Thông tư 02/2008/TT-BGTVT hướng dẫn quy định về thanh tra viên, cộng tác viên và việc cấp thẻ kiểm tra giao thông vận tải do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 02/2008/TT-BGTVT
Ngày ban hành 04/03/2008
Ngày có hiệu lực 25/03/2008
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Hồ Nghĩa Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 02/2008/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 04 tháng 3 năm 2008

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ THANH TRA VIÊN, CỘNG TÁC VIÊN VÀ VIỆC CẤP THẺ KIỂM TRA GIAO THÔNG VẬN TẢI

Thi hành Nghị định số 136/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra giao thông vận tải và Nghị định số 100/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra;

Để củng cố tổ chức, tăng cường hoạt động thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải ở trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về giao thông vận tải trong giai đoạn hiện nay;

Sau khi có ý kiến thống nhất của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn một số quy định về thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra và việc cấp Thẻ kiểm tra giao thông vận tải như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn chuyên ngành đối với Thanh tra viên giao thông vận tải (sau đây gọi tắt là Thanh tra viên), chính sách xây dựng lực lượng thanh tra; tiêu chuẩn, chế độ, nhiệm vụ, quyền hạn của cộng tác viên Thanh tra giao thông vận tải (sau đây gọi tắt là Cộng tác viên); điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự thủ tục cấp Thẻ kiểm tra giao thông vận tải (sau đây gọi tắt là Thẻ kiểm tra).

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải ở trung ương và địa phương, tổ chức Thanh tra giao thông vận tải, Thanh tra viên, Cộng tác viên và các tổ chức, cá nhân liên quan.

3. Thanh tra viên và các ngạch Thanh tra viên

a) Thanh tra viên là công chức nhà nước được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra và nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành về an toàn, an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (bao gồm cả nhiệm vụ kiểm tra tại Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ Hàng không). Thanh tra viên được cấp trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu, Thẻ thanh tra viên để thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

b) Thanh tra viên gồm các ngạch sau:

- Ngạch Thanh tra viên;

- Ngạch Thanh tra viên chính;

- Ngạch Thanh tra viên cao cấp.

II. CHÍNH SÁCH XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG THANH TRA GIAO THÔNG VẬN TẢI

1. Hàng năm, Chánh thanh tra chịu trách nhiệm xây dựng, trình thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp cơ cấu biên chế công chức các ngạch để làm cơ sở cho việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức thanh tra.

2. Về tuyển dụng:

a) Ưu tiên tuyển dụng những người được đào tạo đại học hệ chính quy các chuyên ngành quy định tại điểm a khoản 1 phần III Thông tư này; kết quả học tập loại khá, giỏi, có trình độ đại học chuyên ngành và khả năng ứng dụng tốt về ngoại ngữ, tin học.

b) Cơ quan tuyển dụng được quy định bổ sung điều kiện cho phù hợp với đặc thù ngành, lĩnh vực công tác và cơ cấu chuyên môn trong tổ chức thanh tra. Việc quy định các điều kiện bổ sung thực hiện theo Pháp lệnh cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ, Bộ Nội vụ và hướng dẫn tại Thông tư này.

3. Về bố trí, sử dụng:

a) Mỗi Đội Thanh tra của Thanh tra Cục Đường bộ, Thanh tra Cục Đường sắt, Thanh tra Cục Đường sông, Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính phải bố trí ít nhất hai (02) Thanh tra viên. Trường hợp phải điều động Thanh tra viên hoặc vì lý do đặc biệt khác mà chưa kịp bố trí ít nhất hai (02) Thanh tra viên thì chậm nhất sau 12 tháng phải bố trí đủ số lượng thanh tra viên ở đội đó.

b) Khi bố trí cán bộ cần phải có cơ cấu trình độ chuyên môn hợp lý trong tổ chức thanh tra để thực hiện nhiệm vụ được giao. Ngoài ngạch Thanh tra viên, trong tổ chức thanh tra có thể bố trí cán bộ thuộc các các ngạch công chức khác như cán sự, chuyên viên (nếu có) và bố trí các chuyên ngành đào tạo theo hướng dẫn tại điểm a khoản 1 phần III Thông tư này.

c) Giám đốc Cảng vụ Hàng không, Cảng vụ hàng hải phải bố trí cán bộ có trình độ, năng lực chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo phân cấp.

4. Về bổ nhiệm chức vụ:

a) Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, không bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các trường hợp sau đây:

- Những người có trình độ dưới đại học chuyên ngành quy định tại điểm a khoản 1 phần III Thông tư này đối với chức vụ Chánh Thanh tra và Phó Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra và Phó Chánh Thanh tra Cục, Trưởng ban và Phó trưởng Ban Thanh tra thuộc Thanh tra Cục, Chánh Thanh tra và Phó Chánh Thanh tra Sở;

[...]