Chỉ thị 29/2002/CT-UB tăng cường quản lý Nhà nước về đấu thầu do Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 29/2002/CT-UB
Ngày ban hành 31/12/2002
Ngày có hiệu lực 31/12/2002
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Thiện Nhân
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 29/2002/CT-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 12 năm 2002 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤU THẦU.

Để đảm bảo việc thực hiện quản lý nhà nước về đấu thầu của thành phố phù hợp với quy chế đấu thầu ban hành kèm theo nghị định 88/1999/nđ-cp ngày 01 tháng 9 năm 1999, nghị định số 14/2000/nđ-cp ngày 05 tháng 5  năm 2000 và nghị định số 93/2001/nđ-cp ngày 12 tháng 12 năm 2001 của chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố hồ chí minh và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đấu thầu thực hiện các dự án đầu tư của thành phố trong thời gian tới, ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị cho các sở-ngành, quận-huyện, các chủ đầu tư thực hiện các nhiệm vụ, nội dung cụ thể dưới đây :

I.- QUY ĐỊNH VỀ CHỈ ĐỊNH THẦU :

1. Việc chọn đơn vị tư vấn lập nghiên cứu khả thi dự án không phải tổ chức đấu thầu nhưng việc chỉ định thầu phải được chủ đầu tư, chủ dự án tự xem xét, quyết định theo đúng điều kiện, thẩm quyền, thủ tục, trình tự quy định của quy chế đấu thầu.

2. Các gói thầu tư vấn có giá trị dưới 200.000.000 (hai trăm triệu)  đồng ; các gói thầu mua sắm hàng hóa có giá trị dưới 300.000.000 (ba trăm triệu) đồng ; các gói thầu xây lắp có giá trị dưới 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng, giao chủ đầu tư được tự quyết định chỉ định thầu nhưng phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. sau khi có quyết định chỉ định thầu, chủ đầu tư chịu trách nhiệm ký hợp đồng kinh tế với nhà thầu, theo dõi việc thực hiện hợp đồng và lập thủ tục thanh toán theo đúng quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng.

3. Các gói thầu tư vấn khác (ngoài mục 1 và 2 nêu trên) có giá trị từ 200.000.000 (hai trăm triệu) đồng đến dưới 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng, các gói thầu mua sắm hàng hóa có giá trị từ 300.000.000 (ba trăm triệu) đồng đến 1.000.000.000 (một tỷ) đồng, các gói thầu xây lắp có giá trị từ 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng đến 1.000.000.000 (một tỷ) đồng : sau khi được ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương chỉ định thầu bằng văn bản, giao chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm lựa chọn nhà thầu, xem xét, đánh giá năng lực, kinh nghiệm nhà thầu và ra quyết định chỉ định thầu.

4. Các gói thầu khác (tư vấn từ 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng trở lên ; mua sắm hàng hóa hoặc xây lắp từ 1.000.000.000 (một tỷ) đồng trở lên) : sau khi được ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương chỉ định thầu bằng văn bản, chủ đầu tư chịu trách nhiệm : (1) lựa chọn nhà tư vấn/hoặc nhà cung cấp/nhà thầu (gọi chung là nhà thầu) dự kiến chỉ định ; (2) tự lập và phê duyệt các điều khoản tham chiếu (nếu là gói thầu tư vấn)/hoặc hồ sơ mời thầu thực hiện gói thầu (nếu là gói thầu mua sắm hàng hóa hoặc xây lắp), gởi trực tiếp cho nhà thầu dự kiến chỉ định để nhà thầu lập hồ sơ đề xuất dự thầu ; (3) trên cơ sở hồ sơ đề xuất dự thầu của nhà thầu, chủ đầu tư tự tổ chức đánh giá (về năng lực, kinh nghiệm và đề xuất dự thầu liên quan của nhà thầu), lập hồ sơ trình kết quả chỉ định thầu để sở kế hoạch và đầu tư thẩm định hoặc xin ý kiến thẩm định của bộ kế hoạch và đầu tư trước khi trình ủy ban nhân dân thành phố quyết định chỉ định thầu theo đúng quy định.

5. Các công văn của chủ đầu tư đề nghị người có thẩm quyền chấp thuận chủ trương chỉ định thầu đều phải gởi đến sở kế hoạch và đầu tư và thực hiện theo đúng “mẫu đề nghị áp dụng chỉ định thầu” như hướng dẫn của sở kế hoạch và đầu tư.  

6. Tất cả các gói thầu được phép chỉ định thầu nhưng được tổ chức thực hiện không đúng trình tự, thủ tục quy định, hoặc thực hiện có tính chất hình thức đều phải tổ chức chọn thầu lại theo hình thức đấu thầu  hạn chế và chủ đầu tư phải chịu mọi trách nhiệm liên quan.

Trên đây là một số quy định về chỉ định thầu. tuy nhiên, thành phố khuyến khích tổ chức đấu thầu rộng rãi đối với tất cả các công việc, gói thầu thuộc các dự án đầu tư nhóm b, c sử dụng nguồn vốn trong nước. 

II.-  QUY ĐỊNH VỀ ĐẤU THẦU HẠN CHẾ :

1. Các gói thầu của dự án đầu tư nhóm b, c sử dụng vốn trong nước  được xem xét áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế trong các trường hợp sau :

1.1- Các gói thầu xây lắp (xây dựng mới hoặc di dời, sửa chữa, tu bổ) có tính kỹ thuật chuyên ngành phức tạp hoặc do điều kiện kỹ thuật, hiện trường thi công đỏi hỏi nhà thầu phải đảm bảo mức đáp ứng cao về chất lượng, thời gian thi công và thực tế chỉ có một số nhà thầu có năng lực kỹ thuật, tài chính và kinh nghiệm có khả năng thực hiện được ;

1.2- Các gói thầu mua sắm hàng hóa, trang thiết bị có tính năng kỹ thuật phức tạp hoặc chứng minh được thực tế chỉ có một số nhà cung cấp có khả năng cung cấp nguồn hàng theo yêu cầu mua sắm ;

1.3- Các gói thầu sử dụng nguồn vốn mà cơ quan tài trợ, quản lý vốn có yêu cầu đấu thầu hạn chế ; 

1.4- Các gói thầu của các dự án đầu tư mới hoặc sửa chữa mà cả dự án chỉ có tổng mức đầu tư dưới 2.000.000.000 (hai tỷ) đồng thuộc chuyên ngành điện, thông tin liên lạc, cấp nước, thoát nước, thủy lợi, nông nghiệp, lâm nghiệp, sửa chữa cầu sắp sập, phà chở khách, chung cư hư hỏng nặng ; các gói thầu xây lắp giá trị nhỏ dưới 2.000.000.000 (hai tỷ) đồng của các dự án đầu tư phải yêu cầu thực hiện gấp hoặc do điều kiện hiện trường, vùng địa lý thực hiện xét thấy áp dụng đấu thầu rộng rãi không hấp dẫn được nhiều đơn vị dự thầu.

2. Đối với các gói thầu được phép đấu thầu hạn chế : các nhà thầu được  tham gia đấu thầu hạn chế phải cung cấp đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh khả năng đáp ứng được về năng lực kỹ thuật, tài chính, nhân sự và kinh nghiệm theo đúng yêu cầu thực hiện gói thầu nêu trong hồ sơ mời thầu để làm cơ sở xem xét và trình duyệt. bên mời thầu phải có trách nhiệm lựa chọn, hướng dẫn, để bảo đảm tất cả các nhà thầu theo danh sách được duyệt có hồ sơ dự thầu hợp lệ và nghiêm túc. nhà thầu nào thuộc danh sách đã được duyệt mà khi dự thầu không nộp hồ sơ dự thầu, hoặc nộp hồ sơ dự thầu nhưng chủ ý để hồ sơ không hợp lệ, hoặc qua đánh giá hồ sơ dự thầu cho thấy việc dự thầu chỉ là hình thức, có ý dàn xếp trước sẽ bị xử lý hành chính và không được xét đưa vào danh sách nhà thầu tham gia đấu thầu hạn chế các gói thầu khác của thành phố.

3. Các công văn của chủ đầu tư đề nghị người có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đấu thầu hạn chế đều phải gởi đến sở kế hoạch và đầu tư và thực hiện theo đúng “mẫu đề nghị áp dụng đấu thầu hạn chế” như hướng dẫn của sở kế hoạch và đầu tư.

4. Tất cả các gói thầu được phép áp dụng đấu thầu hạn chế mà trong quá trình tổ chức đấu thầu bên mời thầu không thực hiện đúng quy định của quy chế đấu thầu đối với hình thức đấu thầu hạn chế trong nước hoặc được phát hiện tổ chức đấu thầu chỉ là hình thức, có dàn xếp chọn thầu trước, hoặc thông đồng tiêu cực trong đấu thầu đều phải tổ chức đấu thầu lại gói thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi.

III.- NHIỆM VỤ CỦA SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ  THÀNH PHỐ :

1. Nghiên cứu, tham mưu đề xuất, tổng hợp ý kiến và dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của ủy ban nhân dân thành phố liên quan đến công tác đấu thầu và quản lý nhà nước về đấu thầu của thành phố.

2. Hướng dẫn các quận-huyện, các sở, các chủ đầu tư, bên mời thầu về công tác đấu thầu nhằm đảm bảo tính thống nhất về nội dung hồ sơ trình duyệt, nội dung, trình tự và thời gian thẩm định, phê duyệt các nội dung cơ bản của quá trình đấu thầu thực hiện các dự án đầu tư trong phạm vi quy định của quy chế đấu thầu và các quy định liên quan của ủy ban nhân dân thành phố ; tổ chức thực hiện kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu cho các sở-ngành, quận-huyện khi cần thiết và khi chủ đầu tư, bên mời thầu có yêu cầu.

3. Thực hiện chức năng của cơ quan thẩm định kế hoạch đấu thầu dự án, kết quả đấu thầu gói thầu theo đúng quy định của quy chế đấu thầu và nhiệm vụ ủy ban nhân dân thành phố phân công, nêu tại quyết định số 155/2002/qđ-ub ngày 19 tháng 12 năm 2002 của ủy ban nhân dân thành phố về công tác quản lý các dự án đầu tư trong nước.

4. Tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện công tác đấu thầu và thực hiện quy chế đấu thầu của các quận-huyện, các sở được phân công quản lý đấu thầu, các chủ đầu tư hoặc bên mời thầu trong quá trình tổ chức đấu thầu thực hiện dự án ; hướng dẫn quận-huyện về công tác kiểm tra tình hình thực hiện công tác đấu thầu trong phạm vi quận-huyện quản lý ; tổ chức và phối hợp với quận-huyện, sở-ngành của thành phố thực hiện giám định đấu thầu theo quy định của nhà nước.

5. Hướng dẫn các quận-huyện, các sở thực hiện chế độ báo cáo tình hình tổ chức đấu thầu thực hiện dự án ; tổng hợp, đánh giá tình hình và trình báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu, thực hiện quy chế đấu thầu của thành phố theo quy định ; đề xuất, kiến nghị để ủy ban nhân dân thành phố  biểu dương các đơn vị thực hiện tốt, có biện pháp xử lý các đơn vị không chấp hành hoặc thực hiện không tốt chế độ báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu theo quy định.

6. Hướng dẫn các quận-huyện, sở, ngành xử lý vướng mắc, khiếu kiện trong quá trình tổ chức đấu thầu ; theo dõi, tổng hợp và báo cáo ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định xử lý các trường hợp vi phạm trong đấu thầu. đối với các gói thầu do các quận-huyện, các sở phê duyệt kết quả đấu thầu, nếu quyết định xử lý khiếu kiện của các quận-huyện, các sở chưa thỏa đáng, dẫn tới khiếu nại tiếp tục lên ủy ban nhân dân thành phố, giao sở kế hoạch và đầu tư  thẩm định đề xuất để ủy ban nhân dân thành phố xem xét, xử lý tiếp. trường hợp bên bị khiếu kiện là sở kế hoạch và đầu tư, ủy ban nhân dân thành phố sẽ chỉ đạo xử lý đối với từng trường hợp cụ thể.

7. Thực hiện các nhiệm vụ công tác khác liên quan đến đấu thầu theo chỉ đạo của ủy ban nhân dân thành phố.

[...]