Báo cáo 06/BC-HĐGDQPANTW kết quả thực hiện công tác giáo dục quốc phòng-an ninh năm 2012 và phương hướng, nhiệm vụ công tác giáo dục quốc phòng - an ninh năm 2013 do Hội đồng giáo dục quốc phòng - an ninh Trung ương ban hành

Số hiệu 06/BC-HĐGDQPANTW
Ngày ban hành 10/01/2013
Ngày có hiệu lực 10/01/2013
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Hội đồng Giáo dục quốc phòng trung ương
Người ký Nguyễn Thiện Nhân
Lĩnh vực Giáo dục

HỘI ĐỒNG GIÁO DỤC
QUỐC PHÒNG - AN NINH TW
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 06/BC-HĐGDQPANTW

Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2013

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG-AN NINH NĂM 2012 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CÔNG TÁC GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG - AN NINH NĂM 2013

Phần 1.

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG - AN NINH NĂM 2012

Năm 2012, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp; tranh chấp chủ quyền biển, đảo xảy ra ở nhiều nơi; kinh tế thế giới phục hồi chậm, khủng hoảng nợ công chưa được khắc phục... Trong nước, tình hình an ninh chính trị ổn định, kinh tế tiếp tục có những chuyển biến đúng hướng, kinh tế vĩ mô giữ được ổn định, an sinh xã hội bảo đảm; quan hệ đối ngoại được mở rộng, uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao; khối đại đoàn kết toàn dân tộc và lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ngày càng được củng cố. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị, phản động trong và ngoài nước tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” thúc đẩy “tự diễn biến” nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta ngày càng quyết liệt hơn; nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của suy thoái nền kinh tế thế giới.

Tình hình trên tác động không nhỏ đến công tác quốc phòng, an ninh nói chung và giáo dục quốc phòng - an ninh (GDQP-AN) nói riêng. Song được sự chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức các cấp từ Trung ương đến cơ sở, công tác GDQP-AN năm 2012 được triển khai tích cực, chủ động, toàn diện, có chiều sâu, đạt được kết quả khá tốt thể hiện trên các nội dung sau:

I. CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Thực hiện Kế hoạch số 3236/KH-BTT ngày 18 tháng 11 năm 2011 của Ban Thường trực Hội đồng GDQP-AN Trung ương về công tác GDQP-AN năm 2012; các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác GDQP-AN kịp thời, thống nhất và đồng bộ, tạo hành lang pháp lý trong tổ chức thực hiện (phụ lục I). Dự án Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh được Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện đúng tiến độ, đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 4 cho ý kiến theo hướng đồng thuận và thống nhất với dự thảo.

2. Kết quả tổ chức, triển khai thực hiện

a) Hoạt động của Hội đồng GDQP-AN các cấp

Hoạt động của Hội đồng GDQP-AN các cấp tuân thủ theo đúng qui chế của từng cấp và bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo của chính quyền và người đứng đầu các cấp. Năng lực tham mưu của Hội đồng các cấp và cán bộ Kiêm nghiệm từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chất lượng, hiệu quả hoạt động ngày càng nâng cao, phù hợp với thực tế của từng bộ, ngành, địa phương, phát huy tốt vai trò trách nhiệm của các lực lượng trong công tác tham mưu, tư vấn giúp Chính phủ, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả công tác GDQP-AN; khẳng định vị trí vai trò trong công tác GDQP-AN, nổi bật là công tác tham mưu ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, công tác kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện. Tiêu biểu như: Hội đồng GDQP-AN Quân khu 3, 4, 5, 7, 9; Hội đồng GDQP-AN các tỉnh: Thành phố Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang, Yên Bái, Lai Châu, Thái Bình, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Ninh Thuận, Gia Lai, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Cần Thơ, Trà Vinh.

Ban Thư ký và Cơ quan Thường trực của Hội đồng GDQP-AN Trung ương đã tích cực chủ động, bám sát sự chỉ đạo của Hội đồng GDQP-AN Trung ương, Kế hoạch công tác giai đoạn 2012-2016 và Kế hoạch năm 2012 của Hội đồng, tham mưu đúng hướng, kịp thời, tổ chức thực hiện kế hoạch chặt chẽ, phát huy được trách nhiệm trong hoạt động của các thành viên Hội đồng và Ban Thư ký Hội đồng.

Hội đồng GDQP-AN Trung ương đã tiến hành kiểm tra công tác GDQP-AN của 03 bộ, ngành và Hội đồng GDQP-AN 01 quân khu, 02 tỉnh, (cấp tỉnh); Công an của 02 tỉnh; Hội đồng GDQP-AN 02 huyện; 01 Học viện, 01 trường đại học; 02 trường cao đẳng; 02 xã, phường, thị trấn.

Cơ quan Thường trực Hội đồng GDQP - AN Trung ương đã kiểm tra Ban Thường trực Hội đồng GDQP-AN 04 tỉnh: Hải Dương/QK3, Đồng Tháp/QK9, NinhThuận/QK5, Bình Thuận/QK7; kết quả kiểm tra các đơn vị đều đạt khá, giỏi (phụ lục II).

Bộ Quốc phòng và Cơ quan Thường trực công tác quốc phòng bộ, ngành, địa phương kiểm tra công tác quốc phòng trong đó có nhiệm vụ GDQP-AN: Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, tỉnh Lạng Sơn/QK1, Khánh Hòa/QK5.

Ban Thường trực và Cơ quan Thường trực Hội đồng GDQP-AN các quân khu, cấp tỉnh, thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình đối với Ban Thường trực Hội đồng GDQP-AN cấp huyện, Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp xã kiêm nhiệm công tác GDQP-AN (phụ lục III).

Công tác kiểm tra của Hội đồng GDQP-AN các cấp từ Trung ương đến cơ sở có nhiều đổi mới thực hiện đúng kế hoạch đề ra, nội dung kiểm tra sát thực, cụ thể; phát hiện, nhân rộng những mô hình mới, điển hình, tiên tiến; chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm của từng bộ, ngành, địa phương; đánh giá đúng thực chất, khách quan, không chạy theo thành tích. Qua đó, thiết thực tăng cường quản lý Nhà nước về quốc phòng nói chung và công tác GDQP- AN nói riêng ở các cấp, các địa phương.

Sau các đợt kiểm tra, đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với nhiệm vụ GDQP-AN, đồng thời thúc đẩy các địa phương tự kiểm tra, góp phần đưa công tác GDQP-AN ngày càng đi vào chiều sâu, vững chắc.

b) Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh (KTQP-AN) cho các đối tượng

Thực hiện quan điểm của Đảng về đổi mới căn bản toàn diện về giáo dục và đào tạo, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và các bộ, ngành liên quan, biên soạn bộ giáo trình gồm 156 chuyên đề về bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho 5 đối tượng, (từ đối tượng 1 đến đối tượng 5), được Hội đồng thẩm định liên bộ nghiệm thu và đánh giá cao về chất lượng. Bộ giáo trình đã được Cơ quan Thường trực của Hội đồng in và phát hành kịp thời đến các đơn vị, học viện, nhà trường có nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh. Theo đó, Bộ Quốc phòng tổ chức tập huấn chương trình, giáo trình cho cán bộ quản lý và giáo viên giảng dạy kiến thức quốc phòng - an ninh của các học viện, trường quân sự quân khu trên toàn quốc cho gần 100 đồng chí; các quân khu và địa phương mở 71 lớp cho hơn 800 đồng chí, Bộ Công an mở 2 lớp cho 230 đồng chí, thống nhất được phương pháp giảng dạy và nội dung cần truyền đạt cho từng đối tượng. Ngoài ra, mỗi quý Cơ quan Thường trực Hội đồng giáo dục quốc phòng-an ninh Trung ương cấp phát cho các Học viện, nhà trường làm nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh 01 chuyên đề do các cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn, nhằm giúp giáo viên, giảng viên, báo cáo viên cập nhật thông tin đưa vào nội dung các bài giảng, nhất là những vấn đề có tính thời sự: như tình hình biển Đông, khu vực, thế giới, trong nước, góp phần nâng cao chất lượng của các chuyên đề, đáp ứng được yêu cầu của người học.

Thực hiện Chỉ thị 12-CT/TW ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác GDQP-AN trong tình hình mới (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 12-CT/TW) và Nghị định số 116/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về công tác GDQP-AN (sau đây gọi tắt là Nghị định 116/2007/NĐ-CP), nhiệm vụ bồi dưỡng KTQP-AN năm 2012 ở các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương được tăng cường, đẩy mạnh và chuyển biến rõ nét so với năm 2011. Trong năm 2012, Học viện Chính trị mở 8 khóa bồi dưỡng KTQP-AN cho 641 cán bộ đối tượng 2 thuộc bộ, ngành Trung ương; Bộ Công an chủ động phối hợp với Học viện Chính trị/Bộ Quốc phòng mở 2 khóa cho 79 đồng chí đối tượng 2. Hội đồng giáo dục quốc phòng-an ninh các quân khu chỉ đạo chặt chẽ việc tổ chức mở các khóa bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho các đối tượng trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật về GDQP-AN, trong đó đối tượng 2 mở tại các trường quân sự các quân khu được 40 khóa cho 3.184 người. Tiêu biểu như Quân khu 1, 2, 4, 7, 9; Ban chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Cơ quan Thường trực Hội đồng giáo dục quốc phòng-an ninh Trung ương tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho hơn 10 ngàn vị chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ tiêu biểu các tôn giáo của 12 tỉnh đạt kết quả tốt; nhiều bộ, ngành Trung ương chấp hành nghiêm chỉ tiêu chiêu sinh bồi dưỡng KTQP-AN đối tượng 2 theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng điển hình là các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Văn hóa Thể thao & Du lịch, Xây dựng, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Y tế; Văn phòng Chính phủ, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.

Tính đến ngày 10 tháng 12 năm 2012, toàn quốc đã tổ chức bồi dưỡng KTQP-AN được 4.878 khóa cho 502.541 người, trong đó:

- Cán bộ đối tượng 1: 5 khóa cho 259 đồng chí;

- Cán bộ đối tượng 2: 74 khóa cho 5.690 đồng chí;

- Cán bộ đối tượng 3: 334 khóa cho 32.672 đồng chí;

- Cán bộ đối tượng 4: 1.106 khóa cho 129.137 đồng chí;

- Cán bộ đối tượng 5: 3.076 khóa cho 284.033 đồng chí;

[...]