Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Kế hoạch 1130/KH-TTCP kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài do Thanh tra Chính phủ ban hành

Số hiệu 1130/KH-TTCP
Ngày ban hành 10/05/2012
Ngày có hiệu lực 10/05/2012
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thanh tra Chính phủ
Người ký Huỳnh Phong Tranh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

THANH TRA CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1130/KH-TTCP

Hà Nội, ngày 10 tháng 05 năm 2012

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA, RÀ SOÁT, GIẢI QUYẾT CÁC VỤ VIỆC KHIẾU NẠI, TỐ CÁO PHỨC TẠP, TỒN ĐỌNG, KÉO DÀI

Căn cứ Luật Khiếu nại, tố cáo được Quốc hội thông qua ngày 02 tháng 12 năm 1998;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo đã được Quốc hội thông qua ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày 02 tháng 5 năm 2012 và của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại văn bản 190/VPCP-KNTN ngày 22 tháng 02 năm 2012 về việc tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phức tạp tồn đọng, kéo dài, sau khi trao đổi thống nhất với các Bộ, ngành hữu quan, Thanh tra Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU:

1. Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành hữu quan phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, trao đổi, thống nhất các biện pháp để giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu nại, tố cáo; kết hợp chấn chỉnh các yếu kém trong quản lý nhà nước.

2. Kiểm tra, rà soát việc thực hiện Kế hoạch 319/KH-TTCP ngày 20 tháng 02 năm 2009 của Thanh tra Chính phủ.

3. Đôn đốc việc thực hiện các Kết luận thanh tra trách nhiệm tại các địa phương.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Phương thức thực hiện:

- Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành hữu quan thành lập các Tổ công tác làm việc với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để rà soát các vụ việc; trao đổi, thống nhất ý kiến về nội dung, quan điểm, phương hướng, biện pháp giải quyết các vụ việc; đối với những vụ việc thông thường thì theo lĩnh vực quản lý Thanh tra Chính phủ  và các Bộ, ngành hữu quan quyết định thành lập Tổ công tác của ngành mình trực tiếp giải quyết, đối với những vụ việc đặc biệt phức tạp thì các Bộ chủ động trao đổi để thành lập Tổ công tác Liên ngành;

- Tổ công tác báo cáo Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành hữu quan về kết quả rà soát và đề xuất hướng xử lý sau khi đã trao đổi với địa phương;

- Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành hữu quan cùng Tổ công tác làm việc, thống nhất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để địa phương tổ chức thực hiện theo thẩm quyền;

- Trường hợp đặc biệt phức tạp hoặc ý kiến khác nhau giữa địa phương với bộ, ngành trung ương thì báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng để báo cáo, đề xuất xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

2. Nội dung, phạm vi rà soát:

- Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài mà Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã báo cáo Thanh tra Chính phủ theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ tại Công văn số 393/TTCP-CI về báo cáo vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, ngày 29 tháng 02 năm 2012 của Thanh tra Chính phủ; trong quá trình thực hiện Kế hoạch này, các địa phương có thể chủ động báo cáo bổ sung thêm các vụ việc khác để cùng rà soát, giải quyết.

- Các vụ việc khác mà Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ, ngành hữu quan căn cứ vào hồ sơ, tài liệu, thông tin của mình xét thấy cần thì cùng các địa phương tập trung giải quyết;

- Ưu tiên rà soát các vụ việc mà các địa phương đã giải quyết hết thẩm quyền; đối với những vụ việc địa phương chưa giải quyết hết thẩm quyền, nhưng do tính chất phức tạp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xin ý kiến, thì Tổ công tác có thể trao đổi, hướng dẫn địa phương giải quyết sau khi báo cáo Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Lãnh đạo Bộ.

3. Phương hướng giải quyết:

Thực hiện theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày 02 tháng 5 năm 2012 như sau:

- Đối với những vụ việc mà đã được giải quyết hết thẩm quyền, đúng quy định, nhưng công dân vẫn khiếu nại:

+ Đối với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn thì xem xét, đề xuất giải pháp hỗ trợ cho công dân trên cơ sở vận dụng chính sách xã hội;

+ Trong các dự án khu đô thị, khu dân cư, Trung tâm thương mại thì địa phương cần vận động, thuyết phục chủ đầu tư hỗ trợ thêm cho công dân ngoài phần bồi thường, đền bù theo quy định để giúp người khiếu nại ổn định cuộc sống. Trường hợp địa phương có khó khăn, thiếu nguồn lực thì thống nhất ý kiến để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin cơ chế giải quyết.

- Các vụ việc tồn đọng, kéo dài do trước đây giải quyết chưa đúng với quy định của pháp luật: Yêu cầu địa phương xem xét xử lý lại vụ việc cho đúng với chính sách, pháp luật; đối thoại và xin lỗi công dân để chấm dứt khiếu kiện.

- Các vụ việc tồn đọng do địa phương chưa giải quyết hết thẩm quyền: Hướng dẫn địa phương xử lý đúng chính sách, pháp luật.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN (đợt 1 tổng số các vụ việc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi báo cáo về 325 vụ, chuyển các bộ, ngành 89 vụ, Thanh tra Chính phủ sẽ xem xét xử lý 236 vụ)

Trên cơ sở rà soát số vụ tồn đọng kéo dài trong toàn quốc, Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành thành lập các Tổ công tác triển khai, tổ chức thực hiện chia làm 2 đợt như sau:

[...]