Chỉ thị 4790/CT-BNN-KH năm 2015 xây dựng Kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 4790/CT-BNN-KH
Ngày ban hành 17/06/2015
Ngày có hiệu lực 17/06/2015
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4790/CT-BNN-KH

Hà Nội, ngày 17 tháng 06 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2016

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 3686/BKHĐT-TH ngày 11 tháng 6 năm 2015, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ thị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tổ chức đánh giá nghiêm túc tình hình thực hiện kế hoạch phát triển ngành và dự toán ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2015; trong đó, làm rõ các kết quả đạt được so với mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra; các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan và chủ quan, các biện pháp khắc phục trong những tháng cuối năm. Đồng thời, cập nhật đánh giá tình hình kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2011 - 2015 và Chiến lược phát triển 10 năm 2011 - 2020.

2. Trên cơ sở kết quả đã đạt được, căn cứ các mục tiêu chủ yếu của chiến lược và kế hoạch phát triển 5 năm 2016 - 2020 của ngành, lĩnh vực, đơn vị, yêu cầu thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước; các đơn vị, địa phương xác định mục tiêu, nhiệm vụ, các chỉ tiêu phát triển và giải pháp thực hiện kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.

3. Kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 phải được triển khai xây dựng đồng bộ, hệ thống, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị.

4. Đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng, hiệu quả và tăng cường trách nhiệm giải trình trong xây dựng kế hoạch và phân bổ các nguồn lực.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn giá trị gia tăng cao, trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới góp phần phát triển kinh tế cả nước, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Tốc độ tăng GDP nông lâm thủy sản bình quân từ 3,0 - 3,5 %;

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 4,0 - 4,5%;

- Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 32 tỷ USD.

- Tỷ lệ che phủ của rừng đạt 42,5%.

- Tỷ lệ số xã đạt tiêu chí nông thôn mới đạt 25%.

2. Định hướng phát triển ngành năm 2016

2.1. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao và hiệu quả

Triển khai mạnh tái cơ cấu ngành, lĩnh vực trên cơ sở các đề án và kế hoạch chuyên đề đã được phê duyệt, lựa chọn và sắp xếp thứ tự ưu tiên, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện trong năm để tạo chuyển biến rõ rệt trong thực tiễn; cụ thể như sau:

a) Trồng trọt:

Thực hiện tái cơ cấu trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền; đẩy mạnh các biện pháp thâm canh, thực hành sản xuất tốt và áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện các giải pháp pháp đồng bộ quản lý vật tư đầu vào; đồng thời, theo dõi, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh trên cây trồng đảm bảo hiệu quả cho người sản xuất.

Mở rộng diện tích gieo trồng những giống lúa chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; tiếp tục mở rộng diện tích và tăng sản lượng các loại cây trồng đã có thị trường tốt (ngô, đậu tương, cây nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, rau, hoa công nghệ cao quy mô lớn ở những địa phương có lợi thế...). Đối với các loại cây lâu năm đang có khó khăn về thị trường và đã vượt quy hoạch sản xuất (cao su, cà phê...) chủ yếu tập trung tái canh vườn cây già cỗi, thâm canh phù hợp.

Các địa phương căn cứ vào tín hiệu của thị trường, tiềm năng và lợi thế của địa phương, quy hoạch đã được phê duyệt để xác định cơ cấu cây trồng và quy mô sản xuất phù hợp.

b) Chăn nuôi:

Thực hiện tái cơ cấu đàn vật nuôi theo lợi thế và thị trường; chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao an toàn dịch bệnh; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.

Giám sát và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, tăng cường dịch vụ thú y; quy định chặt chẽ việc quản lý và sử dụng thuốc thú y; áp dụng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị; chủ động phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi.

[...]