Thông tư 39/2013/TT-BGDĐT hướng dẫn về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 39/2013/TT-BGDĐT
Ngày ban hành 04/12/2013
Ngày có hiệu lực 18/01/2014
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Vinh Hiển
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/2013/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2013

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VỀ THANH TRA CHUYÊN NGÀNH TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Giáo dục Đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;

Căn cứ Nghị định số 73/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục;

Căn cứ Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành;

Căn cứ Nghị định số 42/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Thanh tra giáo dục;

Xét đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ,

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư Hướng dẫn về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn về nội dung thanh tra, hoạt động thanh tra và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục (sau đây gọi là thanh tra chuyên ngành).

2. Thông tư này áp dụng đối với các sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo; Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra sở giáo dục và đào tạo; Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chánh thanh tra sở giáo dục và đào tạo; trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, thành viên đoàn thanh tra chuyên ngành; thanh tra viên được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo; các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Điều 2. Nguyên tắc hoạt động thanh tra chuyên ngành

1. Tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời.

2. Không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức và cá nhân là đối tượng thanh tra.

3. Tiến hành thường xuyên, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ về chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.

4. Kết hợp giữa hoạt động thanh tra nhà nước, thanh tra nội bộ, kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục, đánh giá nhà giáo và hoạt động thanh tra nhân dân theo quy định của pháp luật.

Chương II

NỘI DUNG THANH TRA CHUYÊN NGÀNH

Điều 3. Thanh tra chuyên ngành đối với sở giáo dục và đào tạo

1. Tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, chính sách phát triển giáo dục trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục.

3. Ban hành các văn bản chỉ đạo theo thẩm quyền; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giáo dục.

[...]