Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Nghị quyết 53/NQ-CP về phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2014

Số hiệu 53/NQ-CP
Ngày ban hành 29/07/2014
Ngày có hiệu lực 29/07/2014
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 53/NQ-CP

Hà Nội, ngày 29 tháng 07 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ CHUYÊN ĐỀ XÂY DỰNG PHÁP LUẬT THÁNG 7 NĂM 2014

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 08/2012/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, tổ chức vào các ngày 16 và 17 tháng 7 năm 2014,

QUYẾT NGHỊ:

1. Về mục tiêu, quan điểm và nội dung cơ bản của dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương:

Chính phủ đã thảo luận và thống nhất về cơ bản với đề xuất của Bộ Nội vụ về các vấn đề mang tính định hướng cho việc xây dựng 2 dự án: Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Đây 2 dự án Luật rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

Việc nghiên cứu, soạn thảo 2 dự án Luật này phải trên cơ sở quán triệt và thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền, đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước; bám sát và cụ thể hóa tinh thần và nội dung các quy định có liên quan của Hiến pháp năm 2013; tổng kết thực tiễn thi hành, kế thừa các quy định của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức HĐND và UBND hiện hành đã được kiểm nghiệm.

Hai dự án Luật phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với nhau và với các dự án: Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi) và các dự án luật khác.

Đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau, Ban soạn thảo cần xây dựng thành các phương án khác nhau để tiếp tục thảo luận, lấy ý kiến tham gia; đồng thời, phải thể hiện chính kiến của Ban soạn thảo trong việc lựa chọn phương án phù hợp.

a) Về một số vấn đề cụ thể Bộ Nội vụ xin ý kiến về dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Chính phủ thống nhất định hướng quy định như sau:

- Về vị trí, chức năng của Chính phủ, có thể nhắc lại quy định của Hiến pháp, nhưng cần quy định cụ thể trên cơ sở kế thừa những thành tựu của Luật hiện hành;

- Nghiên cứu, làm rõ nguyên tắc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trên cơ sở đó, xác định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong mối quan hệ kiểm soát quyền lực đối với Quốc hội và Tòa án nhân dân để thể hiện đúng vị trí, chức năng cơ quan thực hiện quyền hành pháp;

- Cụ thể hóa 3 chức năng và các nhiệm vụ, quyền hạn đã được Hiến pháp quy định thành các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Chính phủ theo hướng nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ được quy định khái quát, bao quát các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như trong các mối quan hệ với các thiết chế nhà nước khác, trong đó có nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ quản lý đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân;

- Quán triệt quan điểm đẩy mạnh phân cấp, phân định thẩm quyền trung ương - địa phương trong quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Những quy định này chỉ mang tính nguyên tắc;

- Về đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với tài sản của nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, cần quy định về nguyên tắc theo hướng Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng có hiệu quả đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân, trong đó có tài sản của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; những nội dung giao cho Bộ ngành thực hiện vai trò chủ sở hữu sẽ do Chính phủ quy định để bảo đảm linh hoạt. Có thể xây dựng thành 2 phương án về chức năng đại diện chủ sở hữu của Nhà nước đối với tài sản Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp;

- Trên cơ sở cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và kế thừa Luật hiện hành, cần quy định cụ thể hơn các nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là người đứng đầu Chính phủ. Đồng thời, cụ thể hóa nhiệm vụ của Thủ tướng đã được Hiến pháp quy định là lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia;

- Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và đề cao trách nhiệm của Bộ trường, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách là thành viên Chính phủ, chủ động tham gia có hiệu quả vào hoạt động của Tập thể Chính phủ; đồng thời, kế thừa và sửa đổi, bổ sung những nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm Bộ trưởng là người đứng đầu Bộ, cơ quan ngang Bộ, quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước. Làm rõ tính chất, nội dung và quy định đầy đủ mối quan hệ giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong quản lý nhà nước. Phân định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý những công việc thuộc ngành, lĩnh vực đã được phân cấp, phân định thẩm quyền cho địa phương;

- Cần cân nhắc kỹ hơn về tính cần thiết, cơ sở hiến định và ý nghĩa của việc xác lập chế định Bộ trưởng phụ trách một số công tác của Chính phủ;

- Về xác định lại tên gọi một số chức danh thành viên Chính phủ, có thể đưa ra các phương án để nghiên cứu, cân nhắc lựa chọn cho phù hợp, bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với thực tiễn điều hành hiện nay.

b) Đối với một số vấn đề cụ thể Bộ Nội vụ xin ý kiến về dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương, Chính phủ thống nhất định hướng quy định như sau:

- Về tên gọi của dự án Luật, bám sát quy định của Hiến pháp năm 2013 để xác định cho phù hợp. Có thể đưa ra các phương án khác nhau về tên gọi để thảo luận, lấy ý kiến tham gia, trước khi quyết định;

- Việc xây dựng dự án Luật phải quán triệt và thể hiện được tinh thần quy định của Hiến pháp là, đổi mới căn bản mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm của nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt;

- Bảo đảm sự gắn kết thống nhất chặt chẽ giữa HĐND và UBND trong một thực thể chính quyền địa phương. Đẩy mạnh phân cấp, phân định thẩm quyền, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương và của từng cấp chính quyền địa phương trong việc quyết định các vấn đề của địa phương, bảo đảm sự quản lý thống nhất của trung ương, tính thông suốt của nền hành chính quốc gia;

- Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại đô thị, cần xây dựng 2 phương án để tiếp tục thảo luận, lấy ý kiến: một phương án theo hướng quận, phường không tổ chức HĐND, chỉ có UBND là cơ quan đại diện của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn; phương án khác giữ nguyên như hiện nay;

- Nghiên cứu kỹ lưỡng về vị trí, vai trò, mô hình tổ chức của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và việc hình thành các đặc khu kinh tế. Dự án Luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc, các luật khác sẽ quy định cụ thể về các mô hình này;

[...]