Chỉ thị 556/CT-UBND năm 2023 về chấn chỉnh công tác thanh tra, việc thực hiện kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Số hiệu 556/CT-UBND
Ngày ban hành 11/04/2023
Ngày có hiệu lực 11/04/2023
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 556/CT-UBND

Hà Giang, ngày 11 tháng 4 năm 2023

 

CHỈ THỊ

CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC THANH TRA, VIỆC THỰC HIỆN KẾT LUẬN, QUYẾT ĐỊNH XỬ LÝ SAU THANH TRA, KIỂM TOÁN; ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trong thời gian qua, công tác thanh tra; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Việc thực hiện các kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra, kiến nghị kiểm toán (sau đây gọi chung là kết luận, kiến nghị) cơ bản nghiêm túc, kịp thời; qua đó đã chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, bất cập được chỉ ra trong kết luận thanh tra, kiểm toán, góp phần ngăn chặn và phòng ngừa các hành vi sai phạm, tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, nhiều giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, đã tạo được những chuyển biến tích cực về nhận thức cũng như hành động trong toàn thể cán bộ, nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, giữ vững ổn định về an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số nơi công tác thanh tra và việc thực hiện kết luận, kiến nghị chưa được quan tâm, chú trọng; việc thực hiện kết luận, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị được thanh tra còn chậm, chưa nghiêm túc, triệt để; công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra của cơ quan chức năng và cơ quan có thẩm quyền sau thanh tra, kiểm toán chưa thường xuyên; một số kết luận thanh tra sau khi ban hành và tổ chức thực hiện phải sửa đổi, bổ sung do chưa đảm bảo tính pháp lý. Bên cạnh đó, việc triển khai các giải pháp phòng ngừa tham nhũng ở một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quyết liệt đi vào chiều sâu; có lúc, có nơi còn hình thức; người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự nêu gương trong phòng, chống tham nhũng.

Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm và tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác, tạo chuyển biến tích cực, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đáp ứng yêu cầu trong công tác thanh tra, thực hiện kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra, kiểm toán và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ sau:

1. Về công tác thanh tra

a) Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tổ chức quán triệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thanh tra. Trong đó tập trung triển khai Luật Thanh tra năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2023) và các văn bản hướng dẫn thi hành; nâng cao nhận thức, xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thanh tra, xác định thanh tra là công cụ quan trọng, thường xuyên của công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Qua thanh tra từng bước chấn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Kết quả công tác thanh tra là một trong những tiêu chí để đánh giá phẩm chất, năng lực, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu, là một trong những căn cứ để đánh giá công tác thi đua hằng năm của cơ quan, đơn vị.

b) Đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra hằng năm theo hướng bao quát các lĩnh vực nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm, bám sát định hướng, hướng dẫn của cơ quan thanh tra cấp trên và yêu cầu quản lý của từng cấp, từng ngành. Gắn công tác thanh tra với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tăng cường công tác thanh tra chuyên đề; kịp thời thanh tra đột xuất khi có vụ việc phát sinh. Chú trọng thanh tra những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí như: Quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, lâm sản, quản lý, bảo vệ rừng; đầu tư xây dựng cơ bản; đấu thầu, mua sắm; việc sử dụng kinh phí các Chương trình mục tiêu quốc gia... và các vụ việc có dư luận, báo chí hoặc có đơn thư phản ánh gây bức xúc kéo dài.

c) Nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra; việc thực hiện thanh tra cần đảm bảo chính xác, khách quan, đúng phạm vi, đối tượng và thời hạn theo quy định pháp luật. Nội dung kết luận thanh tra phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, biện pháp xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định, đảm bảo tính pháp lý của kết luận thanh tra. Trong quá trình thanh tra nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý theo quy định của pháp luật mà không chờ kết thúc cuộc thanh tra. Đồng thời, xử lý nghiêm trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan, đơn vị, lãnh đạo đoàn thanh tra có hành vi dung túng, bao che sai phạm hoặc cố ý không chuyển những vụ việc vi phạm có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra.

d) Kiện toàn, sắp xếp, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thanh tra các cấp, ngành có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, ý thức kỷ luật cao, có trách nhiệm, kinh nghiệm, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết với công tác thanh tra và đảm bảo tính kế thừa, ổn định. Bố trí cơ sở vật chất, phương tiện, ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra. Kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thanh tra; đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thanh tra.

đ) Thanh tra tỉnh và thanh tra các đơn vị, địa phương phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tích cực, chủ động tham mưu thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm tra. Kịp thời đề xuất xử lý, chấn chỉnh sai phạm, trùng chéo trong hoạt động thanh tra; thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm về những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong hoạt động thanh tra và xử lý sau thanh tra. Rà soát, tổng hợp những vi phạm có tính chất phổ biến, hệ thống để đề xuất các biện pháp xử lý, khắc phục góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra.

2. Việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra, kiểm toán

a) Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thanh tra, trong đó tập trung thực hiện nghiêm túc Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ quy định việc thực hiện kết luận thanh tra và Chỉ thị số 45-CT/TU ngày 19/5/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm toán, quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. Kiên quyết thu hồi triệt để tiền, tài sản do hành vi vi phạm đã phát hiện qua thanh tra, nếu phát hiện đối tượng thanh tra có dấu hiệu tẩu tán tài sản hoặc thực hiện không đúng kết luận, quyết định xử lý về tiền, tài sản thì kịp thời kiến nghị áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản theo quy định của pháp luật.

b) Chỉ đạo kiểm tra, rà soát và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các kết luận thanh tra, kiểm toán từ năm 2022 trở về trước; làm rõ trách nhiệm, xác định nguyên nhân, có giải pháp xử lý, khắc phục dứt điểm trong năm 2023.

c) Trong việc thực hiện các kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra:

Người có thẩm quyền ban hành kết luận thanh tra có trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; hàng năm tiến hành rà soát việc thực hiện các kết luận thanh tra, để đôn đốc hướng dẫn thực hiện dứt điểm; nếu có khó khăn, vướng mắc thiếu tính khả thi phải có văn bản đề xuất, xin ý kiến cấp có thẩm quyền, chỉ đạo thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế, không để tồn đọng.

Đối tượng thanh tra và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các kết luận thanh tra phải chủ động, kịp thời tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung của kết luận thanh tra; tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân có vi phạm; khắc phục các sơ hở, bất cập trong công tác quản lý; đề xuất cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung các chính sách cho phù hợp với thực tế quản lý nhà nước; báo cáo kết quả thực hiện các kết luận thanh tra về cơ quan quản lý cấp trên và Thanh tra tỉnh theo đúng thời gian quy định.

d) Trong việc thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước: Sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản triển khai Thông báo kết luận của kiểm toán, Báo cáo kết quả kiểm toán thì các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan phải tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời; thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện; có giải pháp cụ thể thực hiện các nội dung kiến nghị còn tồn đọng, chưa thực hiện xong; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện đến kiểm toán nhà nước, cơ quan quản lý cấp trên và Sở Tài chính theo quy định.

3. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

a) Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt, đi đầu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC); kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; xây dựng ý thức tự giác; gương mẫu thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về PCTN,TC; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; trọng danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, phải nhất quán phương châm “Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc” để trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực.

b) Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng, trong đó chú trọng quán triệt Thông báo số 30-TB/BCĐTW ngày 15/01/2023 về thông báo Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC tại phiên họp 23 của Ban Chỉ đạo; Chương trình trọng tâm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023 của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Tỉnh ủy về PCTN, TC; Kế hoạch 369-KH/TU ngày 27/3/2023 của Tỉnh ủy Hà Giang về tổ chức đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng về nội dung tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

c) Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tạo chuyển biến rõ nét. Tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ đảm bảo thực chất và hiệu quả. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương bố trí chức danh lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương.

d) Đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện nghiêm quy định của pháp luật trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án, nhất là các vụ án được dư luận quan tâm, vụ án do Ban Chỉ đạo Tỉnh ủy về PCTN, TC theo dõi; chú trọng việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt. Thực hiện nghiêm túc quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

đ) Cơ quan thanh tra, các cơ quan tiến hành tố tụng cần tăng cường công tác phối hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản; kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên, tạm giữ tài sản, phong tỏa tài khoản và xử lý tài sản tham nhũng ngay trong quá trình thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

e) Thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện tốt văn hóa công vụ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm sai phạm.

4. Tổ chức thực hiện

a) Thanh tra tỉnh:

[...]