Dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi)

Số hiệu Khongso
Ngày ban hành 09/07/2018
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký ***
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số:         /QH14

 

DỰ THẢO
23.09.2020

 

LUẬT

GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ (SỬA ĐỔI)

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Giao thông đường bộ.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Đường bộ là công trình sử dụng cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, gồm: đường, cầu đường bộ, cống đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ, cầu phao đường bộ và các công trình phụ trợ gắn liền với đường bộ.

2. Công trình đường bộ gồm: đường bộ; trung tâm quản lý, điều hành giao thông; hệ thống kiểm soát tải trọng xe; hệ thống thu phí đường bộ; nhà quản lý giao thông; kho vật tư dự phòng; các công trình, thiết bị khác của đường bộ.

3. Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm: công trình đường bộ; bến xe; bãi đỗ xe; trạm dừng nghỉ; đất của đường bộ; hành lang an toàn đường bộ; các công trình phụ trợ phục vụ cho giao thông đường bộ.

4. Quốc lộ là đường nối liền Thủ đô Hà Nội với trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường nối liền trung tâm hành chính cấp tỉnh từ 03 địa phương trở lên; đường nối từ cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế đến các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên đường bộ; đường có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, khu vực.

5. Đường tỉnh là đường nối trung tâm hành chính của tỉnh với trung tâm hành chính của huyện hoặc trung tâm hành chính của tỉnh lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

6. Đường huyện là đường nối trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính của huyện lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

7. Đường xã là đường nối trung tâm hành chính của xã với các thôn, làng, ấp, bản và đơn vị tương đương hoặc đường nối với các xã lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của xã.

8. Đường thôn xóm là đường trong khu vực thôn, xóm, bản, ấp và các điểm dân cư nông thôn, đường dân sinh và đường trục nối thôn xóm với khu vực sản xuất nông nghiệp;

9. Đường đô thị là đường trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị, gồm: đường phố, đường cao tốc đô thị, đường trong ngõ, ngách và đường khác thuộc phạm vi địa giới hành chính.

10. Đường chuyên dùng là đường để phục vụ đi lại, vận chuyển của một hoặc một số tổ chức, cá nhân.

11. Đường cao tốc là đường bộ được thiết kế và xây dựng dành cho xe cơ giới chạy tốc độ cao bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình; chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định; không giao nhau cùng mức với đường khác; được bố trí trang thiết bị phục vụ quản lý, vận hành, khai thác và có gắn biển báo hiệu đường cao tốc; có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt, trường hợp do tính chất tạm thời hoặc yếu tố đặc biệt khác thì có thể không có dải phân cách.

12. Đường phố là đường đô thị có lòng đường và hè phố.

13. Đường giao thông nông thôn gồm: đường huyện, đường xã, đường thôn xóm.

14. Đường địa phương gồm: đường tỉnh, đường đô thị và đường giao thông nông thôn.

15. Đường chính là đường bảo đảm giao thông chủ yếu trong khu vực.

16. Đường nhánh là đường nối vào đường chính.

17. Đường gom là đường để gom hệ thống đường giao thông nội bộ của các khu đô thị, công nghiệp, kinh tế, dân cư, thương mại - dịch vụ vào đường chính hoặc vào đường nhánh trước khi đấu nối vào đường chính hoặc đường nhánh.

18. Hành lang an toàn đường bộ là dải đất dọc hai bên đất của đường bộ, tính từ mép ngoài đất của đường bộ ra hai bên để bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm tầm nhìn xe chạy và bảo vệ công trình đường bộ.

[...]