Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2024 xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 do tỉnh Đồng Tháp ban hành

Số hiệu 04/CT-UBND
Ngày ban hành 18/06/2024
Ngày có hiệu lực 18/06/2024
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Phạm Thiện Nghĩa
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/CT-UBND

Đồng Tháp, ngày 18 tháng 06 năm 2024

 

CHỈ THỊ

VỀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2025

Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ, về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 (gọi tắt là Chỉ thị số 17/CT-TTg), Chủ tịch UBND Tỉnh yêu cầu Thủ trưởng cơ quan chuyên môn và cơ quan, đơn vị thuộc UBND Tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thành phố triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể như sau:

I. XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2025

1. Yêu cầu

1.1. Đối với đánh giá Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

a) Bám sát mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển đề ra tại Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khoá XI, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Tỉnh((1)), các Quyết định, Thông báo kết luận và văn bản chỉ đạo của UBND Tỉnh, Chủ tịch UBND Tỉnh((2)), các Chương trình, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ và Hội đồng nhân dân cấp huyện về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

b) Đánh giá thực chất, bảo đảm tính khách quan, trung thực, sát thực tiễn về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024, có so sánh với kế hoạch năm 2024, với cùng kỳ năm 2023 và các năm 2021 - 2023, bao gồm: các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội 06 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2024; phân tích, đánh giá những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, xã hội, đầu tư, kết cấu hạ tầng, môi trường, cải cách hành chính, chuyển đổi số, quốc phòng, an ninh…; các tồn tại, hạn chế, trong đó, yêu cầu phân tích kỹ nguyên nhân chủ quan và khách quan; xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm 2024 để kịp thời khắc phục, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện đời sống Nhân dân, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu năm 2024.

1.2. Đối với xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

a) Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình, kết quả đã đạt được trong thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH các năm 2021 - 2023, ước thực hiện năm 2024; đánh giá, phân tích, dự báo khả năng hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại kế hoạch 05 năm (2021 - 2025); tập trung theo dõi, nắm bắt tình hình trong và ngoài nước để chuẩn bị, sẵn sàng các kịch bản, giải pháp phù hợp, hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra đến mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh.

b) Năm 2025 là năm cuối quyết tâm dồn sức thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 05 năm (2021 - 2025). Các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong năm 2025 phải bám sát, cụ thể hóa theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Tỉnh, mang tính đột phá, đổi mới, mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn; trong đó, tiếp tục nắm chắc tình hình, triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách; ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tập trung đẩy mạnh hơn nữa và bố trí nguồn lực thực hiện các đột phá chiến lược của tỉnh (04 đột phá thuộc lĩnh vực KT- XH); triệt để phân cấp, phân quyền, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công tư, phát huy tính tự lực, tự cường của các cơ quan, đơn vị, gắn kết chặt chẽ giữa kế hoạch phát triển KT-XH và kế hoạch đầu tư công; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch 5 năm (2021 - 2025).

Các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phải bảo đảm tính khả thi, cụ thể về nội dung, thời gian, tiến độ thực hiện, hoàn thành, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, đồng thời phải được lượng hoá rõ ràng như: số km đường cao tốc, tỉnh lộ, huyện lộ; sản lượng cây, con, sản phẩm; giá trị các ngành hàng; số văn bản quy phạm pháp luật được rà soát, xây dựng, hoàn chỉnh; thủ tục hành chính được rút gọn; biên chế được tinh giản…

c) Kế hoạch của các ngành, lĩnh vực và các cấp địa phương phải phù hợp với Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch, phấn đấu đạt được mục tiêu kế hoạch 5 năm về phát triển KT-XH của tỉnh, của địa phương; phù hợp với đặc điểm, mức độ phát triển của từng ngành, từng địa phương; bám sát những dự báo, đánh giá tình hình và bối cảnh trong nước và quốc tế trong giai đoạn tới; bảo đảm kế thừa, phát huy những thành quả đã đạt được, có đổi mới và tiếp thu, tiếp cận xu hướng phát triển chung, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH trong thời gian qua.

d) Việc đề xuất các chỉ tiêu theo ngành, lĩnh vực phảm bảo đảm các yêu cầu sau: (1) Thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, phù hợp với các chỉ tiêu kế hoạch 05 năm (2021 - 2025); trường hợp chỉ tiêu đề xuất không thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh phải bảo đảm tính chính xác, đồng bộ và thống nhất về thông tin, số liệu thống kê, phục vụ tốt công tác theo dõi, đánh giá và xây dựng kế hoạch; (2) Bảo đảm khả năng thu thập thông tin, theo dõi liên tục, đánh giá định kỳ; (3) Bảo đảm tính khả thi, dễ hiểu, có khả năng so sánh với dữ liệu quá khứ; (4) Bảo đảm tính gắn kết chặt chẽ và phản ánh trực tiếp tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; (5) Phù hợp với thông lệ và xu hướng phát triển.

2. Nội dung chủ yếu

Các sở, ban, ngành tỉnh, các địa phương căn cứ yêu cầu tại mục 1 phần I, xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 với các nội dung chủ yếu, gồm:

2.1. Đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Trên cơ sở tình hình, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2024, các Sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thành phố tổ chức đánh giá và ước thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 trên tất cả các ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, quản lý. Nội dung đánh giá phải đầy đủ, thực chất, trung thực các kết quả đạt được (nêu rõ thành tựu nổi bật của năm 2024, so sánh với kết quả thực hiện năm 2023 và thời điểm trước dịch COVID-19); những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân cụ thể để có biện pháp khắc phục; trong đó, tập trung đánh giá tác động các nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến KT-XH của tỉnh; bài học kinh nghiệm trong thực hiện kế hoạch năm 2024... Cụ thể:

a) Các Sở, ban, ngành tỉnh đánh giá theo các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 46/QĐ-UBND-HC ngày 17/01/2024 của UBND Tỉnh trong đó, tập trung đánh giá kết quả thực hiện 22 chỉ tiêu KT-XH chủ yếu, khung chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, kịch bản tăng trưởng kinh tế cấp tỉnh (được cập nhật gần nhất đã được UBND Tỉnh thông qua), 12 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, 105 nhiệm vụ cụ thể.

b) Các địa phương đánh giá theo các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ và Hội đồng nhân dân cùng cấp về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; Chương trình hành động của UBND Tỉnh (ban hành kèm theo Quyết định số 46/QĐ-UBND-HC ngày 17/01/2024 của UBND Tỉnh).

2.2. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 xây dựng trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen. Các Sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thành phố cần nghiên cứu, xác định các vấn đề cơ bản của Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025, trong đó, tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:

a) Bối cảnh xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025, bao gồm nhận định, phân tích những cơ hội, thuận lợi, thách thức, rủi ro của bối cảnh trong tỉnh, trong vùng, cả nước và quốc tế tác động đến việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH; đặc biệt, lưu ý tình hình thế giới, các quốc gia láng giềng của nước ta, biến động giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu, các xu hướng, mô hình phát triển mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, phát triển năng lượng sạch...; dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu.

b) Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025: bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp, kế hoạch phát triển KT-XH 05 năm 2021 - 2025, thực tiễn phát triển.

c) Chỉ tiêu chủ yếu được xây dựng dựa trên cơ sở kết quả đạt được năm 2024, bám sát các chỉ tiêu phát triển KT-XH 05 năm (2021 - 2025) và Khung đánh giá tình hình KT-XH hằng năm. Trên tinh thần tiếp tục phát huy, nâng cao chất lượng kết quả chỉ tiêu đã đạt kế hoạch, đặt mục tiêu phấn đấu cao đối với chỉ tiêu đạt thấp (tăng trưởng kinh tế, huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội…).

d) Các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu

Các Sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thành phố nghiên cứu, đề xuất các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2025 bảo đảm thống nhất với nhiệm vụ, mục tiêu chung là hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch 5 năm (2021 - 2025); đồng thời, phải phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng ngành, địa phương. Trong đó:

- Bám sát, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu, 05 đột phá chiến lược, 06 phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và 06 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

[...]