Chỉ thị 01/2001/CT-BTP về thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp năm 2001 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 01/2001/CT-BTP
Ngày ban hành 15/01/2001
Ngày có hiệu lực 15/01/2001
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Nguyễn Đình Lộc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

BỘ TƯ PHÁP
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2001/CT-BTP

Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2001 

 

CHỈ THỊ

VỀ THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2001

Năm 2001 là năm mở đầu của Thế kỷ mới và Thiên niên kỷ mới, năm Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX định ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001 - 2005).

Đối với công tác Tư pháp, năm 2001 cũng là năm đầu tiên tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá X, Chương trình công tác năm 2001 của Chính phủ: "Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan Tư pháp; khẩn trương củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Toà án nhân dân địa phương và cơ quan Thi hành án; khắc phục tình trạng cán bộ tư pháp vừa thiếu lại vừa yếu; tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác thi hành án...bảo đảm không bỏ lọt tội phạm, không xử lý oan người vô tội; đáp ứng yêu cầu phục vụ cải cách hành chính, cải cách tư pháp và sự nghiệp hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước". Đây là những định hướng chủ yếu của các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2001 và những năm tiếp theo.

Để bảo đảm thực hiện tốt các định hướng nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ thị về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp năm 2001 như sau:

I. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Toàn ngành Tư pháp tổ chức nghiên cứu quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX.

Căn cứ nội dung Nghị quyết của Đại hội, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp phải chủ động nghiên cứu nội dung liên quan, kịp thời thể chế hoá thành các chương trình, đề án của Ngành làm cơ sở định hướng để các Sở Tư pháp, Toà án nhân dân cấp tỉnh cụ thể hoá ở cấp mình và tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền thể chế hoá Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn công tác tư pháp ở địa phương, nâng cao hiệu quả hoạt động, đưa công tác tư pháp phát triển lên một bước mới, phục vụ yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp và sự nghiệp hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước trong năm đầu thế kỷ và những năm tiếp theo.

2. Tổ chức triển khai thực hiện Đề án kiện toàn tổ chức, tinh giản biên chế, nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan Tư pháp.

2.1. Xây dựng đề án, nghiên cứu, xác định rõ nội dung, thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp và của các cấp chính quyền địa phương về công tác tư pháp và hành chính tư pháp, trên cơ sở đó trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp và các cơ quan Tư pháp địa phương.

2.2. Năm 2001 là năm tập trung củng cố, tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của các Toà án nhân dân địa phương và cơ quan Thi hành án dân sự, khắc phục một bước cơ bản tình trạng yếu và thiếu cán bộ trong các cơ quan này. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận, chính trị, kiến thức pháp luật và năng lực chuyên môn của Thẩm phán, Chấp hành viên; kịp thời khắc phục tình trạng án tồn đọng do thiếu Thẩm phán, Chấp hành viên, bảo đảm đến hết năm 2002 có đủ Thẩm phán, Chấp hành viên theo yêu cầu.

Hoàn thành các đề án đã được soạn thảo từ năm 1999: tháng 4 trình Lãnh đạo ban hành Quy chế đạo đức Thẩm phán; Danh hiệu vinh dự của Thẩm phán; Quy chế làm việc của các Toà án nhân dân địa phương (tháng 6).

Chăm lo rèn luyện đội ngũ cán bộ Toà án địa phương về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh và trách nhiệm nghề nghiệp, hạn chế án bị sửa, phấn đấu không có án bị huỷ. Khi có án huỷ, án sửa phải xác định rõ nguyên nhân, rút bài học kinh nghiệm, đối với trường hợp vì thiếu trách nhiệm hoặc do lỗi chủ quan của Thẩm phán thì phải kiểm điểm, xem xét xử lý kịp thời.

2.3. Các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp báo cáo Uỷ ban nhân dân cùng cấp về kiện toàn đội ngũ cán bộ tư pháp ở địa phương để phục vụ đắc lực cho Uỷ ban nhân dân thực hiện quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện công tác tư pháp ở địa phương; củng cố các Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn; bố trí, ổn định đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch theo quy định tại Nghị định 09/1998/NĐ - CP ngày 23/1/1998 về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn, Nghị định số 83/1998/NĐ - CP ngày 10/10/1998 về đăng ký hộ tịch, Nghị định số 75/2000/NĐ - CP ngày 8/12/2000 về công chứng, chứng thực; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp lý, nghiệp vụ để đội ngũ này nắm vững nghiệp vụ tư pháp cơ sở, giúp Uỷ ban nhân dân triển khai, thực hiện các công việc về tư pháp theo thẩm quyền.

Xây dựng, củng cố, kiện toàn Thanh tra Sở Tư pháp, tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ thanh tra của Thanh tra Bộ đối với Thanh tra Sở để giúp Giám đốc Sở kiểm tra, thanh tra theo thẩm quyền.

Trong quý I/2001, Vụ Tổ chức cán bộ và Đào tạo, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý và các đơn vị có liên quan ở Bộ cùng các Sở Tư pháp tổ chức khảo sát đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã để có kế hoạch, biện pháp củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ này.

2.4. Kiện toàn tổ chức, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp theo đề án đã được Bộ trưởng phê duyệt. Ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

2.5. Tiếp tục thực hiện đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ, nghề nghiệp cho đội ngũ công chức ngành Tư pháp, trước hết tập trung cho các chức danh: Thẩm phán, Thư ký Toà án, Chấp hành viên, Công chứng viên, Thanh tra viên ngành Tư pháp, Luật sư.

Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ quản lý công tác tư pháp, quản lý Toà án địa phương cho những cán bộ mới được bổ nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân địa phương (quý II, quý III).

2.6. Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 141/QĐ - QLTA - THA ngày 21/3/1994 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về phân cấp quản lý về mặt tổ chức các Toà án nhân dân cấp huyện và Phòng Thi hành án, Đội Thi hành án; Quyết định số 142/QĐ - QLTA ngày 21/3/1994 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về uỷ quyền cho Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh thực hiện công tác quản lý về mặt tổ chức đối với Toà án nhân dân cấp tỉnh; Quy chế số 91/TP - TA ngày 19/1/1994 của Bộ Tư pháp và Toà án nhân dân tối cao về phối hợp giữa Giám đốc Sở Tư pháp và Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý về mặt tổ chức các Toà án nhân dân cấp huyện. Giám đốc các Sở Tư pháp chủ động phối hợp với Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh tổ chức kiểm tra hoạt động của các Toà án nhân dân cấp huyện.

Trên cơ sở đó, cải tiến quy trình và thực hiện cơ chế phân cấp, uỷ quyền về điều động, thuyên chuyển Thẩm phán, Chấp hành viên; về quản lý kinh phí hoạt động của các Toà án nhân dân địa phương, cơ quan Thi hành án để Giám đốc Sở Tư pháp, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh làm tốt công tác quản lý tổ chức, hoạt động, kinh phí của các cơ quan nói trên; Quy chế về mối quan hệ công tác giữa các đơn vị thuộc Bộ với các cơ quan Tư pháp địa phương, Toà án nhân dân địa phương.

Triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ trợ cấp nghề nghiệp của Thẩm phán, Thư ký Toà án, Chấp hành viên.

Vụ Tổ chức cán bộ và Đào tạo chủ trì, đôn đốc, phối hợp cùng Vụ Quản lý Toà án địa phương, Cục Quản lý thi hành án dân sự, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Trường Đào tạo các chức danh Tư pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ nói trên theo phạm vi trách nhiệm của mình.

2.7. Các cơ quan Tư pháp địa phương tham mưu, đề xuất với cấp uỷ Đảng, chính quyền tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án về “phát huy vai trò của các cơ quan Tư pháp địa phương góp phần ổn định trật tự xã hội trên địa bàn”. Trước hết tham mưu, đề xuất các biện pháp tổ chức thực hiện Luật Khiếu nại - tố cáo, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành ở địa phương về giải quyết khiếu nại - tố cáo của công dân.

Tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo phong trào hoà giải ở cơ sở.

3. Tiếp tục tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác thi hành án dân sự.

3.1. Năm 2001 phải giảm đáng kể số án tồn đọng. Cục Quản lý thi hành án dân sự phối hợp sớm hoàn chỉnh các văn bản hướng dẫn tháo gỡ các vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự, cùng các Sở Tư pháp chỉ đạo Phòng thi hành án, Đội Thi hành án có kế hoạch, đề án và biện pháp cụ thể, hữu hiệu rà soát và giải quyết án tồn đọng; định kỳ từng tháng Phòng Thi hành án, Đội Thi hành án kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện, làm rõ trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thi hành án và từng Chấp hành viên đối với số án tồn đọng, xác định rõ nguyên nhân tồn đọng. Đối với trường hợp vì thiếu trách nhiệm hoặc do lỗi chủ quan của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án hoặc Chấp hành viên thì phải kiểm điểm, xem xét xử lý kịp thời. Từng quý báo cáo tình hình, tham mưu với Uỷ ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo công tác thi hành án ở địa phương, khắc phục tình trạng nhiều bản án không được thi hành nghiêm chỉnh.

3.2. Trên cơ sở quy định của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ quan Tư pháp địa phương chủ động tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân cùng cấp thành lập Ban chỉ đạo thi hành án do Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Uỷ ban nhân dân trực tiếp làm Trưởng ban gồm các cơ quan Tư pháp, Công an, Viện kiểm sát, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể quần chúng tham gia, cơ quan Tư pháp làm uỷ viên thường trực để chỉ đạo việc thi hành án ở địa phương.

[...]