Chỉ thị 04/CT-BGTVT năm 2010 triển khai thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành
Số hiệu | 04/CT-BGTVT |
Ngày ban hành | 02/02/2010 |
Ngày có hiệu lực | 02/02/2010 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Bộ Giao thông vận tải |
Người ký | Lê Mạnh Hùng |
Lĩnh vực | Giao thông - Vận tải |
BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/CT-BGTVT |
Hà Nội, ngày 02 tháng 02 năm 2010 |
Thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2001, Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, thời gian qua, Cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có nhiều cố gắng trong quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; chỉ đạo; hướng dẫn cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn theo tiêu chuẩn quy định, phù hợp chủ trương xã hội hóa của nhà nước; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ sát hạch viên, cán bộ nghiệp vụ phục vụ nhu cầu sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe, nên chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe không ngừng nâng cao, góp phần quan trọng vào việc kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, đáp ứng nhu cầu học, sát hạch lấy giấy phép lái xe của người dân, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế trong triển khai hoặc phát sinh cần được khắc phục như: quản lý đào tạo chưa chặt chẽ, công tác chỉ đạo, quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; việc áp dụng công nghệ thông tin để quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe triển khai chậm; nội dung, chương trình đào tạo chưa được bổ sung, thay đổi kịp thời.
Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và thực hiện tốt các quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan tham mưu thuộc Bộ, Cục Đường bộ Việt Nam, các trung tâm sát hạch lái xe, các cơ sở đào tạo lái xe thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa, nâng cao năng lực, chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đáp ứng nhu cầu học và sát hạch lấy giấy phép lái xe của người dân theo hướng ngày càng văn minh, thuận lợi;
2. Tiếp tục nghiên cứu, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp, đổi giấy phép lái xe theo Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ;
3. Nghiên cứu, biên soạn giáo trình đào tạo lái xe phù hợp với yêu cầu câng cao chất lượng, ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử của đội ngũ lái xe cơ giới đường bộ;
4. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đối với các cơ quan quản lý ở địa phương, các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe để thực hiện đúng các quy định; trường hợp phát hiện có sai phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật;
5. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham mưu của Bộ đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các dự án trong đề án đổi mới quản lý giấy phép lái xe, triển khai thực hiện trong quý I năm 2010;
6. Chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính xây dựng mức học phí đào tạo, phí sát hạch, lệ phí cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ mới phù hợp thực tế, báo cáo Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Tài chính ban hành.
II. CÁC SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI:
1. Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe tổ chức đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng FC cho người có giấy phép lái xe hạng C, D, E đang điều khiển ôtô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc theo Quyết định số 977/QĐ-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, xong trước ngày 01 tháng 7 năm 2010;
2. Chỉ đạo các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn theo quy định của tiêu chuẩn, nhằm nâng cao năng lực đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đáp ứng nhu cầu của xã hội bảo đảm chất lượng;
3. Chỉ đạo xây dựng và tổ chức sát hạch để cấp giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3, A4 và các hạng F tại các trung tâm sát hạch lái xe có đủ điều kiện; trường hợp, ở địa phương có khó khăn về cơ sở vật chất và chưa có nhu cầu sát hạch lái xe hạng A2, A3, A4, trung tâm sát hạch lái xe loại 3 phải có các hạng mục công trình cơ bản, sân sát hạch và xe cơ giới dùng để sát hạch lái xe mô tô hạng A1;
4. Chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe tổ chức tuyển sinh bảo đảm điều kiện quy định để đến khi dự sát hạch cấp giấy phép lái xe, người học phải có đủ tuổi theo quy định của Luật Giao thông đường bộ hiện hành;
5. Tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý các khóa đào tạo lái xe, các kỳ sát hạch tại trung tâm sát hạch lái xe nhằm thực hiện nghiêm túc nội dung, chương trình đào tạo, quy trình sát hạch lái xe theo quy định;
6. Căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, số lượng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, nhu cầu học và dự sát hạch lấy giấy phép lái xe cơ giới đường bộ thực tế tại địa phương, đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép đầu tư xây dựng mới cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, tránh chồng chéo, gây lãng phí trong đầu tư xây dựng;
7. Thường xuyên trao đổi thông tin với các Đại sứ quán, Lãnh sự quán, Sở Giao thông vận tải các địa phương nhằm phát hiện, ngăn chặn các trường hợp sử dụng giấy phép lái xe giả để đổi, di chuyển quản lý giấy phép lái xe.
III. CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO LÁI XE:
1. Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn về phòng học, sân tập lái, trang thiết bị phục vụ đào tạo theo tiêu chuẩn và từng bước hiện đại;
2. Thực hiện đúng nội dung, chương trình đào tạo theo quy định của Bộ Giao thông vận tải; phối hợp với cơ quan quản lý dạy nghề tại địa phương thực hiện các quy định trong công tác dạy nghề;
3. Thường xuyên bồi dưỡng và tập huấn đội ngũ cán bộ, giáo viên nâng cao trình độ, phẩm chất đạo đức làm công tác giảng dạy và từng bước hiện đại hóa công tác quản lý đào tạo của cơ sở.
IV. TRUNG TÂM SÁT HẠCH LÁI XE:
1. Phối hợp với cơ quan quản lý sát hạch, bố trí kế hoạch ôn luyện và sát hạch phù hợp yêu cầu của cơ sở đào tạo;
2. Thường xuyên duy trì, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, kỹ thuật, năng lực phục vụ để đáp ứng nhu cầu sát hạch lái xe, đảm bảo các trang thiết bị hoạt động ổn định, chính xác, an toàn;
3. Đầu tư ôtô sử dụng sát hạch phải thuộc quyền sở hữu của trung tâm sát hạch, có thông số kỹ thuật phù hợp quy định của tiêu chuẩn trung tâm sát hạch lái xe.