Chỉ thị 03/CT-NHNN năm 2012 về công tác thanh tra, giám sát; phòng, chống tham nhũng, sai phạm trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Số hiệu 03/CT-NHNN
Ngày ban hành 16/03/2012
Ngày có hiệu lực 16/03/2012
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Nguyễn Văn Bình
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Bộ máy hành chính

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CT-NHNN

Hà Nội, ngày 16 tháng 03 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC THANH TRA, GIÁM SÁT; PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, SAI PHẠM TRONG LĨNH VỰC TIỀN TỆ VÀ HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG

Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, đồng thời triển khai toàn diện, sâu sắc nhưng thận trọng quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng theo đúng lộ trình, mục tiêu đã đặt ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức tín dụng), trong năm 2012, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, biện pháp về công tác thanh tra, giám sát; phòng, chống tham nhũng, sai phạm trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng như sau:

1. Các đơn vị tại trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

1.1. Tổ chức thực hiện nghiêm túc điểm 2.8 Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/2/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Căn cứ kết quả quản lý, thanh tra, giám sát và tổng hợp thống kê để phân loại các tổ chức tín dụng; thực hiện các bước tái cơ cấu hệ thống và xử lý những tổ chức tín dụng yếu kém, theo phương châm toàn diện, thận trọng, đảm bảo an toàn hệ thống.

1.2. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những hành vi vi phạm pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, vi phạm sự chỉ đạo, điều hành của Ngân hàng Nhà nước năm 2012; coi đây là một trong những biện pháp quan trọng nhằm chấm dứt tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm có tính hệ thống trong thời gian qua của các tổ chức tín dụng, lập lại kỷ cương trong hoạt động ngân hàng.

1.3. Tăng cường tính chủ động trong phối hợp công tác giữa các đơn vị thuộc trụ sở chính; giữa các đơn vị thuộc trụ sở chính với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; giữa các đơn vị thuộc trụ sở chính với các Bộ, Ngành, Cơ quan chức năng; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong công tác quản lý, thanh tra, giám sát, phòng, chống sai phạm, tham nhũng và quá trình thực hiện lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

1.4. Rà soát cơ chế, chính sách, quy định trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trong đó chú trọng hoạt động cấp tín dụng, để bổ sung, sửa đổi hoặc kiến nghị bổ sung, sửa đổi, bảo đảm hoạt động của các tổ chức tín dụng an toàn, hiệu quả; phòng ngừa sai phạm, tội phạm, tham nhũng trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng nói chung, hoạt động cấp tín dụng nói riêng.

1.5. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp về phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tội phạm trong từng tổ chức, đơn vị, trong đó chú trọng giải pháp về công tác cán bộ. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, cảnh báo các thủ đoạn tham nhũng, tội phạm, đặc biệt là loại tội phạm công nghệ cao, loại tội phạm rửa tiền có thủ đoạn tinh vi, góp phần đảm bảo an ninh tiền tệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

1.6. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, cùng với việc triển khai các nội dung trên, thực hiện các nhiệm vụ sau:

1.6.1. Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng theo hướng thiết lập cơ chế giám sát, thanh tra chủ động, đảm bảo hoạt động của các tổ chức tín dụng trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

1.6.2. Kết hợp thanh tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng với thanh tra, giám sát rủi ro. Công tác thanh tra trực tiếp phải tập trung đánh giá thực trạng tài chính, mức độ rủi ro, năng lực quản trị rủi ro và hệ thống kiểm soát nội bộ ở từng nội dung được thanh tra. Qua kết quả thanh tra, giám sát, kịp thời kiến nghị biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý rủi ro; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, hành vi tham nhũng và đề xuất các giải pháp phù hợp để thực hiện quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

1.6.3. Bố trí hợp lý nhân lực, đảm bảo hoàn thành Kế hoạch thanh tra năm 2012 theo đúng nội dung, yêu cầu và tiến độ đề ra.

1.6.4. Làm đầu mối cùng các đơn vị liên quan trong ngành Ngân hàng có kế hoạch phối hợp với Bộ Công an, các Bộ, ngành và các địa phương trong việc nghiên cứu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai Đề án phòng, chống tội phạm trong hoạt động ngân hàng; phối hợp với Bộ Công an xây dựng Quy chế phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm trong ngành Ngân hàng.

2. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

2.1. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/02/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2012.

2.2. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị tại trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước, với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố liên quan, với các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn trong việc triển khai chương trình công tác năm 2012, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là công tác quản lý, thanh tra, giám sát và tái cơ cấu ngân hàng.

2.3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn, nhất là các quỹ tín dụng nhân dân còn những mặt tồn tại, yếu kém trong hoạt động; không để xảy ra đổ vỡ quỹ tín dụng nhân dân, gây mất ổn định kinh tế, chính trị ở địa phương.

3. Đối với các tổ chức tín dụng:

3.1. Chỉ đạo toàn hệ thống thực hiện nghiêm túc các quy định của Ngân hàng Nhà nước, quy định nội bộ của tổ chức tín dụng; giám sát chặt chẽ hoạt động và xử lý kiên quyết đối với những tồn tại, sai phạm của các cá nhân và đơn vị trực thuộc.

3.2. Báo cáo kịp thời Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố tình hình thanh khoản và những biến động bất lợi, ảnh hưởng xấu đến an toàn, hiệu quả hoạt động; thực hiện đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.

3.3. Thực hiện nghiêm túc việc chỉnh sửa đối với các yêu cầu, kiến nghị của cơ quan quản lý; kiến nghị của kiểm toán độc lập; chấp hành nghiêm túc chế độ hạch toán kế toán, chế độ báo cáo thống kê theo quy định.

3.4. Củng cố, nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý, điều hành; kiểm soát, kiểm toán nội bộ phù hợp với quy mô hoạt động, mức độ rủi ro của tổ chức tín dụng. Tăng cường công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ, đặc biệt đối với việc chấp hành các quy định của Ngân hàng Nhà nước trong hoạt động cấp tín dụng để chủ động phát hiện và ngăn chặn vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng.

3.5. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và đảm bảo an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động cấp tín dụng, quản lý chất lượng cấp tín dụng. Khai thác dịch vụ thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ việc đánh giá rủi ro tín dụng và ngăn chặn sai phạm trong hoạt động cấp tín dụng, quản lý rủi ro tín dụng.

3.6. Kiểm tra, rà soát các cơ chế, quy chế, quy trình nội bộ để xây dựng mới hoặc bổ sung, sửa đổi các nội dung, quy định không còn phù hợp, đảm bảo chấp hành đúng quy định của pháp luật và yêu cầu của Cơ quan quản lý; đồng thời đảm bảo mọi giao dịch tại từng đơn vị trong toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kiểm tra, kiểm soát đầy đủ, kịp thời.

3.7. Tổ chức học tập, nghiên cứu văn bản liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tội phạm, dưới nhiều hình thức để nâng cao kiến thức pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật trong từng công chức, viên chức. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn việc nhận biết các hành vi, thủ đoạn lừa đảo trong hoạt động ngân hàng để nâng cao ý thức phòng, chống các loại tội phạm này.

3.8. Kiểm tra, rà soát lại các vụ việc vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng còn tồn đọng, xây dựng kế hoạch cụ thể để xử lý dứt điểm vụ việc, thu hồi tài sản thất thoát.

3.9. Chú trọng hơn nữa công tác quản lý và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Thực hiện đúng quy định của pháp luật, quy định của tổ chức tín dụng trong khâu tuyển dụng, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, chuyển đổi vị trí công tác. Kiên quyết loại khỏi tổ chức, đơn vị đối với cán bộ, nhân viên thoái hóa, có hành vi tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật; kịp thời xử lý nghiêm trách nhiệm những đứng đầu đơn vị để xảy ra sai phạm, tham nhũng.

[...]
9
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ