Nghị quyết 124/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 124/NQ-CP
Ngày ban hành 15/09/2022
Ngày có hiệu lực 15/09/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Lê Minh Khái
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 124/NQ-CP

Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THÚC ĐẨY GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2022

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 5701/TTr-BKHĐT ngày 12 tháng 8 năm 2022, văn bản số 6018/BKHĐT-TH ngày 25 tháng 8 năm 2022, Tờ trình số 6195/TTr-BKHĐT ngày 04 tháng 9 năm 2022, Báo cáo số 6200/BC-BKHĐT ngày 04 tháng 9 năm 2022 và văn bản số 6326/BKHĐT-TH ngày 08 tháng 9 năm 2022.

QUYẾT NGHỊ:

Trong những tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế nước ta, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, kinh tế nước ta đang dần phục hồi và phát triển; kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo; lạm phát được kiểm soát, duy trì mặt bằng tỷ giá, lãi suất hợp lý,... Tuy nhiên, rủi ro, thách thức còn rất lớn, nhất là việc điều chỉnh chính sách tiền tệ, tài khóa của các quốc gia trên thế giới, biến động về giá cả xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào... Trong bối cảnh đó việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia là rất quan trọng, cấp thiết nhằm phục hồi nhanh và phát triển bền vững, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra.

Trong 8 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 10 Nghị quyết (trong đó có 02 Nghị quyết chuyên đề), 04 công điện, 07 văn bản chỉ đạo về giải ngân vốn đầu tư công; tổ chức 02 Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; thành lập 06 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công; đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải tập trung, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Tuy nhiên, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 31 tháng 8 năm 2022 chỉ đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó có 42/51 bộ, cơ quan Trung ương và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước. Việc giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, có những nguyên nhân tồn tại trong nhiều năm, có những nguyên nhân mang tính đặc thù của từng năm kế hoạch.

Để phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở kết quả Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương ngày 03 tháng 8 năm 2022 và báo cáo kết quả 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công và thảo luận tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2022, Chính phủ thống nhất chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2022 như sau:

I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG

1. Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đảng các cấp, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành năm 2022.

2. Đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

3. Bám sát, nhận diện và đánh giá đúng, trúng tình hình; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cả về thể chế, cơ chế, chính sách, trên nguyên tắc cấp nào ban hành, cấp đó phải tháo gỡ, trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo cấp trên trực tiếp. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm hiệu quả, thực chất trong xử lý công việc.

II. MỤC TIÊU

Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 95 - 100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương. Giải ngân tối thiểu 50% vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giao trong năm 2022.

III. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người đứng đầu các cơ quan trực tiếp phụ trách và chịu trách nhiệm rà soát các quy định hiện hành về đầu tư công, chỉ ra những quy định bất cập trong thực tiễn triển khai; trên cơ sở đó, sửa đổi, bổ sung ngay những quy định thuộc thẩm quyền đối với các ngành, lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách, quản lý; đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đối với những vấn đề vượt thẩm quyền; trong đó khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến triển khai các dự án đầu tư công (từ khâu hình thành dự án, giao vốn, tổ chức thực hiện) thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 9 năm 2022 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì tổng hợp đề xuất của các bộ, cơ quan, địa phương về việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến triển khai các dự án đầu tư công (từ khâu hình thành dự án, giao vốn, tổ chức thực hiện) thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trên cơ sở đó, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20 tháng 10 năm 2022.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát kỹ quy định pháp luật đối với các dự án chuyển tiếp có sự điều chỉnh về cấp quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư giữa Luật Đầu tư công năm 2014Luật Đầu tư công năm 2019 để đề xuất phương án xử lý, tháo gỡ vướng mắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2022.

- Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, báo cáo Chính phủ trước ngày 30 tháng 9 năm 2022 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp hướng dẫn thẩm quyền phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án đầu tư công để thực hiện thống nhất trong cả nước; xong trước ngày 10 tháng 10 năm 2022.

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, tiến hành kiểm tra việc cấp phép mỏ nguyên vật liệu xây dựng thông thường theo các quy định của pháp luật và xem xét trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, trong đó:

- Đối với Luật Đất đai, nghiên cứu sửa đổi quy định về phân loại đất, nguyên tắc sử dụng đất, xác định giá đất, giá đất Nhà nước thu hồi với giá đất do nhà đầu tư đền bù, bao gồm cả diện tích theo cơ chế thỏa thuận, dẫn tới sự so sánh của người dân, khiếu nại, khiếu kiện, trình thủ tục pháp lý của công tác thu hồi đất,...

- Đối với Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường nghiên cứu sửa đổi quy định về trình tự, thủ tục cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản, phạm vi khoáng sản, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa...

d) Bộ Xây dựng: nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong quá trình sửa đổi các văn bản hướng dẫn về xây dựng, trong đó sửa đổi quy định về thẩm quyền thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng; thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành công trình; thời điểm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án trên nguyên tắc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bảo đảm về năng lực thực hiện tại cơ quan được phân cấp và thống nhất cho tất cả các địa phương, xong trước ngày 15 tháng 10 năm 2022.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ