Chỉ thị 02/CT-BGTVT năm 2016 về nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật của Bộ Giao thông vận tải
Số hiệu | 02/CT-BGTVT |
Ngày ban hành | 10/05/2016 |
Ngày có hiệu lực | 10/05/2016 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Bộ Giao thông vận tải |
Người ký | Trương Quang Nghĩa |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Giao thông - Vận tải |
BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/CT-BGTVT |
Hà Nội, ngày 10 tháng 05 năm 2016 |
VỀ VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật là một nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao của các cán bộ từ quá trình soạn thảo văn bản đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, rà soát, hợp nhất, kiểm tra văn bản... Trong những năm vừa qua, với nhiều cố gắng và tinh thần trách nhiệm cao, Bộ Giao thông vận tải đã đạt được nhiều đột phá, tiến bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, kết quả này mới chỉ dừng lại ở sự ghi nhận ban đầu từ người dân, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cho các quyết tâm cải thiện của Bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Vẫn còn tồn tại một số khó khăn, thách thức sau:
(1) Giao thông vận tải là một lĩnh vực mang nặng các yếu tố kỹ thuật, đặc thù chuyên ngành và tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Các hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải biến động nhanh, phức tạp nên một số văn bản phải sớm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Điều này một phần là do công tác dự báo trong quản lý ngành giao thông vận tải vẫn còn hạn chế; một phần do thực tiễn cuộc sống thay đổi nhanh chóng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào thị trường quốc tế; một phần do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chung cũng thường xuyên thay đổi.
(2) Nhìn vào chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) do Bộ Nội vụ chủ trì đánh giá, Bộ Giao thông vận tải được xếp ở vị trí thứ nhất trong khối 19 Bộ, cơ quan ngang Bộ trong liên tiếp 2 năm 2013, 2014. Đây là một kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, kết quả do Hội đồng đánh giá và kết quả Điều tra xã hội học cũng có sự chênh lệch lớn về Điểm số và xếp hạng; qua phân tích cơ cấu Điểm cho thấy: Hội đồng đánh giá Bộ Giao thông vận tải đạt 91% so với Điểm tối đa và xếp thứ nhất, nhưng theo kết quả Điều tra xã hội học thì Bộ chỉ đạt 68,08% so với Điểm tối đa và xếp thứ 9/19 bộ, cơ quan ngang bộ.
Bên cạnh đó, mặc dù đã quyết liệt thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính và đạt được những kết quả nhất định, song để đảm bảo các vấn đề về an ninh, an toàn sinh mạng con người, các yêu cầu về quản lý nhà nước nên hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ vẫn còn quy định khá nhiều thủ tục hành chính. Các thủ tục này về cơ bản vẫn nặng về định tính, chủ quan, chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp.
(3) Từ kết quả MEI 2014 cho thấy: chỉ số mà Bộ Giao thông vận tải có Điểm thấp nhất là chỉ số về soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (53,05 Điểm). Điều này được các Hiệp hội doanh nghiệp lý giải do sự tương tác công - tư trong quá trình dân chủ hóa việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế. Tính minh bạch trong soạn thảo văn bản vẫn còn là vấn đề mà Bộ Giao thông vận tải cần phải quan tâm, cải thiện quyết liệt hơn.
- Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trong MEI 2014 cũng chỉ dừng ở Điểm trung bình khá (64,59 Điểm), tức là mới chỉ tạo được khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chưa tạo được những đột phá để khuyến khích, bảo hộ doanh nghiệp. Điều này cũng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu xây dựng một nền pháp luật thực thi Hiến pháp 2013 nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực, rõ rệt hơn so với nền pháp luật trước khi Hiến pháp 2013 ra đời.
- Công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật của Bộ trong thời gian qua đã được quan tâm, cải thiện. Chỉ số MEI 2014 đã dành cho Bộ 61,52 Điểm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, qua trao đổi tại Lễ công bố MEI 2014, các doanh nghiệp đánh giá công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật của Bộ mới chỉ dừng lại ở bước thông báo, giới thiệu văn bản đến doanh nghiệp, những Điểm mới, những Điểm đột phá của văn bản mới được ban hành chưa được thông báo rõ ràng. Thậm chí, qua khảo sát thực tế cho thấy nhiều văn bản mới được ban hành nhưng người dân và doanh nghiệp (thậm chí là một số Sở Giao thông vận tải) không hề biết để triển khai theo đúng quy định. Điều này một phần do ý thức pháp luật, một phần do công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật của Bộ chưa phát huy được hiệu quả, khiến cho một số doanh nghiệp cảm thấy lúng túng khi làm việc với các cơ quan công quyền.
Nhìn vào chỉ số tổ chức thi hành pháp luật - một chỉ số cao nhất của Bộ (74,11 Điểm) theo kết quả MEI 2014 - cũng chưa thấy niềm tự hào vì: chỉ số chất lượng văn bản và chỉ số soạn thảo văn bản chỉ ở mức trung bình mà chỉ số tổ chức thi hành pháp luật lại được ghi nhận ở mức khá là một Điều chưa hợp lý. Trao đổi tại Lễ Công bố MEI 2014, các doanh nghiệp lý giải việc chấm Điểm cao này là do sự áp đặt thi hành pháp luật từ phía cơ quan nhà nước, chứ chưa hoàn toàn là do các doanh nghiệp tự nguyện thi hành vì lợi ích của mình.
Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa công tác xây dựng pháp luật của Bộ Giao thông vận tải, hướng tới thiết lập hành lang pháp lý thực sự thông thoáng, linh hoạt và hiệu quả; đảm bảo sự phát triển lâu dài, bền vững trong chiến lược phát triển của ngành giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu:
(1) Tiếp tục xác định công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật là công tác có vai trò quan trọng nhất trong quản lý nhà nước. Tiếp tục duy trì việc kiểm soát tiến độ và chất lượng văn bản tại các phiên họp của Ban Cán sự đảng Bộ hàng tháng.
(2) Nâng cao tính công khai, minh bạch, tương tác công - tư hiệu quả trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.
- Các cơ quan, đơn vị khi soạn thảo văn bản phải gửi dự thảo văn bản “đúng và trúng” tới đối tượng chịu sự Điều chỉnh trực tiếp của văn bản để lấy ý kiến góp ý. Phải phân nhóm đối tượng chịu sự Điều chỉnh của chính sách để việc xin ý kiến có chủ đề, có chiều sâu.
- Đối với dự thảo văn bản có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, phải lấy ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội chuyên ngành giao thông vận tải. Việc lấy ý kiến phải có trọng tâm, trọng Điểm, chỉ rõ những Điểm cần chú trọng để các doanh nghiệp cho ý kiến cụ thể. Thời hạn ấn định để doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp góp ý phải hợp lý, tránh việc lấy ý kiến chỉ là hình thức.
- Việc lấy ý kiến phải hết sức cầu thị. Người làm văn bản phải đặt mình vào vị trí của đối tượng chịu tác động của chính sách để cân nhắc, tiếp thu ý kiến. Sau khi tổng hợp các ý kiến góp ý, phải có giải trình rõ ràng đối với những ý kiến không tiếp thu và phản hồi lại cơ quan đóng góp ý kiến thông qua các hình thức phù hợp, đồng thời, đăng tải bản tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý lên Cổng thông tin điện tử của Bộ.
(3) Nâng cao chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật. Để làm được Điều này, trước hết, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải thực sự quan tâm tới công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời, quá trình xây dựng văn bản phải chú trọng tới những yêu cầu sau:
- Không đẩy khó khăn cho doanh nghiệp. Mọi quy định phải trên nguyên tắc rõ ràng, minh bạch, tạo cơ chế tự chủ cho doanh nghiệp. Cơ quan quản lý Nhà nước chỉ thực hiện việc kiểm tra, giám sát.
- Phải đảm bảo tính khả thi để đưa chính sách đi vào cuộc sống, Điều chỉnh kịp thời, hiệu quả các vấn đề xã hội đặt ra, đảm bảo được sự quản lý thống nhất của nhà nước. Để thực hiện được Điều này, cơ quan soạn thảo phải khảo sát thực tế, nắm bắt thông tin và lắng nghe, chia sẻ khó khăn từ cả phía người dân, doanh nghiệp, không “ngồi trong văn phòng”, sửa văn bản theo ý kiến đề xuất một chiều từ cơ quan quản lý nhà nước cấp dưới.
- Khi học tập kinh nghiệm của quốc tế phải có chọn lọc và cân nhắc để phù hợp với thực tiễn phát triển, không vì cảm tính hoặc vì lợi ích nhóm mà chỉ chọn một mô hình cụ thể trên thế giới để áp đặt. Mặt khác, cũng cần tạo Điều kiện để cán bộ làm công tác pháp luật được học hỏi, nâng cao hiểu biết về kinh nghiệm lập pháp của bạn bè quốc tế, cũng như nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn.
- Nâng cao vai trò của tổ chức bộ máy pháp chế tại các Tổng cục, Cục thuộc Bộ để đảm bảo chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, các dự thảo văn bản trình Bộ không qua kiểm duyệt cuối cùng của tổ chức pháp chế tại các Cục, Tổng cục; một số văn bản trình Bộ chưa đảm bảo chất lượng, chứa đựng lợi ích nhóm hoặc những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, trái luật.
(4) Quan tâm hơn công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật.
Đây là những công tác cần nhiều thời gian, nhân lực và vật lực. Hằng năm, chỉ riêng số lượng văn bản cần xây dựng và khối lượng công việc cần giải quyết đã quá nhiều khiến cho quỹ thời gian và lực lượng dành cho các công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật bị chia sẻ, giảm bớt.
Để khắc phục, tất cả các cơ quan, đơn vị, Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành đều phải có trách nhiệm trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý của mình. Khi văn bản được ký ban hành, cơ quan chủ trì soạn thảo phải phối hợp với cơ quan tham mưu trình và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền văn bản đến các đối tượng chịu tác động. Cơ quan tham mưu trình phải tổng hợp những nội dung mới, những thay đổi trong văn bản đó một cách rõ ràng, cụ thể, gửi Vụ Pháp chế tổng hợp, thực hiện thông cáo báo chí.
(5) Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong các văn bản quy phạm pháp luật. Từ kết quả của chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), để công tác cải cách thể chế và kiểm soát thủ tục hành chính được hiệu quả hơn, Bộ yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị:
- Xác định công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong chỉ đạo, Điều hành, thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao; tổ chức triển khai, thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính, đặc biệt chú trọng đến những lĩnh vực, những chỉ số thành phần có Điểm số chưa cao, còn có sự chênh lệch lớn giữa Điểm đánh giá của Hội đồng và Điểm Điều tra xã hội học.
- Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, chủ động đối thoại, lắng nghe để tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí hành chính, đảm bảo công khai minh bạch, nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.