Chỉ thị 10/CT-BGTVT năm 2011 về tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 10/CT-BGTVT
Ngày ban hành 30/11/2011
Ngày có hiệu lực 30/11/2011
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Đinh La Thăng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-BGTVT

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THANH TRA CHUYÊN NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI

Thực hiện Luật Thanh tra, pháp luật chuyên ngành giao thông vận tải và Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 và các Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về công tác thanh tra, hàng năm Thanh tra giao thông vận tải trên toàn quốc đã triển khai được hàng ngàn cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý nhiều hành vi vi phạm, kiến nghị ban hành, sửa đổi nhiều quy định quản lý, góp phần tích cực vào công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải và bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, qua đánh giá thực tiễn tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành trong thời gian qua còn vướng mắc, một số mặt hoạt động chưa thực sự chuyển biến, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước chuyên ngành GTVT.

Để thực hiện tốt Luật Thanh tra năm 2010, Nghị quyết số 88/2011/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1702/TTg-KTN ngày 24 tháng 9 năm 2011 về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ thị:

1. Tăng cường hoàn thiện thể chế, tổ chức và xây dựng lực lượng

1.1. Thanh tra Bộ GTVT (sau khi gọi tắt là Thanh tra Bộ) chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động của thanh tra GTVT theo Luật Thanh tra 2010 và pháp luật chuyên ngành. Trong khi chờ Chính phủ ban hành Nghị định quy định về hoạt động thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế tạm thời để Thanh tra chuyên ngành ở Trung ương.

1.2. Căn cứ quy định của pháp luật về thanh tra, Thanh tra Bộ và Vụ Tổ chức cán bộ nghiên cứu trình Bộ trưởng phương án tổ chức lại lực lượng Thanh tra GTVT theo hướng bảo đảm ổn định để tiếp tục hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

1.3. Thanh tra Bộ phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường quản lý tiêu chuẩn, chức danh theo Thông tư số 02/2008/TT-BGTVT ngày 04/3/2008 của Bộ trưởng Bộ GTVT hướng dẫn một số quy định về thanh tra viên, cộng tác viên và việc cấp thẻ kiểm tra giao thông vận tải; tiến hành rà soát, tổng hợp báo cáo Bộ trưởng để phân bổ định biên, sắp xếp lại cán bộ thanh tra theo hướng bổ sung, tăng cường lực lượng cho Thanh tra Bộ nhằm giúp Bộ trưởng có lực lượng kịp thời thực hiện các cuộc thanh tra chuyên ngành, chấn chỉnh, xử lý những vấn đề phát sinh ở các địa phương, trên các địa bàn trọng yếu và lĩnh vực đã phân cấp quản lý.

1.4. Tổng cục trưởng, Cục trưởng và Giám đốc các Sở GTVT chỉ đạo thực hiện lực lượng thanh tra tăng cường quản lý cán bộ, không để xảy ra tiêu cực trong hoạt động thanh tra, đặc biệt là cán bộ trực tiếp làm việc tại hiện trường. Trường hợp phát hiện cán bộ có hành vi vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định.

1.5. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiếp tục có giải pháp triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường biên chế, trang thiết bị cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2011. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc về cơ chế, chính sách và kinh phí, Chủ đầu tư khẩn trương báo cáo cấp quyết định đầu tư xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

2. Hoạt động của Thanh tra chuyên ngành

2.1. Ngoài những nhiệm vụ thường xuyên theo quy định của pháp luật, trong phạm vi thẩm quyền, Thanh tra GTVT các cấp tăng cường thanh tra, tập trung hành động để thực hiện một số nội dung cấp bách sau đây:

a) Về lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ:

- Thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với các đối tượng liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an và Chính quyền địa phương tiến hành cưỡng chế giải tỏa vi phạm hành lang an toàn đường bộ, thực hiện có hiệu quả giai đoạn 3 Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp tổ chức, cá nhân cấp đất, thực hiện sai quy hoạch và thỏa thuận đấu nối; bao che, thiếu trách nhiệm trong việc giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ phải được xử lý nghiêm khắc, nếu vượt quá thẩm quyền phải báo cáo ngay cấp trên xử lý theo quy định.

- Thanh tra hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt, taxi tại các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; thanh tra hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa. Đình chỉ hoạt động, yêu cầu thu hồi giấy phép của các tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện kinh doanh vận tải, vi phạm pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm theo Chỉ thị 01/2004/CT-TTg ngày 02/01/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động vận tải khách tiên tỉnh bằng ô tô.

- Thanh tra việc chấp hành tiêu chuẩn kỹ thuật về báo hiệu đường bộ tại các quốc lộ (sơn vạch kẻ đường, đèn tín hiệu, biển báo hiệu …), cương quyết không để báo hiệu đường bộ ảnh hưởng, làm mất an toàn giao thông và gây ùn tắc giao thông. Biển báo hiệu đường bộ bất hợp lý, làm cản trở giao thông, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải phải yêu cầu đơn vị quản lý điều chỉnh hoặc tháo dỡ ngay.

- Thanh tra đối với chủ đầu tư và các đơn vị thi công trong việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo đảm giao thông và an toàn giao thông khi thi công trong phạm vi đường bộ đang khai thác.

- Thanh tra GTVT phối hợp với cơ quan chuyên môn về xây dựng tiến hành thanh tra việc chấp hành tiêu chuẩn kỹ thuật, công tác bảo đảm an toàn giao thông khi thiết kế, phê duyệt và thi công các công trình, dự án, đặc biệt là các công trình, dự án kém chất lượng, có dấu hiệu mất an toàn, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

b) Về lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt:

- Tăng cường thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân; yêu cầu đơn vị quản lý và chính quyền địa phương ngăn chặn kịp thời hành vi mở đường ngang trái phép làm mất an toàn giao thông; thanh tra việc thực hiện các biện pháp bảo đảm ATGT tại các đường ngang dân sinh.

- Thanh tra việc chấp hành quy trình, quy phạm an toàn giao thông đường sắt, đặc biệt là công tác của nhân viên gác đường ngang, cầu chung giữa đường sắt và đường bộ; các thiết bị cảnh báo an toàn …;

c) Về lĩnh vực giao thông vận tải đường thủy nội địa:

- Thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Cảng vụ đường thủy nội địa trong công tác quản lý, bảo đảm an toàn tại các cảng, bến thủy nội địa.

- Tăng cường thanh tra hoạt động vận tải hành khách bằng đò, đặc biệt là khu vực có dòng chảy phức tạp, nhiều khách du lịch, học sinh đi học; thanh tra trách nhiệm quản lý bến khách ngang sông của chính quyền địa phương.

- Thanh tra công tác bảo đảm an toàn hành lang bảo vệ công trình thủy nội địa; an toàn kỹ thuật của phương tiện thủy nội địa.

- Thanh tra công tác đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn, công tác đăng ký, đăng kiểm; việc chấp hành định biên an toàn tối thiểu, kiên quyết xử lý đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.

d) Về lĩnh vực hàng hải:

- Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định trong hoạt động dịch vụ lai dắt tàu biển; các quy định về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác cảng biển; chấp hành các quy định trong hoạt động thông tin hàng hải, báo hiệu hàng hải.

[...]