Báo cáo 365/BC-CP năm 2022 về tổng hợp kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Số hiệu 365/BC-CP
Ngày ban hành 04/10/2022
Ngày có hiệu lực 04/10/2022
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Trần Văn Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 365/BC-CP

Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2022

 

BÁO CÁO

TỔNG HỢP KẾT QUẢ GIẢI QUYẾT, TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI TẠI KỲ HỌP THỨ 3, QUỐC HỘI KHÓA XV THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Kính gửi: Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Điều 32 và Điều 36 Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27 tháng 9 năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là kiến nghị) như sau:

I. TỔNG QUÁT VỀ NỘI DUNG KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhận được 353 kiến nghị do Ban Dân nguyện chuyển đến, Văn phòng Chính phủ đã rà soát, tổng hợp nhóm chung các kiến nghị có cùng nội dung, chủ đề (như đề xuất tăng lương, bình ổn giá, an sinh xã hội...), đồng thời chuyển lại Ban Dân nguyện một số kiến nghị không thuộc thẩm quyền hoặc đã được giải quyết từ các Kỳ họp trước. Tổng hợp lại còn 300 kiến nghị, giảm 53 kiến nghị so với danh mục Ban Dân nguyện chuyển đến và đã trình Thủ tướng Chính phủ giao cho 24 Bộ, cơ quan xem xét, giải quyết và trả lời cử tri. Tuy nhiên, có 01 kiến nghị trùng với Kỳ trước và đã được trả lời nên số liệu tổng hợp theo phản hồi của các Bộ, cơ quan là 299 kiến nghị.

Qua theo dõi phản ánh, cử tri và Nhân dân đánh giá cao sự chỉ đạo sâu sắc, toàn diện, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên tất cả các lĩnh vực. Bên cạnh đó, cử tri cũng còn nhiều băn khoăn, lo lắng liên quan đến các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, tập trung vào các nhóm vấn đề sau đây:

1. Về kế hoạch, tài chính, ngân hàng

Đề nghị Chính phủ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hiệu quả hơn nữa, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để các doanh nghiệp sớm tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh; tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Cử tri cho rằng, những năm qua, việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó nguyên nhân chủ quan là chính, như chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt; công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, tổ chức đấu thầu còn nhiều sai sót; công tác giải phóng mặt bằng các dự án còn kéo dài, chậm tiến độ... Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết dứt điểm tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Cử tri kiến nghị Chính phủ cần tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý đất công, tránh tình trạng các khu đất công được giao cho tư nhân sử dụng sai mục đích. Đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm và cưỡng chế thu hồi đất công cho nhà nước nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật trên lĩnh vực này.

2. Về sản xuất, kinh doanh, quản lý thị trường

Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục có các biện pháp bình ổn giá xăng dầu, các mặt hàng vật tư nông nghiệp và hướng dẫn xử lý việc tăng giá vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu cho các địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý; kiến nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức đối với dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và đề xuất phương án giải quyết.

Đề nghị Chính phủ các giải pháp để hỗ trợ người dân, thành phần lao động yếu thế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và sản xuất trong tình hình vật giá đang ngày càng tăng cao.

Kiến nghị Chính phủ sớm đàm phán với các nước lân cận, có chương trình hợp tác chặt chẽ trong việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản trong nước theo đường chính ngạch.

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành liên quan có biện pháp ngăn chặn việc sản xuất hoặc nhập khẩu đồ chơi trẻ em có tính chất bạo lực, quan tâm xây dựng và phát triển thị trường đồ chơi trẻ em lành mạnh, góp phần hạn chế tối đa bạo lực học đường.

3. Về giao thông vận tải, xây dựng

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành liên quan sớm phê duyệt chủ trương đầu tư, tiếp tục phối hợp với phía Trung Quốc để đàm phán ký kết Hiệp định và Nghị định thư trong việc triển khai dự án kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai (tỉnh Lào Cai, Việt Nam) với ga Hà Khẩu Bắc (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).

Kiến nghị Chính phủ cần xử lý nghiêm đối với các trường hợp nhà thầu thi công chậm tiến độ dẫn đến tình trạng đội vốn đầu tư, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước, tránh lặp lại trường hợp tương tự như đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Cử tri đề nghị có cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp; sớm ban hành Nghị định quy định việc quản lý hạ tầng nước sạch sinh hoạt, trong đó quy định cụ thể quy trình thực hiện bàn giao tài sản là hạ tầng nước sạch khi các dự án hoàn thành, quy định việc xử lý chuyển tiếp đối với các công trình đã thực hiện trước đây để kịp thời đưa các hệ thống cấp nước sạch vào quản lý, khai thác vận hành, tránh thất thoát tài sản công sau đầu tư vì hiện nay chưa có quy định việc bàn giao hạ tầng hệ thống cấp nước sạch cho doanh nghiệp khi các dự án hoàn thành. Do vậy, tại địa phương, khi dự án hoàn thành chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện bàn giao hệ thống nước sạch cho doanh nghiệp để đưa vào quản lý vận hành, khai thác, nếu thực hiện chuyển giao sẽ không đảm bảo quy định của Luật Doanh nghiệp.

4. Về nông nghiệp và phát triển nông thôn

Cử tri đề nghị có những chính sách và giải pháp hỗ trợ kịp thời cho người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, vì trong hai năm qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, gây thiệt hại rất lớn cho sản xuất nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung; từ đó giá cả thị trường luôn biến động, nhất là giá xăng dầu và vật tư nông nghiệp tăng cao, trong khi đó giá nông sản (lúa, cá ..) lại thiếu ổn định, nông dân sản xuất không có lãi như trước đây. Ngoài ra, cử tri đề nghị giảm các loại phí và thuế nhập khẩu các mặt hàng trên, nhằm làm giảm giá thành và chi phí đầu vào cho nông dân.

Cử tri kiến nghị Chính phủ quan tâm, có giải pháp, chỉ đạo các Ngân hàng cho phép chủ tàu được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để bảo đảm khoản vay, không bắt buộc bổ sung tài sản thế chấp khác.

Để tập trung tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu đối với khai thác hải sản của Việt Nam, thời gian tới kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các vùng hoạt động trên biển, đặc biệt là cát vùng, khu vực giáp ranh, vùng chồng lấn.

5. Về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Cử tri kiến nghị ban hành chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường xen kẽ trong khu dân cư vào Khu công nghiệp hoặc Cụm công nghiệp.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng đất đai, việc thực hiện các dự án công trình đã đầu tư nhưng thiếu sự tập trung xử lý, giải pháp giải quyết các dự án kéo dài chậm thực hiện, gây lãng phí.

Cử tri kiến nghị Chính phủ sửa đổi, hoàn thiện các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất như quy định về giá khởi điểm, chế tài đối với việc không thực hiện thanh toán tiền trúng đấu giá, đặc biệt là nâng mức tiền đặt cọc đấu giá đất lên khoảng 30 - 35% giá khởi điểm, quy định thời gian tối thiểu mới được chuyển nhượng, tách thửa để ổn định thị trường quyền sử dụng đất ở, hạn chế tình trạng nhà đầu tư lướt sóng thao túng thị trường, người dân có nhu cầu lại không mua được.

[...]