Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Chỉ thị 416-TTg năm 1997 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 1998 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 416-TTg
Ngày ban hành 14/06/1997
Ngày có hiệu lực 29/06/1997
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 416-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 6 năm 1997

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1998

Tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thu, chi ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 1997 nhìn chung vẫn diễn ra theo chiều hướng thuận lợi: sản xuất, lưu thông hàng hoá duy trì nhịp độ phát triển khá, xuất khẩu đã có bước tiến mạnh, nhập khẩu được điều chỉnh đúng hướng, lạm phát được kiềm chế, nhiều mặt xã hội có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 1997 còn nổi lên một số vấn đề đáng quan tâm giải quyết: công nghiệp nội địa phát triển không đều, một số ngành, lĩnh vực có biểu hiện chững lại; tiêu thụ sản phẩm có khó khăn; tình hình giảm phát chưa được khắc phục; đầu tư xây dựng cơ bản đạt thấp; nguồn vốn ODA giải ngân chậm; tài chính tiền tệ thiếu ổn định, ngân sách vẫn căng thẳng; các tệ nạn xã hội chưa được đẩy lùi, tình trạng buôn lậu, trốn thuế vẫn chưa được ngăn chặn có hiệu quả.

Nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ kế hoạch năm 1997, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ và địa phương trong những tháng cuối năm phải tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp cấp bách đã đề ra trong các Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4, 5 và tháng 6 năm 1997 của Chính phủ; đồng thời khẩn trương triển khai xây dựng kế hoạch năm 1998 theo các nội dung và tiến độ sau:

I. NHỮNG NHIỆM VỤ, NỘI DUNG CHỦ YẾU CẦN CHÚ Ý KHI XÂY DỰNG KẾ HOẠCH 1998

1. Những nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội:

a. Tiếp tục thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, có sự chuyển biến về chất lượng và hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, hướng mạnh đầu tư cho sản xuất, kinh doanh để xuất khẩu, tạo thế và lực cho việc hoàn thành các mục tiêu đến năm 2000.

b. Tập trung khai thác tối đa các nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, đặc biệt phải có quan điểm cân đối ngân sách mới, tích cực để đáp ứng nhu cầu và tiến độ đầu tư các công trình lớn và quan trọng coi đây là điểm mấu chốt để hoàn thành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản 5 năm và chuẩn bị cho bước phát triển tiếp theo.

c. Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung đầu tư hướng về xuất khẩu và thực hiện các giải pháp đồng bộ khuyến khích xuất khẩu, nhập khẩu đủ vật tư nguyên liệu, công nghệ cho nhu cầu sản xuất, xây dựng và tiêu dùng thiết yếu. Tranh thủ thu hút nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA) và nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI).

d. Phát triển ổn định nền tài chính quốc gia, định hướng sử dụng có hiệu quả tài chính của đất nước, tăng nhanh nguồn tích luỹ cho đầu tư phát triển, đáp ứng tối đa nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh và xây dựng cơ bản, tiết kiệm triệt để chi tiêu ngân sách và tiêu dùng dân cư. Động viên đúng mức thuế và phí vào ngân sách theo Nghị quyết của Quốc hội, sử dụng ngân sách một cách có hiệu quả trong tất cả các ngành, các cấp. Tiếp tục đổi mới hoạt động của hệ thống ngân hàng để đẩy mạnh huy động nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho vay vốn trung, dài hạn và ngắn hạn. Có kế hoạch mở rộng và phát triển thị trường tiền tệ và thị trường vốn, từng bước hình thành thị trường chứng khoán để giải quyết vốn cho nền kinh tế; ổn định chỉ số lạm phát ở mức độ hợp lý.

e. Thực hiện có hiệu quả hơn các chương trình và lĩnh vực văn hoá, xã hội, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 2 về giáo dục, đào tạo, và khoa học công nghệ; đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu về nâng cao mặt bằng dân trí, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tạo thêm việc làm cho người lao động cả ở nông thôn và thành thị. Phát triển văn hoá thông tin, phủ sóng phát thanh, truyền hình; chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, ngăn ngừa có hiệu quả và chống các tệ nạn xã hội. Tập trung sức nhiều hơn cho chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng núi và đồng bào dân tộc, chương trình xoá đói giảm nghèo, đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các vùng còn khó khăn.

g. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh; phổ cập giáo dục pháp luật và hướng dẫn nhân dân sống và làm việc theo pháp luật; bảo đảm trật tự kỷ cương trong hoạt động kinh tế và an toàn xã hội để phát triển. Thực hiện tiếp chương trình cải cách hành chính quốc gia, đổi mới và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ các cấp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp chống tham nhũng và chống các hiện tượng tiêu cực xã hội.

2. Định hướng một số chỉ tiêu chủ yếu so với thực hiện năm 1997:

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 9 - 9,2%;

- Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp tăng 4,7 - 4,8%;

- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14 - 14,5%;

- Giá trị các ngành dịch vụ tăng 11 - 12%;

- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 28 - 30%;

- Tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 18 - 20%;

- Chỉ số giá hàng tiêu dùng và dịch vụ vào khoảng 7 - 8%;

- Đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 26 - 28%;

3. Về ngân sách Nhà nước:

a. Tăng nhanh khả năng và tiềm lực tài chính của đất nước, lành mạnh hoá nền tài chính quốc gia, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, nâng cao tỷ trọng chi ngân sách cho đầu tư phát triển, cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo, sự nghiệp nghiên cứu khoa học, công nghệ và môi trường; thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực của toàn xã hội để phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội.

Dự toán thu ngân sách nhà nước phải được xây dựng đúng luật, bao quát và khai thác mọi nguồn thu, chống thất thu có kết quả, bảo đảm công bằng trong sản xuất kinh doanh đối với mọi doanh nghiệp; đồng thời chú trọng tạo dựng cơ chế để khuyến khích sản xuất kinh doanh phát triển, nhằm bồi dưỡng mở rộng nguồn thu.

Cân đối ngân sách nhà nước theo nguyên tắc:

- Thu thuế và phí phải bảo đảm chi thường xuyên ở mức hợp lý, tiết kiệm và trả nợ các khoản đến hạn, dành tỷ lệ tích luỹ thích đáng cho đầu tư phát triển.

- Tốc độ tăng chi thường xuyên phải thấp hơn tốc độ tăng chi đầu tư phát triển.

[...]