Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2021 tăng cường công tác quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả đầu tư các chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Số hiệu 20/CT-UBND
Ngày ban hành 25/08/2021
Ngày có hiệu lực 25/08/2021
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Đỗ Minh Tuấn
Lĩnh vực Đầu tư

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/CT-UBND

Thanh Hóa, ngày 25 tháng 8 năm 2021

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN SỬ DỤNG VỐN ĐẦU TƯ CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

Trong thời gian qua, các cấp, các ngành và các chủ đầu tư đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án (sau đây gọi là dự án) sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh, nên nhìn chung chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công ngày càng được nâng lên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hằng năm của tỉnh luôn ở nhóm các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước, góp phần cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện các dự án đầu tư công vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Công tác chuẩn bị đầu tư ở một số dự án còn chậm, chưa phù hợp với tình hình thực tế, dẫn đến phải điều chỉnh; tiến độ thực hiện và giải ngân của một số dự án còn chậm; một số dự án có số dư vốn tạm ứng lớn, kéo dài trong nhiều năm nhưng chậm được thu hồi vốn tạm ứng; công tác bồi thường GPMB còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa được giải quyết kịp thời; chất lượng một số công trình chưa đảm bảo; quy trình kỹ thuật trong thi công xây dựng chưa được tuân thủ nghiêm túc; tiến độ thanh, quyết toán một số công trình, dự án hoàn thành còn chậm; công tác giám sát, đánh giá đầu tư, thực hiện chế độ báo cáo còn chưa được thực hiện nghiêm túc, kịp thời.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan, song nguyên nhân chủ yếu là do trình độ quản lý, năng lực tổ chức thực hiện dự án của một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng còn yếu, ý thức trách nhiệm, tính chủ động và quyết liệt chưa cao, chưa thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án; năng lực, kinh nghiệm của một số đơn vị tư vấn, đơn vị thi công chưa đáp ứng được yêu cầu; sự phối hợp giữa chủ đầu tư và chính quyền các địa phương có lúc, có việc còn chưa chặt chẽ; công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong đầu tư xây dựng còn chưa được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc.

Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng và sử dụng vốn đầu tư công, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư dự án đầu tư công thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các nội dung sau:

1. Về công tác lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán các dự án

a) Các đơn vị được giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, các chủ đầu tư

- Đảm bảo tuân thủ đầy đủ hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, các văn bản pháp luật có liên quan và chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 12885/UBND-THKH ngày 16/9/2020, Công văn số 5537/UBND-CN ngày 27/4/2021.

Trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, các chủ đầu tư, đơn vị được giao lập hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư phải rà soát, đánh giá kỹ lý do, nội dung điều chỉnh; việc điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư, vượt quá khả năng cân đối vốn đầu tư của dự án mà do nguyên nhân chủ quan, phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và chịu trách nhiệm trước quy định của pháp luật.

- Tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn lập dự án đầu tư, lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán phải có đủ năng lực, kinh nghiệm; đồng thời, phải giám sát chặt chẽ công tác khảo sát, thiết kế dự án đảm bảo phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật; xác định tổng mức đầu tư phải bao quát hết nội dung đầu tư, chi phí GPMB, chi khác của dự án, không để xảy ra sai sót dẫn đến phải điều chỉnh dự án.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công thuộc UBND cấp huyện, cấp xã

- Kiểm soát chặt chẽ sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, phạm vi, quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trong quá trình thẩm định chủ trương đầu tư dự án. Không trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư (bao gồm cả điều chỉnh chủ trương đầu tư) khi chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn bố trí cho dự án.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện nghiêm Quy chế số 01-QC/TU ngày 06/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Kết luận số 543-KL/TU ngày 30/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiêu chí xác định những chương trình, dự án quan trọng cần xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư trong quá trình thẩm định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan được giao quản lý xây dựng thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện

- Chỉ thực hiện thẩm định đối với các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư (trừ các dự án, nhiệm vụ không phải quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại khoản 6 Điều 18 Luật Đầu tư công năm 2019); thẩm định điều chỉnh dự án thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 43 của Luật Đầu tư công năm 2019, khoản 1 Điều 61 Luật Xây dựng năm 2014 và khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Trong quá trình thẩm định dự án (bao gồm cả điều chỉnh dự án), phải lấy ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công thuộc UBND cấp huyện, cấp xã về tổng mức đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đầu tư dự án.

- Thực hiện tốt Quy định phân công, phân cấp thẩm định dự án và thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

d) Các đơn vị khi nhận được văn bản của cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì đề nghị tham gia ý kiến thẩm định (hoặc tham gia góp ý) về các lĩnh vực do mình quản lý, theo dõi, phải có ý kiến tham gia bằng văn bản theo đúng thời gian yêu cầu, nhưng tối đa không quá 05 ngày làm việc; ý kiến tham gia phải thể hiện rõ quan điểm của ngành, địa phương, đơn vị mình đối với những lĩnh vực được giao theo dõi, quản lý; tuyệt đối không trả lời chung chung, không đi thẳng vào nội dung được xin ý kiến.

2. Về công tác phân bổ, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công

a) Các chủ đầu tư

- Triển khai thực hiện dự án đảm bảo phù hợp với mức vốn được giao; trường hợp không giải ngân hết kế hoạch vốn, các chủ đầu tư chủ động đề xuất, báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh vốn sang cho dự án khác theo quy định.

- Kiểm soát và quản lý chặt chẽ việc tạm ứng vốn và sử dụng vốn tạm ứng. Việc tạm ứng vốn theo hợp đồng chỉ được thực hiện sau khi hợp đồng xây dựng có hiệu lực và đã GPMB đủ điều kiện thi công dự án, phải có bảo lãnh tạm ứng hợp đồng của nhà thầu (đối với trường hợp phải có bảo lãnh tạm ứng). Mức tạm ứng, thời điểm tạm ứng và việc thu hồi vốn tạm ứng phải được quy định cụ thể trong hợp đồng. Việc tạm ứng đối với GPMB và chi khác phải tuân thủ quy định của pháp luật. Khẩn trương thu hồi hết số dư vốn tạm ứng các dự án có số vốn tạm ứng lớn, kéo dài, chậm hoàn ứng tại Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 19/01/2021 của UBND tỉnh.

- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao kế hoạch vốn đầu tư công có công trình, dự án sử dụng vốn sai mục đích, gây lãng phí, thất thoát vốn; không giải ngân hết kế hoạch vốn mà không có lý do khách quan, phải hủy dự toán; có số vốn tạm ứng lớn, kéo dài, chậm thu hồi vốn ứng; tiến độ thi công chậm, làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

b) Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa thực hiện nghiêm việc thu hồi vốn tạm ứng theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thanh toán, phải ưu tiên thu hồi vốn tạm ứng rồi mới thanh toán khối lượng hoàn thành. Trường hợp chủ đầu tư không ưu tiên thu hồi vốn tạm ứng, Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa xem xét, tạm dừng việc thanh toán cho chủ đầu tư cho đến khi chủ đầu tư thực hiện các hồ sơ, thủ tục để thu hồi vốn tạm ứng của dự án theo quy định.

c) Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, tham mưu cho UBND tỉnh có biện pháp xử lý số dư vốn tạm ứng quá hạn chưa thu hồi, đảm bảo theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 52/2018/TT-BTC ngày 24/5/2018 của Bộ Tài chính; đề xuất UBND tỉnh không bố trí vốn cho các dự án số dư tạm ứng lớn, chậm thu hồi vốn ứng và có số dư vốn tạm ứng quá hạn chưa thu hồi.

d) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan, rà soát, tổng hợp tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh (nếu có) và đề xuất biện pháp xử lý; định kỳ ngày 25 của tháng cuối quý báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

đ) UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Tổ chức lập, thẩm định và trình HĐND cấp huyện quyết định kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm nguồn vốn do cấp mình quản lý, đảm bảo theo quy định. Quản lý và sử dụng vốn đầu tư công do cấp huyện quản lý đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả và tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

- Hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra, giám sát UBND cấp xã lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm nguồn vốn do cấp xã quản lý.

[...]