Chỉ thị 04/2008/CT-BTC về đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa hải quan, phòng chống phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong ngành hải quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 04/2008/CT-BTC
Ngày ban hành 15/12/2008
Ngày có hiệu lực 15/12/2008
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Vũ Văn Ninh
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Bộ máy hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
---------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do – Hạnh phúc
-------------

Số: 04/2008/CT-BTC

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH, HIỆN ĐẠI HÓA HẢI QUAN, PHÒNG CHỐNG PHIỀN HÀ, SÁCH NHIỄU, TIÊU CỰC TRONG NGÀNH HẢI QUAN NHẰM TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU

Nhằm thực hiện mục tiêu của Chính phủ về tạo thuận lợi cho thương mại, phát triển đầu tư trong nước, nước ngoài và phát triển du lịch, bảo vệ cộng đồng, an ninh quốc gia, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết của Tổ chức thương mại thế giới, trong đó có mục tiêu tạo thuận lợi và đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, Chính phủ và Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành Hải quan triển khai Chương trình cải cách, hiện đại hóa hải quan. Nhiều kế hoạch cụ thể đã được phê duyệt: thực hiện thí điểm thông quan điện tử theo Quyết định số 149/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2004 - 2006 ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-BTC ngày 16/3/2004 và Kế hoạch cải cách, phát triển, hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2008 - 2010 ban hành kèm theo Quyết định 456/QĐ-BTC ngày 14/3/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Quá trình triển khai Chương trình cải cách, hiện đại hóa hải quan mà Tổng cục Hải quan thực hiện thời gian qua đã đạt được một số kết quả: quản lý rủi ro đã bước đầu được triển khai áp dụng trong hoạt động hải quan; thủ tục hải quan đã đơn giản, thuận lợi hơn, bước đầu được chuẩn hóa theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, được cộng đồng doanh nghiệp và dư luận xã hội đồng tình ủng hộ; nhận thức của cán bộ, công chức hải quan về cải cách, hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đã được nâng lên.

Tuy nhiên, so với yêu cầu và mục tiêu đề ra, nhìn chung công tác cải cách, hiện đại hóa hải quan vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, tiến độ triển khai còn chậm, chưa đồng bộ; một bộ phận cán bộ, công chức hải quan không tích cực ủng hộ hoặc tỏ thái độ hoài nghi về mục tiêu của chương trình cải cách, hiện đại hóa hải quan; tình trạng cán bộ, công chức hải quan gây phiền hà, sách nhiễu cho doanh nghiệp hoặc tiêu cực, cố tình làm trái quy định để vụ lợi khi thực thi công vụ vẫn còn. Điều đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả triển khai Chương trình cải cách, hiện đại hóa hải quan và mục tiêu tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư và du lịch, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Hải quan tổ chức thực hiện tốt các công việc sau đây:

1- Đẩy nhanh việc thực hiện Kế hoạch cải cách, hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2008 - 2010 ban hành kèm theo Quyết định số 456/QĐ-BTC ngày 14/3/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và tiến độ thực hiện Dự án “Hiện đại hóa Hải quan” sử dụng vốn vay của Ngân hàng thế giới.

Lãnh đạo các cấp trong ngành Hải quan cần tiếp tục quán triệt nghiêm túc và sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, công chức hải quan về mục tiêu, yêu cầu và kế hoạch triển khai các chương trình cải cách, hiện đại hóa Hải quan.

2- Khẩn trương sơ kết việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử giai đoạn 2 và mở rộng trong hoạt động hải quan, góp phần tạo Điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu.

3- Về cải cách thủ tục hải quan: Rà soát, sửa đổi và đơn giản hóa các thủ tục có liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu trong phạm vi quản lý của Bộ Tài chính. Đồng thời tập trung rà soát, sửa đổi để thống nhất thủ tục hải quan áp dụng cho phương thức thủ công truyền thống và giao dịch điện tử. Triển khai ngay việc chuẩn bị cho xây dựng Nghị định quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan trên cơ sở kết hợp việc quy định về thủ tục hải quan điện tử với sửa đổi Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 quy định chi tiết một số Điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan.

4- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại trong các lĩnh vực: Phân tích, phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, xác định trị giá, chống gian lận về số lượng, chủng loại, ưu đãi đầu tư về thuế, trong quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu,… nhằm chống thất thu thuế, tạo Điều kiện cho sản xuất trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không thống nhất, xác định giá, thuế suất, ưu đãi thuế,… không đúng quy định; Cục trưởng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng này.

5- Sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện trong ngành Hải quan Chỉ thị số 32/2006/CT-TTg ngày 07/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.

Tiếp tục quán triệt và đẩy mạnh, quyết liệt thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Tài chính về phòng chống tham nhũng, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, phòng chống các biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức Hải quan.

Thủ trưởng các cấp trong ngành Hải quan phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thanh tra, kiểm tra công vụ và hoạt động nghiệp vụ tại các đơn vị hải quan cơ sở, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các hoạt động tự kiểm tra, tăng cường kiểm tra đột xuất. Xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh đối với các trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong thi hành công vụ, xử lý nghiêm khắc trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu để xảy ra sai phạm, tiêu cực trong đơn vị hoặc trong lĩnh vực mình phụ trách.

6- Cùng với việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả thiết thực cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Tổng cục Hải quan phải đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục truyền thống, giáo dục ý thức nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm với công tác tài chính, công tác hải quan; đưa nội dung này vào nội dung đào tạo, bồi dưỡng công chức hàng năm và lồng ghép vào công việc chuyên môn thường xuyên; làm cho đội ngũ cán bộ, công chức hải quan nhận thức đầy đủ và nâng cao lòng tự hào nghề nghiệp, dũng cảm đấu tranh với những tiêu cực, sai phạm phát sinh trong công việc hàng ngày.

7- Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Hải quan hoàn thiện hệ thống thông tin phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu. Các đơn vị khác thuộc Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp và hỗ trợ Tổng cục Hải quan thực hiện các chương trình về cải cách, hiện đại hóa hải quan.

8- Trên cơ sở Chỉ thị này, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có văn bản chỉ đạo, triển khai cụ thể trong ngành Hải quan; Thủ trưởng các cấp trong ngành Hải quan phối hợp với cấp uỷ Đảng cùng cấp và các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn quản lý có biện pháp tổ chức triển khai cụ thể.

Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính phối hợp với Tổng cục Hải quan tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện của Tổng cục Hải quan và các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan. Định kỳ 3 tháng có báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính về tình hình thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (để phối hợp thực hiện);
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (để phối hợp thực hiện);
- Tổng cục Hải quan và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính (để thực hiện);
- Lưu: VT, TCHQ .

BỘ TRƯỞNG




Vũ Văn Ninh