Kế hoạch 1962/KH-UBND năm 2022 triển khai Chỉ thị 05/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 1962/KH-UBND
Ngày ban hành 24/06/2022
Ngày có hiệu lực 24/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Tháp
Lĩnh vực Bất động sản,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1962/KH-UBND

Kon Tum, ngày 24 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHỈ THỊ SỐ 05/CT-TTG NGÀY 18 THÁNG 5 NĂM 2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG, XỬ LÝ TÌNH TRẠNG PHÁ RỪNG, LẤN CHIẾM ĐẤT RỪNG TRÁI PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật (sau đây gọi tắt Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 1571/SNN-KH ngày 09 tháng 6 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt, phổ biến, cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, xử lý nghiêm các vụ vi phạm góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp chính quyền địa phương và Nhân dân tích, cực tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Xác định việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là nhiệm vụ trọng tâm; phân công rõ nhiệm vụ cho từng đơn vị, địa phương để tập trung triển khai thực hiện.

- Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và Nhân dân tham gia tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; tổ chức nghiên cứu, quán triệt các nội dung phù hợp với từng đối tượng, thành phần, từng cấp, ngành, nhằm giúp cho cán bộ và Nhân dân nắm vững, hiểu rõ những nội dung cơ bản của các yêu cầu và chính sách về quản lý, bảo vệ rừng của Trung ương và của tỉnh.

- Các cơ quan chuyên ngành từ cấp tỉnh đến cấp xã chủ động tham mưu chính quyền các cấp xây dựng kế hoạch hằng tháng, quý, năm để triển khai thực hiện; việc triển khai thực hiện phải được tiến hành đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, thường xuyên, liên tục của các ngành liên quan và chính quyền các cấp tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân.

II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI

1. Các Sở, ban ngành thuộc tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị chủ rừng theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện các nội dung sau:

- Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh(1); trọng tâm là Kế hoạch số 34-KH/TU ngày 05 tháng 5 năm 2017 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư Trung ương "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng" trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 459/QĐ-UBND ngày 08 tháng 5 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng; quản lý chặt chẽ diện tích rừng, đất rừng theo đúng quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

- Xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn quản lý nhưng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời; trong đó người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm chính đối với việc để xảy ra các vụ vi phạm hoặc để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Tiếp tục rà soát, đẩy mạnh công tác giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn có chủ quản lý thực sự; kiên quyết thu hồi hoặc đề xuất thu hồi rừng theo quy định đối các chủ rừng không thực hiện nghĩa vụ bảo vệ rừng, để xảy ra mất rừng.

- Có kế hoạch cụ thể, thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, san ủi đồi núi để phân lô, bán nền, làm nhà ở và các công trình trên đất Lâm nghiệp trái quy định của pháp luật.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc tích hợp thông tin cơ cấu 03 loại rừng vào Quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các nội dung có liên quan đến việc xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm rà soát, kiểm tra, đánh giá toàn bộ diện tích rừng tự nhiên nhất là tại các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại rừng.

- Theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các dự án có liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm; tham mưu cấp thẩm quyền kiên quyết đình chỉ, thu hồi đối với các dự án có sai phạm hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của Nhân dân. Không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc thực hiện các dự án để vi phạm Luật Lâm nghiệp.

- Nghiên cứu, đề xuất bổ sung nguồn lực, nâng cao năng lực cho lực lượng Kiểm lâm đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với điều kiện tình hình thực tế của địa phương, trong đó tập trung ưu tiên bố trí lực lượng Kiểm lâm địa bàn cấp xã, Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

[...]