Chỉ thị 13/CT-UBND về tăng cường thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 và trung hạn giai đoạn 2021-2025 do Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 13/CT-UBND
Ngày ban hành 19/10/2022
Ngày có hiệu lực 19/10/2022
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Phan Văn Mãi
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 10 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN, GIẢI NGÂN KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2022 VÀ TRUNG HẠN GIAI ĐOẠN 2021-2025

Ngày 26 tháng 9 năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP yêu cầu đy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 theo chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời, triển khai các giải pháp căn cơ, đồng bộ để khơi thông các nguồn lực chi cho đầu tư phát triển, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công và hoàn thành thắng lợi Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mà Quốc hội, Chính phủ đã giao và Hội đồng nhân dân Thành phố đã thông qua là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách cần được quan tâm, chú trọng thực hiện trong thời gian tới. Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, Giám đốc các Ban quản lý đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Về giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án:

1.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Đầu mối theo dõi, hướng dẫn các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các chủ đầu tư thực hiện các quy trình, thủ tục về đầu tư công, đảm bảo các dự án được bố trí vốn theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố đối với các nội dung vượt thẩm quyền.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố các quy trình, quy định liên quan thủ tục đầu tư dự án, kiểm tra giám sát dự án đầu tư; phân cấp, ủy quyền trong thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án.

- Rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố điều chỉnh Quyết định số 19/2021/QĐ-UBND ngày 18 tháng 6 năm 2021 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công của Thành phố Hồ Chí Minh trong trường hợp phát sinh các nội dung mới cần làm rõ về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan có liên quan theo quy định của Luật Đầu tư công.

1.2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Tham mưu các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức Hội nghị về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn Thành phố.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố các quy trình, quy định liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phân cấp, ủy quyền trong thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

1.3. Tổ công tác rà soát, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 (thành lập theo Quyết định số 2027/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố), Tổ Công tác rà soát các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (thành lập theo Quyết định số 2026/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố) và Tổ công tác thúc đẩy giải ngân các dự án được giao vốn lớn (thành lập theo Quyết định số 2025/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố) khẩn trương xem xét giải quyết các vướng mắc, khó khăn của các dự án cụ thể, báo cáo kết quả tại Hội nghị giao ban đầu tư công hàng tháng của Thành phố.

1.4. Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao: theo dõi, hướng dẫn các chủ đầu tư giải quyết các khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác phê duyệt dự án, phê duyệt điều chỉnh dự án, phê duyệt điều chỉnh dự toán gói thầu đối với các dự án có cấu phần xây lắp theo quy định của Luật Xây dựng, kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố phương án giải quyết đối với các nội dung vượt thẩm quyền.

1.5. Sở Xây dựng:

- Chủ trì, tham mưu các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm.

- Cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng theo đúng quy định của Luật Xây dựng và Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ làm cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư dự án; Kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi.

1.6. Công an Thành phố: chủ trì hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến cấp phép phòng cháy chữa cháy cho các dự án.

1.7. Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức: đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại các dự án được triển khai trên địa bàn; chủ động phối hợp, đề xuất các giải pháp với các Sở, ban, ngành có liên quan về các quy trình, quy định, thủ tục liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; nhanh chóng giải quyết các trường hợp khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng trên địa bàn. Tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân; Tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất... hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ các dự án.

1.8. Các Sở ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức có liên quan đến công tác giải quyết thủ tục đầu tư cho dự án (Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Quy hoạch - Kiến trúc...):

- Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án đầu tư công, phấn đấu giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết so với quy định hiện hành.

- Tập trung hướng dẫn chủ đầu tư chuẩn bị hồ sơ, nghiên cứu xây dựng các hồ sơ mẫu để chủ đầu tư tham khảo nhằm rút ngắn thời gian, tránh lãng phí nguồn lực, từ đó tập trung cho công tác thi công, giải ngân vốn.

2. Về công tác giải ngân vốn:

2.1. Các Sở ngành phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận huyện, thành phố Thủ Đức và các đơn vị liên quan giám sát việc triển khai của các dự án đầu tư công của các chủ đầu tư theo lĩnh vực được phân công phụ trách, cụ thể:

- Theo dõi tiến độ triển khai dự án theo Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công mà chủ đầu tư đã ban hành và chủ trì giải quyết các khó khăn vướng mắc của các dự án đầu tư công trong lĩnh vực do mình phụ trách.

- Có ý kiến về việc tăng, giảm, điều chuyển vốn của các dự án theo đề nghị của các chủ đầu tư trên nguyên tắc đảm bảo giải ngân toàn bộ số vốn được giao trong lĩnh vực phụ trách.

2.2. Các chủ đầu tư:

- Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án đã được bố trí vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhưng chưa đủ điều kiện để được bố trí vốn hằng năm, đặc biệt là các dự án phải thực hiện điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.

- Rà soát việc ban hành các Kế hoạch giải ngân vốn trong năm 2022, đảm bảo Kế hoạch phải xác định cụ thể khối lượng giải ngân hàng tháng, các giải pháp cần thực hiện đđảm bảo việc giải ngân theo tiến độ đề ra và có phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng theo nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị, phòng ban trực thuộc để triển khai thực hiện.

[...]