Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2023 về tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp do Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 06/CT-UBND
Ngày ban hành 18/10/2023
Ngày có hiệu lực 18/10/2023
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Phan Văn Mãi
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 10 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM, NÂNG CAO HIỆU QUẢ CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, HIỆN ĐẠI HÓA PHƯƠNG THỨC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH PHỤC VỤ NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP

Chính phủ xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; những năm gần đây Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều văn bản chỉ đạo về công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, đổi mới việc thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thúc đẩy việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp[1].

Triển khai các nhiệm vụ trên tại Thành phố Hồ Chí Minh, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố và sự nỗ lực của các sở, ban, ngành và UBND các cấp, kết quả cải cách TTHC thời gian qua có những chuyển biến đáng kể[2]; hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo và điều hành từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, kết quả và tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ chưa đạt mục tiêu, thời hạn yêu cầu; một số hạn chế, tồn tại chưa được khắc phục triệt để, người dân và doanh nghiệp còn gặp khó khăn, phiền hà, chậm trễ trong thực hiện TTHC; dịch vụ công trực tuyến thực hiện còn phức tạp đối với người dùng; quy trình TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính còn rườm rà, hiệu quả phối hợp chưa cao, dữ liệu giải quyết TTHC và dữ liệu phục vụ quản trị, điều hành của chính quyền Thành phố chưa hoàn thiện.

Để khắc phục các hạn chế nêu trên, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả cải cách TTHC, hiệu quả chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu:

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao, trực tiếp chỉ đạo, chấn chỉnh cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị thực hiện hiệu quả, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

I. Nâng cao hiệu quả kiểm soát, cải cách cải cách thủ tục hành chính

1. Kiểm soát chặt chẽ việc quy định TTHC, chỉ ban hành những TTHC thật sự cần thiết, chi phí tuân thủ thấp, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện và đáp ứng các yêu cầu về quy định TTHC. Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động, tham vấn ý kiến đối tượng thực hiện trong quá trình xây dựng thể chế, kịp thời nắm bắt và xử lý dứt điểm những khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện cơ chế, chính sách, quy định TTHC.

a) Đơn vị được giao chủ trì xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC thuộc thẩm quyền ban hành của UBND Thành phố, Hội đồng nhân dân Thành phố có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động của TTHC dự kiến quy định (bao gồm các yêu cầu, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chế độ báo cáo, nếu có); lấy ý kiến của Phòng Kiểm soát TTHC thuộc Văn phòng UBND Thành phố và ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp; tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến góp ý.

b) Sở Tư pháp có trách nhiệm thẩm định chặt chẽ quy định về TTHC (bao gồm các yêu cầu, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chế độ báo cáo, nếu có) trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị thẩm định (bao gồm báo cáo đánh giá tác động của TTHC của cơ quan chủ trì soạn thảo và ý kiến của Văn phòng UBND Thành phố); Văn phòng UBND Thành phố (Phòng Kiểm soát TTHC) có trách nhiệm cho ý kiến về quy định TTHC trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị cho ý kiến[3].

c) Thực hiện tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC, kịp thời phát hiện và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý những văn bản quy định TTHC trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung.

2. Công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết để người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện, tránh tình trạng tự đặt thêm các thành phần hồ sơ ngoài quy định; gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp nhận, giải quyết TTHC.

a) Sở, ban, ngành theo lĩnh vực quản lý chủ động theo dõi Quyết định công bố TTHC của bộ, ngành (trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành) và trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày bộ, ngành ban hành Quyết định công bố, sở, ban, ngành phải thực hiện rà soát, lập hồ sơ trình Chủ tịch UBND Thành phố quyết định công bố TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp trên địa bàn Thành phố.

Văn phòng UBND Thành phố (Phòng Kiểm soát TTHC) có trách nhiệm kiểm soát chất lượng dự thảo Quyết định công bố TTHC do sở, ban, ngành trình Chủ tịch UBND Thành phố.

b) Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày Chủ tịch UBND Thành phố ký Quyết định công bố TTHC: Văn phòng UBND Thành phố cập nhật cơ sở dữ liệu và công khai TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia; các đơn vị thực hiện TTHC công khai các TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận của đơn vị trên trang thông tin điện tử và tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của đơn vị.

c) Văn phòng UBND Thành phố hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công bố, công khai TTHC của các đơn vị. Định kỳ hàng tháng thống kê tiến độ rà soát trình công bố TTHC của các sở, ban, ngành; thống kê TTHC được công bố mới, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ để kiểm soát chặt chẽ việc ban hành và thực hiện TTHC.

3. Rà soát, đơn giản hóa quy trình TTHC đảm bảo tinh gọn, thực chất, hiệu quả; chỉ duy trì những TTHC thật sự cần thiết; đề xuất bãi bỏ, sửa đổi ngay những TTHC đang là rào cản cho hoạt động kinh doanh và đời sống người dân

a) Định kỳ tháng 01 hàng năm, Văn phòng UBND Thành phố tổng hợp đề xuất của các sở, ban, ngành, UBND các cấp, trình Chủ tịch UBND Thành phố ban hành Kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC trọng tâm của năm, xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ, trách nhiệm, sản phẩm và tiến độ thực hiện.

b) Các sở, ban, ngành, UBND các cấp chủ động thường xuyên rà soát, đề xuất các giải pháp liên thông, kết hợp trong giải quyết TTHC để tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm chi phí tuân thủ TTHC; đề xuất tái cấu trúc đơn giản hóa quy trình, cụ thể hóa trách nhiệm, giảm thành phần hồ sơ, giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa; thường xuyên rà soát, làm sạch thông tin của toàn bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết đã được công bố, công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, Cổng thông tin điện tử của Thành phố, trang thông tin điện tử và Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của đơn vị; bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.

II. Đổi mới thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến

1. Tiếp tục kiện toàn Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả các cấp, triển khai Bộ nhận diện thương hiệu theo Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đáp ứng yêu cầu của nền hành chính phục vụ. Việc lựa chọn, bố trí công chức, viên chức Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả phải đáp ứng các tiêu chuẩn về năng lực, đạo đức và các tiêu chuẩn khác theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho công chức, viên chức thực hiện TTHC về chuyên môn nghiệp vụ, công nghệ thông tin, nâng cao kỹ năng số, kỹ năng bảo mật thông tin trên môi trường mạng; văn hóa ứng xử, kỹ năng giao tiếp; tham mưu chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả.

2. Quán triệt đến từng cán bộ, công chức, viên chức quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh[4]; quy định về việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy khi thực hiện TTHC[5].

Triển khai nghiêm túc việc sử dụng thông tin, giấy tờ được tích hợp trên VNeID trong quá trình tiếp nhận, giải quyết dịch vụ công trực tuyến theo đúng quy định tại khoản 8 Điều 13 Nghị định số 59/2022/NĐ-CP “Khi chủ thể danh tính điện tử sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trong các hoạt động, giao dịch điện tử thì có giá trị tương đương với việc xuất trình giấy tờ, tài liệu để chứng minh thông tin đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử”[6].

3. Đẩy mạnh thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành, Cổng dịch vụ công quốc gia với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC Thành phố theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, cắt giảm các thông tin cần phải khai báo khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; từng bước chấm dứt tình trạng công chức, viên chức giải quyết TTHC mất nhiều thời gian, nguồn lực do cùng lúc phải thực hiện trên nhiều hệ thống hoặc vừa xử lý thủ công vừa nhập lại dữ liệu trực tuyến. Gắn việc thực hiện số hóa với nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giải quyết TTHC; không yêu cầu người dân cung cấp giấy tờ, kết quả đã được số hóa theo quy định.

Kết quả giải quyết TTHC được cung cấp đồng thời bản giấy và bản điện tử có đầy đủ giá trị pháp lý cho người dân, doanh nghiệp; Mẫu đơn, tờ khai được chuẩn hóa, điện tử hóa; đẩy mạnh việc ký số trên thiết bị di động.

4. Chú trọng công tác hướng dẫn, giải thích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong chuẩn bị hồ sơ, nộp hồ sơ TTHC đúng, đủ theo quy định, xem đây là yếu tố quan trọng hạn chế tình trạng bổ sung hồ sơ nhiều lần; thay đổi tư duy “làm thay, làm hộ” sang hỗ trợ, hướng dẫn để nâng cao kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp; phát huy hiệu quả hỗ trợ của các Tổ công nghệ số cộng đồng; thay đổi dần thói quen sử dụng hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử, từng bước hình thành công dân số, xã hội số.

5. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC Thành phố (Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử) cần được khẩn trương hoàn thiện, đảm bảo vận hành thông suốt, đồng bộ và đầy đủ các tính năng đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC trực tuyến và yêu cầu quản lý đồng bộ, thống nhất của cơ quan hành chính. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến phải thực sự đem lại những hiệu quả cụ thể, tiết kiệm cả về thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao sự chuyên nghiệp, khoa học, hiệu quả cho hoạt động công vụ của công chức, viên chức thực hiện TTHC; đảm bảo tính công khai, minh bạch hoạt động của chính quyền các cấp góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng khi giải quyết TTHC cho người dân.

6. Rà soát, phân tích những vấn đề còn hạn chế trong triển khai thanh toán trực tuyến để có các giải pháp phù hợp khuyến khích người dân sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến khi thực hiện các TTHC có thu phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính. Đảm bảo đồng bộ trong công tác đối soát để tạo thuận lợi cho việc quản lý các dịch vụ công trực tuyến. Tham mưu, trình Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành các chính sách về giảm, miễn lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

[...]