, quy tắc kỹ thuật, bảo quản và sử dụng tốt máy móc, thiết bị, dụng cụ, sử dụng tiết kiệm năng lượng, vật tư… bảo đảm chất lượng cao; hoàn thành vượt mức nhiệm vụ sản xuất. Cán bộ và nhân viên quản lý hành chính, quản lý nghiệp vụ phải làm tròn trách nhiệm nhằm phục vụ kịp thời và có hiệu quả người lao động sản xuất.

b) Quyền tham gia giải quyết các khó khăn trong sản xuất và đấu tranh xóa bỏ các hiện tượng tiêu cực trong lao động sản xuất.

Khi sản xuất ở cơ sở gặp khó khăn, trở ngại không thể hoạt động bình thường, thì công nhân, viên chức có trách nhiệm góp sức khắc phục khó khăn, đồng thời nghiêm chỉnh chấp hành các biện pháp do người phụ trách đề ra để khắc phục khó khăn ấy.

Mọi người đều có trách nhiệm đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực trong sản xuất: lười biếng, vi phạm kỷ luật lao động, bớt xén nguyên liệu, vật liệu của Nhà nước, gian dối trong sản xuất. Người vi phạm chế độ trách nhiệm, chế độ kỷ luật, chế độ bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và chế độ phục vụ nhân dân sẽ bị thi hành kỷ luật tùy theo lỗi nặng nhẹ.

c) Quyền được bảo hộ lao động và bảo đảm an toàn lao động.

Công nhân, viên chức có quyền, đòi hỏi thủ trưởng đơn vị có kế hoạch và biện pháp chăm sóc, bảo hộ lao động, bảo đảm an toàn lao động và vệ sinh công nghiệp trong sản xuất; cung cấp đủ các trang bị phòng hộ lao động theo chính sách, chế độ của Nhà nước; công nhân, viên chức có trách nhiệm sử dụng, bảo quản tốt các trang bị bảo hộ lao động và tuân thủ các quy tắc về an toàn lao động.

d) Quyền hưởng lương theo kết quả lao động và quyền được khen thưởng khi có thành tích.

Công nhân, viên chức hoàn thành nhiệm vụ lao động được bảo đảm trả lương đầy đủ, đúng kỳ hạn. Công nhân, viên chức thực hiện vượt mức kế hoạch hoặc tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu dưới định mức quy định, có sáng kiến, phát minh đưa lại hiệu quả kinh tế, thì được thưởng theo chế độ hiện hành.

[...]