Báo cáo 34/BC-UBTVQH14 năm 2016 kết quả tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội

Số hiệu 34/BC-UBTVQH14
Ngày ban hành 19/10/2016
Ngày có hiệu lực 19/10/2016
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký Đỗ Bá Tỵ
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/BC-UBTVQH14

Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2016

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ TIẾP CÔNG DÂN, XỬ LÝ ĐƠN, THƯ VÀ GIÁM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN GỬI ĐẾN QUỐC HỘI

(Từ 16/8/2015 đến 15/8/2016)

Căn cứ Nghị quyết số 994/NQ-UBTVQH13, ngày 10/8/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về chương trình hoạt động giám sát của UBTVQH năm 2016 và Kế hoạch số 949/KH-UBTVQH13 ngày 28/9/2015 của UBTVQH về triển khai thực hiện chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội và UBTVQH năm 2016, UBTVQH xin báo cáo các vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về kết quả thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo gửi đến Quốc hội trong kỳ báo cáo như sau:

I. KẾT QUẢ TIẾP CÔNG DÂN, XỬ LÝ ĐƠN THƯ VÀ GIÁM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC, CÁC ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI, ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Trong kỳ báo cáo, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến khá phức tạp. Số công dân đến địa điểm tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tuy có giảm về số lượt người nhưng số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có chiều hướng gia tăng, nhất là những vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người; vụ việc đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết lần 2 nhưng công dân không khởi kiện ra Tòa; những vụ việc người khiếu nại không đồng ý với việc chấm dứt giải quyết của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ mà tiếp tục khiếu nại hoặc tố cáo… Trên cơ sở báo cáo kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, tổng hợp kết quả như sau:

1. Kết quả tiếp công dân

Theo báo cáo của Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội[1], việc tiếp công dân của các cơ quan chủ yếu thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, các buổi tiếp công dân theo phân công của Đoàn ĐBQH tại nơi ứng cử hoặc gắn với các đợt giám sát, khảo sát tại các địa phương[2].

Tại địa điểm tiếp công dân của Quốc hội đã tiếp 10.132 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị với Quốc hội về 3.296 vụ việc. Trong đó, đã trực tiếp tiếp 1.875 lượt người về 1.539 vụ việc[3]; phối hợp với các cơ quan tiếp công dân Trung ương tiếp 8.257 lượt người về 1.757 vụ việc[4]. Qua tiếp công dân, Thường trực tiếp công dân đã có văn bản chuyển, hướng dẫn công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với 463 vụ việc (tăng 14,47%); hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo hoặc chờ cấp có thẩm quyền giải quyết trả lời những vụ việc đang trong thời hạn giải quyết và giải thích, vận động công dân chấp hành kết quả giải quyết đúng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền đối với 1.019 vụ việc. Đến nay, qua theo dõi, UBTVQH đã nhận được 99 văn bản thông báo trả lời và 43 văn bản thông báo chấm dứt thụ lý giải quyết vụ việc.

Trong kỳ báo cáo, các Đoàn ĐBQH, ĐBQH đã tiếp 7.247 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về 5.349 vụ việc, trong đó có 136 đoàn đông người. So với kỳ trước, số lượt người tuy có giảm 23,3% và đoàn đông người giảm 21,8%, nhưng số vụ việc tăng 29,2%. Các địa phương có nhiều người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị với Đoàn ĐBQH là: Quảng Ninh (985 lượt), Hà Nội (489 lượt), Vĩnh Phúc (425 lượt), Thanh Hóa (415 lượt), Quảng Bình (380 lượt), Bắc Ninh (311 lượt), Thành phố Hồ Chí Minh (256 lượt),…

Về cơ bản, công tác tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQHĐBQH được tổ chức, thực hiện từng bước có hiệu quả. Thông qua hoạt động tiếp công dân, các cơ quan của Quốc hội , Đoàn ĐBQH đã hướng dẫn công dân gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, giải thích, vận động công dân chấp hành việc giải quyết đã đúng quy định của pháp luật; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để tham gia xây dựng pháp luật hoặc nhận đơn, nghiên cứu, xử lý và giám sát cơ quan, người có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

2. Kết quả tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo

2.1. Các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trong kỳ báo cáo, các cơ quan của Quốc hội, các Ban của UBTVQH đã tiếp nhận 30.322 đơn, thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân tăng 14% so với cùng kỳ. Nội dung khiếu nại về hành chính chủ yếu vẫn tập trung vào lĩnh vực đất đai như thu hồi đất, việc áp giá bồi thường, tái định cư và hỗ trợ khi giải phóng mặt bằng, việc giải quyết tranh chấp nhà đất; về chính sách ưu đãi người có công; về việc thực hiện chính sách nhà, đất trước ngày 01/7/1991; tố cáo cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai, thu chi tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản...; khiếu nại về tư pháp chủ yếu là đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Trong kỳ báo cáo cũng có một số nội dung khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác nhân sự tại Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, liên quan đến bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021.

Theo báo cáo của các cơ quan, sau khi nghiên cứu đơn được gửi đến qua đường bưu điện, qua hoạt động tiếp công dân, các cơ quan của Quốc hội đã chuyển 903 đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và nhận được 729 văn bản trả lời (đạt tỷ lệ 80,73%)[5]; hướng dẫn, thông báo trả lời công dân đối với 18 trường hợp; đang nghiên cứu, xử lý đối với 7.377 đơn, thư[6]; một số cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong quá trình theo dõi việc giải quyết đã ban hành công văn đôn đốc việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền. Qua tổng hợp số liệu của các cơ quan của Quốc hội cho thấy, số lượng đơn, thư xếp lưu, theo dõi do có nội dung trùng lặp và không đủ điều kiện xử lý vẫn chiếm tỷ lệ lớn với 59,3% (17.981/30.322 đơn tiếp nhận)[7]. Số lượng đơn, thư của công dân được chuyển đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tuy giảm 48,4% so với kỳ báo cáo trước, nhưng một số cơ quan của Quốc hội, của UBTVQH đã dành được nhiều thời gian trong công tác nghiên cứu, xử lý và chuyển đơn thư thuộc lĩnh vực phụ trách, như: Ủy ban tư pháp, Ủy ban về các vấn đề xã hội, Ban Dân nguyện,..

Nhìn chung, công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cơ quan của Quốc hội đã có những chuyển biến tích cực, từ việc tiếp nhận, hướng dẫn, trả lời công dân, tổ chức nghiên cứu, xử lý, chuyển đơn, đến theo dõi, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu giải quyết, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, ổn định trật tự xã hội.

2.2. Các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội

Trong kỳ báo cáo, các Đoàn ĐBQH đã tiếp nhận được 12.366 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (trong đó có 6.800 khiếu nại, 1.791 tố cáo và 3.775 kiến nghị, phản ánh) giảm 17,7% so với cùng kỳ; số lượng đơn, thư trùng và không đủ điều kiện xử lý chiếm tỷ lệ 50%. Các Đoàn ĐBQH đã chuyển 4.557 đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và nhận được 2.762 văn bản trả lời (giảm 9,4% số đơn chuyển và 1,6% số văn bản trả lời so với cùng kỳ). Cùng với việc chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, các Đoàn ĐBQH, ĐBQH đã quan tâm hướng dẫn, giải thích và trả lời cho công dân 1.445 đơn, thư (giảm 26,87% so với cùng kỳ).

Nhìn chung, công tác tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo đã được nhiều Đoàn ĐBQH quan tâm, chủ động nghiên cứu; tỷ lệ đơn của công dân được xem xét, xử lý đạt 98% số đơn nhận được; nhiều Đoàn có tỷ lệ xử lý đơn cao tuy nhận được số lượng đơn thư rất lớn[8], như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Đồng Nai, Đăk Lăk, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Dương, Đăk Nông...; một số Đoàn và ĐBQH đã quan tâm hơn công tác theo dõi, đôn đốc cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo[9].

3. Kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội

3.1. Kết quả giám sát của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội

Qua tổng hợp báo cáo của các cơ quan của Quốc hội cho thấy:

- Hội đồng Dân tộc: thông qua các chương trình hoạt động giám sát, khảo sát thuộc lĩnh vực phụ trách, đã kết hợp nắm tình hình, đôn đốc các ngành, các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng ở trung ương có trách nhiệm xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân liên quan đến chính sách đối với đồng bào dân tộc, đến lĩnh vực Hội đồng dân tộc phụ trách.

- Ủy ban Pháp luật: thông qua việc thẩm tra Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo 2015, 2016 của Chính phủ; thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, kết luận của UBTVQH về hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến 2015 thuộc các lĩnh vực tư pháp, nội vụ và thanh tra, đã có đánh giá rõ hơn thực trạng tình hình khiếu nại, tố cáo, nêu được những bất cập, hạn chế trong các quy định của pháp luật và những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các ngành, các cấp. Bước đầu đã đưa ra một số kiến nghị giải pháp để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác này, trong đó có kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tố cáo đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

- Ủy ban Tư pháp: thông qua việc thẩm tra các báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Tòa án nhân dân và ngành Kiểm sát nhân dân và hoạt động nghiên cứu, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan có thẩm quyền, nguyên nhân và kiến nghị một số giải pháp cụ thể để khắc phục. Ủy ban còn chủ động theo dõi và có nhiều văn bản đôn đốc, gửi chất vấn yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với những vụ việc bức xúc, kéo dài. Kết quả, có 31 vụ việc đã được các cơ quan có thẩm quyền trả lời về việc khiếu nại, tố cáo là có cơ sở và đã quyết định xem xét, giải quyết lại vụ việc.

- Ủy ban về Các vấn đề xã hội: qua nghiên cứu đơn thư, Ủy ban có văn bản kiến nghị và đôn đốc, giám sát để cơ quan chức năng giải quyết. Trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Ủy ban thường tổ chức làm việc với các bộ, ngành liên quan để giám sát việc giải quyết đơn đã được Ủy ban chuyển, đôn đốc nhưng chưa trả lời. Kết quả, Ủy ban đã kiến nghị giải quyết được một số vụ việc phức tạp, chấm dứt được khiếu nại, điển hình như trường hợp khiếu nại về oan sai của ông Lê Tiến Dũng[10] và việc công nhận liệt sỹ đối với ông Vũ Xuân Hải ở tỉnh Lâm Đồng[11].

- Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Ủy ban đã kết hợp việc giám sát, khảo sát, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ, ô nhiễm môi trường. Nhiều nội dung đơn kiến nghị, phản ánh của công dân cũng đã được Ủy ban tiếp thu và đưa vào trong công tác xây dựng pháp luật và các công tác khác của Ủy ban.

- Ủy ban Đối ngoại: thông qua hoạt động của mình, nhất là qua thực hiện chuyên đề giám sát việc thực hiện Luật cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, các kiến nghị, phản ánh của bà con kiều bào về các chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời có ý kiến tham gia xây dựng các đạo luật về xuất nhập cảnh, quốc tịch, tương trợ tư pháp, lý lịch tư pháp,..

[...]