Chỉ thị 15/2000/CT-TTg thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 15/2000/CT-TTg
Ngày ban hành 09/08/2000
Ngày có hiệu lực 24/08/2000
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Quyền dân sự

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 15/2000/CT-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 8 năm 2000

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC THI HÀNH LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH NĂM 2000

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 được Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 09 tháng 6 năm 2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2001.

Để kịp thời triển khai việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình và Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09 tháng 6 năm 2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị:

I. TỔ CHỨC VIỆC RÀ SOÁT ĐỂ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH HOẶC BAN HÀNH CÁC VĂN BẢN MỚI HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

1. Từ nay đến hết năm 2000, Bộ Tư pháp chủ trì và hoàn thành việc rà soát các văn bản pháp luật hiện hành về hôn nhân và gia đình để kiến nghị Chính phủ, các cơ quan khác có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các văn bản có liên quan đến hôn nhân và gia đình không còn phù hợp với Luật Hôn nhân và gia đình mới.

2. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị văn bản dưới luật trình Chính phủ hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành để hướng dẫn thi hành các quy định của Luật, nhất là các vấn đề về quyền sử dụng đất canh tác, đất ở, nhà ở có liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình; đăng ký kết hôn, đăng ký nuôi con nuôi ở vùng sâu, vùng xa, đăng ký hộ tịch về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, bao gồm cả việc đăng ký hộ tịch về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài ở khu vực biên giới với các nước láng giềng; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Các việc trên đây cần hoàn thành vào quý II năm 2001.

3. Uỷ ban Dân tộc và Miền núi chủ trì việc chuẩn bị trình Chính phủ ban hành vào quý I năm 2001 Nghị định quy định việc áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình đối với các dân tộc thiểu số, phương án xử lý việc nuôi con nuôi thực tế trong các vùng dân tộc thiểu số, kèm theo danh mục các phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình không được áp dụng và danh mục phong tục, tập quán tốt đẹp về hôn nhân và gia đình được khuyến khích phát huy.

II. PHỔ BIẾN, TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

1. Công tác phổ biến, tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình phải được tiến hành thường xuyên, sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân và trong nhân dân, đặc biệt là ở xã, phường, thị trấn, cụm dân cư, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường và gia đình.

Việc phổ biến, tuyên truyền phải đặt mục tiêu làm cho mọi người hiểu rõ những nguyên tắc, nội dung cơ bản của Luật, nhất là những nội dung mới được sửa đổi, bổ sung và Nghị quyết của Quốc hội về giải quyết tình trạng hôn nhân thực tế để tự giác, chủ động chấp hành, nâng cao ý thức, nhận thức và sự quan tâm của mỗi người về trách nhiệm cá nhân chăm lo xây dựng gia đình, làm cho từng gia đình thật sự trở thành một tổ ấm của từng cá nhân, làm cho xã hội Việt Nam thực sự trở thành một đại gia đình của mọi người Việt Nam cùng nhau chung vai, sát cánh xây dựng một đất nước độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.

Ngay từ quý III năm 2000, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các cấp phải lập và tổ chức thực hiện kế hoạch phổ biến, tuyên truyền, giáo dục Luật Hôn nhân và gia đình trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình; coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong 6 tháng cuối năm 2000 và cả năm 2001, đồng thời cần đổi mới các hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình để đưa các hoạt động đó đi vào chiều sâu, tránh lối tuyên truyền, giáo dục pháp luật có tính phong trào, nặng về bề nổi, hiệu quả không cao.

2. Bộ Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Bộ Văn hoá - Thông tin, Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam, Uỷ ban Dân số và Kế hoạch hoá gia đình, Hội Luật gia Việt Nam, các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng Luật Hôn nhân và gia đình và Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật này; chỉ đạo, hướng dẫn việc tăng cường hoạt động tư vấn pháp lý về hôn nhân và gia đình, khuyến khích thành lập các loại hình Câu lạc bộ gia đình, nơi mọi người có thể tham gia các sinh hoạt theo giới tính, theo lứa tuổi, hoặc theo nghề nghiệp, theo sở thích để trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau những điều cần thiết trong trách nhiệm làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ, ông, bà... để ngay từ đầu tránh được những bỡ ngỡ, những điều đáng tiếc không đáng có trong sứ mệnh thực sự quan trọng trong đời sống gia đình.

Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ có trách nhiệm xác định nội dung, chương trình phổ biến, tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình, Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật này; phối hợp các cơ quan, tổ chức hữu quan để biên soạn đề cương, tài liệu tập huấn tuyên truyền phù hợp với từng loại đối tượng và bồi dưỡng báo cáo viên để phổ biến, tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình.

3. Bộ Văn hoá - Thông tin phối hợp với Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương, Bộ Tư pháp chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng có kế hoạch ưu tiên cho việc phổ biến, tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình từ nay cho đến hết năm 2000 và năm 2001; hướng dẫn việc xây dựng, thực hiện các quy tắc sinh hoạt cộng đồng liên quan đến các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

4. Báo Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và phương tiện thông tin đại chúng khác ở Trung ương và địa phương thường xuyên có chương trình, chuyên mục giới thiệu, giải thích nội dung và những điểm mới của Luật Hôn nhân và gia đình.

5. Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật Hôn nhân và gia đình cho thẩm phán, kiểm sát viên, thư ký toà án, hội thẩm nhân dân, hộ tịch viên và nhân viên tư pháp khác để bảo đảm việc áp dụng thống nhất và giám sát việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình.

6. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp chỉ đạo công tác rà soát hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy của các trường đại học, cao đẳng và các tài liệu về giáo dục công dân liên quan đến Luật Hôn nhân và gia đình trong các trường trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông và trung học cơ sở để có kế hoạch bổ sung, sửa đổi kịp thời cho phù hợp với Luật Hôn nhân và gia đình; tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên giảng dạy pháp luật, giáo dục công dân về Luật Hôn nhân và gia đình.

7. Uỷ ban Dân tộc và Miền núi chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp có kế hoạch phổ biến, tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình trong đồng bào các dân tộc thiểu số.

8. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp lập kế hoạch để hướng dẫn cân đối ngân sách, bảo đảm nguồn kinh phí cần thiết cho việc triển khai thi hành Luật Hôn nhân và gia đình, Nghị quyết thi hành Luật của Quốc hội từ việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này, tổ chức đăng ký kết hôn, đăng ký nuôi con nuôi ở vùng sâu, vùng xa, tổ chức các lớp tập huấn và các đợt phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, chiến sĩ, nhân dân.

9. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan ở địa phương có kế hoạch cụ thể giải quyết tình trạng hôn nhân thực tế ở địa phương theo Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật Hôn nhân và gia đình, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký kết hôn, kể cả đăng ký tại chỗ, để xử lý dứt điểm tình trạng này trong các năm 2001 - 2002.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi trách nhiệm quản lý của Bộ, ngành, địa phương mình xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thi hành Chỉ thị này.

Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc triển khai Chỉ thị này và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)