Chỉ thị 28/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác quản lý nhà nước và chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 28/CT-UBND
Ngày ban hành 02/12/2016
Ngày có hiệu lực 02/12/2016
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Phan Ngọc Thọ
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/CT-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 02 tháng 12 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, các đoàn thể xã hội và chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế luôn quan tâm và triển khai thực hiện việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ, cải thiện môi trường thông qua việc thu hút, khuyến khích các dự án đầu tư ít nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, dự án sử dụng năng lượng sạch, công nghệ xanh; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng để xử lý ô nhiễm (chất thải rắn, nước thải đô thị, công nghiệp và y tế); tăng cường kiểm tra, thanh tra để xử lý các vi phạm về môi trường,... Tuy nhiên, tình hình ô nhiễm môi trường thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng, nhất là ô nhiễm trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng, chế biến thủy sản, chăn nuôi gia súc,... gây tác động đến cảnh quan môi trường, đời sống của nhân dân; tác động tiêu cực tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.

Nguyên nhân chính là do hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường (BVMT) chưa phát huy được hiệu quả; sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn và các địa phương thiếu tính chủ động; nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của một số cấp chính quyền, cán bộ quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng còn yếu kém, tình trạng coi trọng các lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn phổ biến. Vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh ngày càng tinh vi, nghiêm trọng. Hệ thống tổ chức quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; đội ngũ cán bộ còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ. Nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường còn hạn hẹp. Việc huy động sức mạnh tổng hợp của cộng đồng và vai trò giám sát thực thi pháp luật của các tổ chức chính trị - xã hội vào bảo vệ môi trường còn rất hạn chế.

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, sớm tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác BVMT, không ngừng cải thiện chất lượng môi trường; thực thi có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014 của Quốc hội, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT, Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân chỉ thị:

1. Bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các ngành, các cấp, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, hộ gia đình và mọi người dân. Giám đốc các sở, ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Không thu hút đầu tư bằng mọi giá, chú trọng tiêu chí môi trường trong lựa chọn dự án đầu tư. Kiên quyết không vì tăng trưởng kinh tế mà đánh đổi môi trường; không triển khai các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; dự án chưa hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường thì kiên quyết không được đưa vào, vận hành, hoạt động.

2. Đề nghị cấp ủy các cấp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường tại địa phương mình, ngành mình; chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể rà soát và giải quyết các vấn đề môi trường tại địa phương, ngành; tập trung quán triệt nhiệm vụ bảo vệ môi trường đến từng tổ chức đảng, từng cán bộ, đảng viên, góp phần tạo đồng thuận xã hội và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức chính trị xã hội phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương:

- Huy động sức mạnh tổng hợp của phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường; tiếp tục đẩy mạnh các đợt phát động, chú trọng đổi mới phương thức nhằm nâng cao chất lượnng, hiệu quả các chiến dịch, phong trào, cuộc vận động cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường.

- Đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội đối với các chủ trương, biện pháp, chương trình, đề án bảo vệ môi trường; tạo điều kiện tốt nhất để nhân dân phát huy quyền làm chủ, tự giác, tích cực thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

3. Các sở, ngành, địa phương phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường từ khâu xét duyệt, thẩm định đến triển khai thực hiện và vận hành dự án. Chủ đầu tư, cơ quan thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, công nghệ sản xuất, thiết kế cơ sở, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường phải chịu trách nhiệm về vấn đề môi trường của dự án. Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh về các vấn đề môi trường trên địa bàn, đặc biệt là môi trường tại các làng nghề, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; Trưởng ban Quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh về các vấn đề môi trường của khu kinh tế, khu công nghiệp. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của các ngành, địa phương và doanh nghiệp.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường và chế tài xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đến từng địa phương, cơ quan, doanh nghiệp và mỗi người dân; tiếp tục phổ biến, tập huấn, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

b) Nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định, quy chuẩn kỹ thuật bảo vệ môi trường của địa phương, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm cao và các đô thị đông dân cư, khu vực có hệ sinh thái nhạy cảm cần được bảo vệ.

c) Tập trung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với chủ đầu tư các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; chú trọng công tác thanh tra trách nhiệm của các ngành, địa phương trong công tác bảo vệ môi trường; thực hiện tốt việc công khai thông tin các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Trước mắt, tập trung kiểm tra, kiểm soát hoạt động xả thải đối với các chủ nguồn thải lớn, các dự án đang triển khai, cơ sở sản xuất có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm, tác động lớn đến môi trường, cảnh quan đô thị, lưu vực sông.

Tổ chức điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn thải trên địa bàn tỉnh; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn thải; hoàn thành trong năm 2017.

Hàng năm, chủ trì xây dựng, tổng hợp và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn theo phân cấp; tổng hợp kết quả thanh tra, kiểm tra của Sở và các địa phương, đơn vị, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31 tháng 12.

d) Tăng cường quản lý và kiểm soát việc khắc phục ô nhiễm của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường thuộc diện phải di dời và cơ sở ô nhiễm môi trường thuộc diện phải xử lý theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ; tham mưu đình chỉ hoạt động, buộc di dời hoặc đình chỉ các cơ sở không có khả năng xử lý ô nhiễm theo lộ trình đã quy định.

Tổ chức điều tra, đánh giá, khoanh vùng và có kế hoạch xử lý các khu vực ô nhiễm tồn lưu trên địa bàn; hoàn thành trong năm 2017.

e) Chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đặc biệt là khâu lập, thẩm định và thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường; đặc biệt là việc kiểm tra sau thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Tổ chức đánh giá, rà soát báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, các công trình biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư, nhất là các dự án lớn có nguy cơ cáo tác động xấu đến môi trường để có điều chỉnh kịp thời, hoàn thành trong năm 2017. Hoàn thành việc xác nhận công trình bảo vệ môi trường đối với các cơ sở đủ điều kiện trước ngày 30/3/2017.

Chủ trì rà soát xây dựng cơ sở dữ liệu đối với các cơ sở có phê duyệt Đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường (theo các tiêu chí: tên cơ sở, mức độ cam kết, thời gian phê duyệt, các hạn mục cam kết, kết quả thực hiện cam kết) để phục vụ công tác quản lý.

g) Tổ chức quản lý, giám sát việc đăng ký, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh; quản lý chặt chẽ việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận chủ nguồn thải nguy hại; xây dựng cơ sở dữ liệu chủ nguồn thải nguy hại;

h) Chủ trì tiến hành xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường 5 năm và hằng năm theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

i) Chủ trì tiến hành xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin về môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế; hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ, đảm bảo khả năng tiếp nhận, chia sẻ, khai thác và sử dụng có hiệu quả hệ thống thông tin môi trường phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

k) Nâng cao chất lượng quan trắc môi trường, có kế hoạch tăng dày các điểm quan trắc nền, các khu vực tập trung nhiều nguồn thải, khu vực nhạy cảm về môi trường; tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án Tăng cường năng lực quan trắc cho Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường.

l) Hướng dẫn, đôn đốc và yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh phải thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc tự động để kết nối dữ liệu về Sở theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP.

5. Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh

[...]