Chỉ thị 12/CT-TTg năm 2024 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 12/CT-TTg
Ngày ban hành 21/04/2024
Ngày có hiệu lực 21/04/2024
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Minh Chính
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 4 năm 2024

 

CHỈ THỊ

VỀ CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành, ủng hộ của doanh nghiệp, người dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta 3 tháng đầu năm 2024 tiếp tục phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, tạo tiền đề quan trọng để phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả năm 2024.

Tuy nhiên, là một nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, độ mở lớn, nên nước ta đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức nhất là các yếu tố bên ngoài. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự báo; căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu... Trong nước, vấn đề tỷ giá, áp lực lạm phát có xu hướng tăng; hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn; sản xuất công nghiệp phục hồi chưa được như mong muốn; các thị trường tài chính, tiền tệ cần theo dõi kỹ lưỡng, có giải pháp phù hợp để không làm ảnh hưởng đến hiệu quả cung ứng vốn cho nền kinh tế; một số quy định, thủ tục hành chính chậm được sửa đổi, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân; tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi còn chưa nghiêm...

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, góp phần thực hiện nhất quán định hướng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, chú trọng an sinh xã hội; tranh thủ tận dụng tối đa thời cơ, thuận lợi, nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, nỗ lực vượt qua thách thức để thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng, kiểm soát lạm phát; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là các Bộ, cơ quan, địa phương) căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

1. Tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế

a) Các bộ, cơ quan, địa phương:

- Theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế, các đối tác lớn, nhất là chính sách về tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư…; phân tích, dự báo để chủ động có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, nhất là việc tăng cả tổng cung và tổng cầu.

- Nắm chắc tình hình thị trường, cân đối cung cầu, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả ổn định thị trường, giá, nhất là đối với xăng, dầu, các hàng hóa thiết yếu, nhà ở và lương thực, thực phẩm. Chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng theo thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ động phân tích, dự báo, kịp thời cập nhật, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các phương án, kịch bản chỉ đạo, điều hành phù hợp nhằm thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

- Tập trung xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, Hydrogen...; kịp thời nắm bắt, xử lý khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp FDI, nhất là thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ các dự án tại Việt Nam.

c) Bộ Tài chính

- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, quyết liệt triển khai chuyển đổi số, quy định về hóa đơn điện tử, nhất là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là đối với các dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới...; triệt để và cương quyết cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách.

- Thúc đẩy và kiểm soát phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả các thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong năm 2025.

d) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

- Điều hành kịp thời, linh hoạt, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ; tăng cường hơn nữa thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát rủi ro nợ xấu và có giải pháp hiệu quả kịp thời xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.

- Thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ can thiệp điều hành thị trường vàng trong nước để bảo đảm thị trường vàng cạnh tranh lành mạnh, hoạt động ổn định, công khai, minh bạch, hiệu quả; quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, giao dịch trên thị trường, khắc phục ngay, hiệu quả tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế ở mức cao. Kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, buôn lậu, thổi giá vàng. Đồng thời điều tiết kịp thời, hiệu quả, đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp, người dân.

2. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội

a) Các bộ, cơ quan, địa phương:

- Khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 theo đúng quy định, không để tiếp tục chậm trễ, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện, giải ngân và đúng quy định pháp luật về đầu tư công.

- Quyết liệt giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm, đẩy nhanh việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo tinh thần lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội. Quan tâm thúc đẩy tiến độ, tháo gỡ dứt điểm khó khăn về cung ứng vật liệu thi công, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư, lựa chọn nhà thầu các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn.

- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, có chế tài xử lý nghiêm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Định kỳ hằng tháng báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả và đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA; công khai và đề xuất phê bình các Bộ, cơ quan, địa phương có tốc độ giải ngân thấp hơn mức bình quân cả nước.

- Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy phân bổ, giải ngân các dự án đầu tư công và bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao tại Công điện số 24/CĐ-TTg ngày 22 tháng 3 năm 2024, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tổng hợp nhu cầu điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2024 chưa phân bổ chi tiết của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; kéo dài thời gian bố trí vốn ngân sách trung ương cho các dự án được giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

c) Bộ Tài chính chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thanh, quyết toán, kiểm soát chi để đơn giản hóa, rút ngắn thời gian, thủ tục giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước.

[...]