Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2022 về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Số hiệu | 09/CT-UBND |
Ngày ban hành | 01/07/2022 |
Ngày có hiệu lực | 01/07/2022 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hải Dương |
Người ký | Trần Văn Quân |
Lĩnh vực | Bất động sản,Tài nguyên - Môi trường |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/CT-UBND |
Hải Dương, ngày 01 tháng 7 năm 2022 |
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị các cấp, các ngành chủ động triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Lâm nghiệp năm 2017; Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 15/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp cấp bách trong công tác bảo vệ rừng phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 4228/KH-UBND ngày 17/11/2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 1496/KH-UBND ngày 27/5/2022 của UBND tỉnh về phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2022 trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Tham mưu cho UBND tỉnh tích hợp đầy đủ thông tin về rừng, đất rừng trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; bổ sung nguồn lực, nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với điều kiện tình hình thực tiễn của tỉnh; phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 để quản lý, bảo vệ chặt chẽ, hiệu quả đối với diện tích rừng trên địa bàn tỉnh;
- Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm:
+ Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có rừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, chủ rừng thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước trong quản lý bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; Thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên,các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; quản lý chặt chẽ việc xác định nguồn gốc lâm sản theo đúng quy định; kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, chủ rừng thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường tuần tra, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp chặt phá, lấn, chiếm, khai thác rừng trái phép, tự ý chuyển đổi loại rừng;
+ Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo sớm của Cục Kiểm lâm (tại địa chỉ Website: kiemlam.org.vn) để chính quyền cơ sở và các chủ rừng kịp thời nắm bắt thông tin, chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng;
+ Phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội trên địa bàn xây dựng kế hoạch phối hợp để sử dụng lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có tình huống diễn biến phức tạp trong công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Chỉ đạo Ban Quản lý rừng: Thực hiện nghiêm trách nhiệm của chủ rừng đối với diện tích đất rừng được giao quản lý theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp; tích cực tuyên truyền tới các hộ nhận khoán rừng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; đôn đốc, hướng dẫn, tổ chức trồng lại rừng ngay sau khai thác, tránh tình trạng chuyển đổi đất rừng không đúng quy định và xây dựng các công trình kiến trúc trái phép trên đất rừng.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai; thực hiện kiểm tra, phát hiện, xử lý, kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp lấn, chiếm đất rừng làm biến dạng địa hình, chuyển đổi đất rừng không đúng quy định và khai thác khoáng sản trái phép trong ranh giới đất rừng;
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc tham mưu cho UBND tỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích khác.
3. Công an tỉnh:
Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác bảo vệ rừng, tổ chức huy động lực lượng, phương tiện tiến hành triển khai các phương án chữa cháy, ứng cứu kịp thời khi xảy ra cháy rừng, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về rừng, môi trường, tính mạng, tài sản, đời sống của nhân dân; điều tra làm rõ nguyên nhân đối với các vụ việc cháy rừng; phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh.
4. UBND thành phố Chí Linh, UBND thị xã Kinh Môn:
- Tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú tới người dân, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng;
- Rà soát công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, đặc biệt là diện tích rừng do UBND các xã, phường đang quản lý theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Kiên quyết xử lý, thu hồi rừng theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý đối với các chủ rừng không thực hiện nghĩa vụ bảo vệ rừng, để xảy ra mất rừng;
- Phối hợp với cơ quan kiểm lâm, các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, quản lý chặt chẽ diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn; phát hiện, ngăn chặn, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng (tự ý chuyển đổi rừng, khai thác rừng trái phép, phá rừng, lấn chiếm đất rừng, xây dựng công trình, vật kiến trúc trái phép trên đất rừng, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích); không được để phát sinh các vi phạm mới; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về những vi phạm vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.
5. Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Hải Dương và các cơ quan thông tấn, báo chí đóng trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các phóng sự, tin bài về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, các bản tin cảnh báo và dự báo nguy cơ cháy rừng để phát trên truyền hình, đăng trên báo và các trang thông tin của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đoàn thể của tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.
|
KT. CHỦ TỊCH |