Kế hoạch 160/KH-UBND năm 2016 chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Số hiệu | 160/KH-UBND |
Ngày ban hành | 21/10/2016 |
Ngày có hiệu lực | 21/10/2016 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thanh Hóa |
Người ký | Lê Thị Thìn |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 160/KH-UBND |
Thanh Hóa, ngày 21 tháng 10 năm 2016 |
KẾ HOẠCH
CHẤN CHỈNH, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ VIỆC CHẤP HÀNH QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
Thực hiện Kết luận số 20/KL-BCA-A61 ngày 22/8/2016 của Bộ Công an về kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2016 đối với một số đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch với những nội dung trọng tâm
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhân dân trong công tác bảo vệ bí mật Nhà nước (BMNN); phòng chống âm mưu, hoạt động thu thập, đánh cắp, chiếm đoạt BMNN của các thế lực thù địch, bọn tội phạm và đối tượng xấu; kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nhanh, có hiệu quả các vụ lộ, lọt, mất BMNN.
2. Kiểm tra, rà soát, đánh giá lại những sơ hở, thiếu sót, tồn tại, hạn chế khó khăn, vướng mắc trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN, kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, bổ sung, khắc phục ngay nhằm đưa công tác bảo vệ BMNN đi vào nề nếp.
3. Đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí phục vụ công tác bảo vệ BMNN của các cấp, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh.
II. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP
1. Các đơn vị, địa phương tổ chức nghiên cứu, quán triệt, thực hiện nghiêm túc các văn bản của Nhà nước, Bộ Công an quy định về công tác bảo vệ BMNN: Pháp lệnh bảo vệ BMNN số 30/2000/PL-UBTVQH10 ngày 28/12/2000; Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành pháp lệnh bảo vệ BMNN; Thông tư số 33/2015/TT-BCA ngày 20/7/2015 của Bộ Công an về Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 33/2002/NĐ-CP về thi hành pháp lệnh bảo vệ BMNN; Quyết định số 160/2004/QĐ-TTg ngày 06/9/2004 của Thủ tướng Chính phủ về xác định khu vực cấm, địa điểm cấm; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 21/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ BMNN trong tình hình mới; Hướng dẫn số 02/HD-BCA-A81 ngày 12/3/2012 của Bộ Công an về thực hiện Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 07/2012/TT-BNV ngày 22/11/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn quản lý văn bản, lập hồ sơ và nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan (các văn bản có thể khai thác trên mạng Internet).
2. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN cho lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và nhân dân để nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với công tác bảo vệ BMNN; không được tiết lộ BMNN khi viết bài, đăng công khai trên các báo, tạp chí... trong và ngoài nước.
3. Các đơn vị, địa phương tổ chức tự kiểm tra, rà soát, đánh giá lại toàn bộ công tác bảo vệ BMNN tại đơn vị mình, ngành mình, kịp thời phát hiện tồn tại, yếu kém, có nguy cơ lộ, lọt bí bí mật Nhà nước để chấn chỉnh, đề ra giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN; tổ chức tập huấn cho lãnh đạo chủ chốt, cán bộ, đảng viên trực tiếp, thường xuyên tiếp xúc với BMNN.
4. Chấn chỉnh, khắc phục ngay những vấn đề còn tồn tại, thiếu sót trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN:
- Trang bị hệ thống sổ theo dõi, chuyển giao văn bản mật đi và đến (gồm 03 loại: Sổ đăng ký văn bản mật đi, sổ đăng ký văn bản mật đến, sổ chuyển giao văn bản mật); trang bị dấu các độ mật (gồm 13 con dấu: Tuyệt mật, Tối mật, Mật, A, B, C, Tăng lên tối mật, Tăng lên Tuyệt mật, Giảm xuống Tối mật, Giảm xuống Mật, Giải Mật, Chỉ người có tên mới được bóc bì, Tài liệu thu hồi) để đóng vào tài liệu có nội dung BMNN theo quy định tại Thông tư số 33/2015/TT-BCA ngày 20/7/2015 của Bộ Công an.
- Chấm dứt ngay tình trạng soạn thảo, lưu giữ, truyền đưa văn bản, tài liệu có nội dung BMNN trên máy tính kết nối mạng Internet. Bố trí máy tính dùng soạn thảo văn bản có nội dung BMNN riêng, không kết nối mạng Internet (từng cơ quan ban hành quy định về sử dụng máy tính và phương tiện kỹ thuật liên quan đến soạn thảo, lưu giữ, truyền đưa văn bản, tài liệu có nội dung BMNN).
- Có cơ chế quản lý hệ thống máy tính đảm bảo an ninh, an toàn. Thường xuyên rà soát, cập nhật bản khắc phục lỗi hệ thống và có biện pháp bảo mật cơ sở dữ liệu. Các ngành, địa phương sử dụng mạng nội bộ phải có đường truyền dữ liệu bảo mật riêng và mã hóa dữ liệu trên đường truyền theo quy định của Ban Cơ yếu Chính phủ. Nghiêm cấm kết nối mạng nội bộ với mạng Internet.
- Thực hiện thống kê, lưu trữ, bảo quản, sao chụp, tiêu hủy tài liệu mật theo đúng quy định tại Điều 11 Nghị định số 33/2002/NĐ-CP; Điều 6, Điều 8, Điều 11 Thông tư số 33/2015/TT-BCA. Đóng dấu vào bìa hồ sơ, tài liệu mật theo mức độ mật cao nhất của tài liệu có trong hồ sơ.
- Rà soát xác định khu vực cấm, địa điểm cấm tại cơ quan, địa phương mình đề xuất cấp có thẩm quyền ra quyết định và tổ chức cắm biển cấm, bảo vệ nghiêm túc theo đúng quy định pháp luật.
- Hàng năm tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, giải mật, tăng mật, giảm mật danh mục BMNN của ngành theo quy định tại Điều 3, Điều 12, Thông tư số 33/2015/TT-BCA. Tổ chức cho cán bộ nhân viên thường xuyên tiếp xúc với BMNN ký cam kết bảo vệ BMNN theo quy định (Điều 22, Nghị định số 33/2002/NĐ-CP).
- Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo theo quy định (Điều 25 Nghị định số 33/2002/NĐ-CP).
5. Các đơn vị, địa phương xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy chế bảo vệ BMNN cho phù hợp với quy định tại Thông tư số 33/2015/TT-BCA ngày 20/7/2015 của Bộ Công an và Quy chế bảo vệ BMNN của UBND tỉnh Thanh Hóa (Ban hành kèm theo Quyết định 1082/QĐ-UBND ngày 15/4/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa).
6. Các đơn vị, địa phương quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, kinh phí phục vụ công tác bảo vệ BMNN; đặc biệt là các thiết bị soạn thảo, truyền đưa, bảo quản tin, tài liệu, vật mang BMNN... đảm bảo an ninh, an toàn; bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm làm công tác bảo vệ BMNN đảm bảo tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, giữ gìn BMNN và có năng lực chuyên môn đáp ứng nhiệm vụ được giao.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ nội dung Kế hoạch này, các ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác bảo vệ BMNN; định kỳ 6 tháng (trước ngày 15/5) và một năm (trước ngày 15/11) báo cáo tình hình, kết quả công tác bảo vệ BMNN về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh - Phòng bảo vệ chính trị nội bộ) để tập hợp báo cáo Chính phủ và Bộ Công an.
2. Giao Công an tỉnh Thanh Hóa là đơn vị Thường thực tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ BMNN; phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các đơn vị có liên quan thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc triển khai, thực hiện công tác bảo vệ BMNN của các đơn vị, địa phương; báo cáo tình hình, kết quả thực hiện công tác bảo vệ BMNN về UBND tỉnh để chỉ đạo.
- Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ và các đơn vị có liên quan tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác bảo vệ BMNN và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo; tổ chức Hội nghị tập huấn các văn bản pháp luật về bảo vệ BMNN cho lãnh đạo chủ chốt, cán bộ trực tiếp, thường xuyên tiếp xúc BMNN của các đơn vị, địa phương.
- Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng lộ, lọt, mất bí mật Nhà nước và thực hiện không đúng, không đầy đủ quy định pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Sở Tài chính tham mưu bố trí kinh phí cho các đơn vị thực hiện công tác bảo vệ BMNN theo quy định của pháp luật; thẩm định kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo do Công an tỉnh lập, báo cáo UBND tỉnh.
Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này./.