Chỉ thị 4/CT-UBND năm 2022 về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

Số hiệu 4/CT-UBND
Ngày ban hành 19/05/2022
Ngày có hiệu lực 19/05/2022
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Lê Ánh Dương
Lĩnh vực Bất động sản,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4/CT-UBND

Bắc Giang, ngày 19 tháng 5 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG

Trong những năm qua, công tác quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp được chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ rừng; nhiều vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp đã được phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng phát phá rừng tự nhiên, lấn chiếm đất rừng để trồng rừng kinh tế, cháy rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép còn xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh tạo thành điểm nóng gây dư luận không tốt, các vụ việc tập trung chủ yếu tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam.

Nguyên nhân của tình trạng trên có cả khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chính bởi chưa làm tốt công tác tuyên truyền, ngoài ra sự nhận thức và trách nhiệm của một số cấp ủy đảng, chính quyền cấp xã, người dân, đặc biệt là chủ rừng về công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng còn hạn chế, chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, vì lợi ích kinh tế trước mắt, chưa coi trọng phát triển bền vững; một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa quan tâm, chỉ đạo sát sao, còn có biểu hiện buông lỏng quản lý; công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong đấu tranh, ngăn ngừa vi phạm chưa được thường xuyên, thiếu chặt chẽ; công tác tham mưu trong quản lý và xử lý, giải quyết các trường hợp vi phạm chưa kịp thời, thiếu kiên quyết, không đủ tính răn đe.

Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch 3 loại rừng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022 về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương và các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, chủ rừng thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước trong quản lý bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; phối hợp giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp.

- Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và UBND các huyện xác định cụ thể đối tượng, diện tích rừng tự nhiên cần tập trung bảo vệ để tham mưu cho UBND tỉnh bố trí đủ kinh phí khoán bảo vệ hàng năm.

- Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm:

+ Tham mưu cho chính quyền địa phương kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, chủ rừng thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường tuần tra, truy quét, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp chặt phá, lấn, chiếm, khai thác rừng trái phép, tự ý chuyển đổi loại rừng; quản lý chặt chẽ việc xác định nguồn gốc lâm sản theo đúng quy định. Thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có; bảo vệ nghiêm ngặt đối với diện tích các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

+ Bố trí lực lượng Kiểm lâm tăng cường về tuyến xã; thường xuyên tuần tra, kiểm tra khu rừng trọng điểm, giáp ranh có diễn biến phức tạp (lấn chiếm, phá rừng tự nhiên, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sai mục đích, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật) để phát hiện kịp thời, ngăn chặn các hành vi vi phạm ngay từ cơ sở; xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp.

+ Tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm giảm thiểu số vụ và diện tích thiệt hại do cháy rừng gây ra, đặc biệt trên dãy núi Nham Biền; tổng hợp dự báo cháy rừng, kịp thời thông tin cảnh báo cháy rừng tới các địa phương; huy động lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.

+ Tăng cường trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm, bố trí cán bộ Kiểm lâm có trách nhiệm, phẩm chất đạo đức tốt về phụ trách các địa bàn trọng điểm thường xảy ra tình trạng lấn chiếm, đốt, phá rừng tự nhiên. Kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt là những cán bộ kiểm lâm thiếu trách nhiệm, tiêu cực, bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

2. Công an tỉnh: Thực hiện tốt chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Văn bản số 1676/UBND-NN ngày 20/4/2022 về việc tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng trái pháp luật. Chỉ đạo lực lượng Công an chủ trì, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra các vụ vi phạm nghiêm trọng có dấu hiệu hình sự trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng; sớm khởi tố vụ án, bị can để truy tố trước pháp luật đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, đồng thời phát huy tính giáo dục, răn đe các đối tượng vi phạm.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tranh chấp đất rừng của các công ty lâm nghiệp và sớm hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty lâm nghiệp theo quy định.

- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố tham mưu cho chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai; có biện pháp kiểm tra, xử lý kịp thời đối với các trường hợp vi phạm về lấn chiếm, mua bán, chuyển nhượng trái quy định và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích.

- Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện việc thu hồi rừng đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với trình tự thủ tục thu hồi đất và thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về lâm nghiệp được quy định tại Điều 22 Luật Lâm nghiệp và Điều 43 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

4. Sở Tài chính: Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh cân đối ngân sách, hàng năm cấp đủ kinh phí cho công tác bảo vệ rừng tự nhiên trên địa bàn và kinh phí phòng cháy, chữa cháy rừng theo đúng chế độ chính sách của Nhà nước đã ban hành.

5. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan: Theo chức năng, nhiệm vụ, chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

6. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố

- Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 249-NQ/TU ngày 01/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Kế hoạch số 12/KH- UBND ngày 31/01/2018 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 249- NQ/TU ngày 01/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương trong thời gian qua. Xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân để tình trạng chặt phá rừng tự nhiên xảy ra trên địa bàn quản lý nhưng không phát hiện, báo cáo, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả, theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 249-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Lâm nghiệp; các chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú tới người dân, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng, không tự ý chặt phá rừng để trồng rừng kinh tế; tích cực tố giác hành vi vi phạm đến các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với UBND cấp xã khẩn trương khám nghiệm hiện trường, điều tra, xác minh thiết lập hồ sơ, khởi tố vụ án hình sự (nếu đủ căn cứ) để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các vụ chặt phá rừng, cháy rừng diễn ra trong thời gian qua; đảm bảo tính răn đe phòng ngừa vi phạm trong nhân dân.

- Tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch 3 loại rừng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022 về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 về việc phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025.

- Đối với diện tích rừng tự nhiên là rừng sản xuất đã giao cho các hộ gia đình quản lý, bảo vệ đang sinh trưởng phát triển đưa vào kế hoạch bảo vệ rừng; đối với diện tích rừng tự nhiên nghèo khuyến khích áp dụng biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, làm giàu rừng. Nghiêm cấm việc chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng rừng kinh tế. Kiên quyết thu hồi rừng thống nhất, đồng bộ gắn với thu hồi đất lâm nghiệp theo quy định của pháp luật về đất đai đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng pháp luật về Lâm nghiệp theo quy định.

- Chỉ đạo cơ quan chức năng, Chủ tịch UBND cấp xã có rừng tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn; nắm bắt, ngăn chặn, xử lý kịp thời ngay từ cơ sở tình trạng chặt phá rừng trái phép, tự ý chuyển loại rừng sang mục đích khác, lấn chiếm đất rừng của các công ty lâm nghiệp; giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp đất rừng ở địa phương không được để kéo dài. Kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, nhất là đối với cán bộ, đảng viên vi phạm hoặc để người thân có hành vi chặt, phá rừng tự nhiên trái phép, lấn chiếm đất rừng, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ