Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Báo cáo 02/BC-TLĐ về tổng kết công tác công đoàn năm 2005, nhiệm vụ năm 2006 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 02/BC-TLĐ
Ngày ban hành 16/01/2006
Ngày có hiệu lực 16/01/2006
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Đặng Ngọc Tùng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/BC-TLĐ

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2006 

 

BÁO CÁO

TỔNG KẾT CÔNG TÁC CÔNG ĐOÀN NĂM 2005, NHIỆM VỤ NĂM 2006 

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC LAO ĐỘNG VÀ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN NĂM 2005.

I- TÌNH HÌNH CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC, LAO ĐỘNG

Năm 2005, mặc dù có nhiều khó khăn do những biến động bất lợi của tình hình kinh tế thế giới; thiên tai xảy ra liên tiếp; dịch cúm gia cầm tái phát và diễn biến phức tạp… nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành nhạy bén và kiên quyết của Chính phủ, sự năng động của các cấp, các ngành các địa phương và cơ sở, với tinh thần vượt khó, lao động sáng tạo của nhân dân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển KTXH. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt xấp xỉ 8,5%, cao nhất trong 5 năm qua. Lĩnh vực xã hội có tiến bộ; an ninh chính trị và trật tự xã hội tiếp tục được giữ vững, quốc phòng được củng cố. Hoạt động đối ngoại không ngừng được mở rộng, vai trò và vị thế của nước ta trong khu vực và quốc tế được nâng cao… Những kết quả đó góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2001-2005, tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch tiếp theo.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tình hình KTXH nước ta còn bộc lộ một số mặt yếu kém như: mức tăng trưởng khá nhưng chưa tương xứng với tiềm lực và chưa vững chắc; năng suất lao động xã hội chưa cao, hiệu quả đầu tư thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; tình trạng lãng phí, thất thoát, tham nhũng chưa được đẩy lùi. Những vấn đề nhức nhối trong xã hội như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tệ nạn xã hội và hoạt động của các loại tội phạm còn diễn biến phức tạp; tình trạng ô nhiễm môi trường còn rất nghiêm trọng.

Những thành tựu và yếu kém trên có sự đóng góp quan trọng cũng như trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, CNVCLĐ và các cấp CĐ cả nước.

Tình hình lao động và việc làm. Theo số liệu của Ban chỉ đạo điều tra lao động- việc làm TW, tại thời điểm 01/7/2005, cả nước có 44,385 triệu người trong độ tuổi lao động, tăng 1,143 triệu so với năm 2004. Trong đó có 4,413 triệu người làm việc ở khu vực nhà nước (chiếm 10,2%, tăng thêm 72.600 người so với cùng kỳ 2004), 38,355 triệu người làm việc ở khu vực ngoài nhà nước (chiếm 88,2%, tăng thêm 1.022.000 người), hơn 687.000 người làm việc ở khu vực có vốn ĐTNN (chiếm 1,6%, tăng thêm 45.900 người). Có hơn 11.106.000 người làm công ăn lương (chiếm 25,6%, tăng thêm 287.700 người). Số lượng DN NQD và DN có vốn ĐTNN mới thành lập tăng nhanh, với 35.000 DN đăng ký hoạt động theo Luật DN đã giải quyết việc làm cho hàng triệu người. Tuy nhiên, chất lượng lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm 24,8% tổng lực lượng lao động; các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp tập trung thiếu lao động có trình độ cao; số lao động dôi dư do sắp xếp lại 754 DNNN lên tới hàng trăm ngàn người, chiếm bình quân 20% tổng số lao động trước khi sắp xếp chuyển đổi. Vấn đề đáng quan tâm là ở các DN sản xuất, gia công thuộc ngành dệt - may, da - giày thời gian và cường độ lao động tăng rất cao so với quy định của pháp luật lao động, ảnh hướng lớn đến sức khoẻ của người lao động, nhất là lao động nữ; lao động VN làm việc ở nước ngoài chưa được quan tâm đúng mức.

Tiền lương và thu nhập của cán bộ, CNVCLĐ: Các ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo thực hiện và cơ bản hoàn thành việc chuyển, xếp lương mới cho cán bộ, CNVCLĐ theo qui định của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, do chỉ số giá tiêu dùng tăng cao (8,4%), nên tiền lương thực tế chưa đảm bảo cuộc sống cho người lao động; tiền lương, tiền công của người lao động ở khu vực SXKD có sự khác biệt giữa các vùng và loại hình DN, giữa DN trung ương và DN địa phương; không ít DNNN do SXKD khó khăn, mức lương bình quân hàng tháng của người lao động rất thấp; hầu hết DN xây dựng cơ bản bị nợ đọng vốn rất lớn, nhiều nơi mấy tháng liền công nhân không có lương; rất ít DNNQD xây dựng thang bảng lương theo qui định; tiền lương tối thiểu của người lao động ở các DN có vốn ĐTNN vẫn chưa được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Nhà ở cho CNLĐ ngoại tỉnh làm việc ở các thành phố, khu công nghiệp tập trung, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vẫn là vấn đề rất bức xúc. Một số DN có chủ trương làm nhà ở cho người lao động, nhưng do chưa có cơ chế chính sách ưu đãi cụ thể nên gặp khó khăn trong quá trình thực hiện. Đa số công nhân phải tự thuê chỗ ở, sống và sinh hoạt trong những khu nhà trọ tạm bợ, không đảm bảo các điều kiện tối thiểu, là những yếu tố dễ phát sinh tệ nạn xã hội, gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội.

Việc thực hiện chính sách BHXH cho người lao động vẫn còn nhiều hạn chế và thiếu sót. Tình trạng DN nợ đọng, đóng thiếu hoặc không đóng BHXH, chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động vẫn tái diễn và ngày càng nghiêm trọng. Hiện cả nước có hơn 10 triệu người có quan hệ lao động, nhưng chỉ có 5,8 triệu người tham gia BHXH, chủ yếu là lao động khu vực nhà nước; chỉ có khoảng 20% số lao động ở các cơ sở SXKD NQD và có vốn ĐTNN thuộc diện bắt buộc tham gia BHXH có đóng BHXH, nhưng phần lớn chỉ đóng bằng 1/3 mức lương thực tế. Nhiều DN nợ BHXH hàng tỷ đồng, tập trung ở các DN gia công hàng dệt - may, da - giày, DN xây dựng cơ bản, DN làm ăn thua lỗ kéo dài.

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do: người sử dụng lao động cố tình tìm mọi cách lẩn tránh nghĩa vụ đóng BHXH bắt buộc cho người lao động hoặc chiếm dụng để đầu tư vào SXKD; DN thua lỗ, không đủ khả năng đóng BHXH; công tác kiểm tra, thanh tra chưa thường xuyên, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh và thiếu kịp thời nên chưa có tác dụng răn đe; hệ thống văn bản pháp luật về BHXH còn chồng chéo, thiếu chặt chẽ.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến 31/12, cả nước xảy ra 147 cuộc đình công. Trong đó DNNN xảy ra 08 cuộc (chiếm 5,5%); DN NQD 39 cuộc (chiếm 26,5%), DN có vốn ĐTNN 100 cuộc (chiếm 68%), chủ yếu là của Đài Loan và Hàn Quốc (chiếm 79%). Tập trung chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh (52 cuộc), Đồng Nai (36 cuộc), Bình Dương (07 cuộc). Các cuộc đình công diễn ra vào mọi thời điểm trong năm; tính chất phức tạp, nhiều cuộc đã được chuẩn bị trước như in, rải truyền đơn kêu gọi phối hợp, kích động tạo phản ứng dây chuyền. Đặc biệt một số CNLĐ có hành động quá khích, đập phá tài sản của doanh nghiệp, gây mất trật tự xã hội trên địa bàn; có cuộc đình công quy mô lớn với hàng vạn người tham gia, thời gian kéo dài tới 12 ngày. Nguyên nhân dẫn đến đình công, chủ yếu bắt nguồn từ những vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động, người quản lý có hành động xúc phạm nhân phẩm người lao động; bức xúc vì mức lương tối thiểu ở các DN có vốn ĐTNN quá thấp nhưng lại tồn tại quá lâu và không phù hợp với mức trượt chỉ số giá sinh hoạt. Nhận thức về pháp luật của người lao động trong các DN ngoài quốc doanh còn thấp; vai trò của công đoàn cơ sở còn mờ nhạt; một số CNLĐ do nhận thức thấp nên bị các phần tử quá khích lôi kéo. Khi xảy ra đình công, CĐ cấp trên đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tham gia giải quyết. TLĐ chủ động phối hợp với Bộ LĐTBXH kiến nghị Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu ở DN có vốn ĐTNN, bảo đảm lợi ích hợp pháp của người lao động, kịp thời ngăn chặn các cuộc đình công có thể xảy ra.

Tư tưởng, tâm trạng của đội ngũ cán bộ, CNVCLĐ nhìn chung không có lệch lạc về chính trị và tư tưởng; phần lớn CNVCLĐ có ý thức phấn đấu, khắc phục khó khăn, tự tìm kiếm việc làm để lo cho cuộc sống của bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội. Điều đó khẳng định bản lĩnh chính trị vững vàng và lòng tin của giai cấp công nhân vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, một bộ phận CNVCLĐ ở DNTN và DN có vốn ĐTNN không có điều kiện sinh hoạt, học tập do cường độ làm việc cao, ít được thông tin, tuyên truyền về các vấn đề thời sự, chính trị, xã hội, khiến nhận thức chính trị còn nhiều hạn chế.

Đông đảo người lao động lo lắng về tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu ngày càng tăng cao và phải đóng góp quá nhiều cho các cuộc vận động quyên góp; CNVCLĐ ở các DNNN phải sắp xếp lại lo lắng về việc làm, thu nhập để duy trì cuộc sống. CNVCLĐ bất bình trước tình trạng vi phạm pháp luật của một số người sử dụng lao động cũng như các hành vi trái pháp luật, tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, công chức nhà nước thoái hoá, biến chất.

II- KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN

1- Phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ X của Đảng và Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VII được triển khai rộng khắp, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KTXH đất nước năm 2005.

Hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ phát động và thực hiện Chỉ thị của Đoàn Chủ tịch TLĐ, trong năm qua, các cấp CĐ đã có những đổi mới về nội dung, hình thức tổ chức thi đua và công tác khen thưởng phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng ngành, địa phương, loại hình cơ sở. 100% LĐLĐ các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành TW đã phát động thi đua đến tận CĐCS và người lao động. Các phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo …” do CĐ phát động đã phát huy trí tuệ, tinh thần chủ động, sáng tạo trong lao động sản xuất, công tác của đông đảo CNVCLĐ. Ngoài ra, các cấp CĐ còn phối hợp với chuyên môn đồng cấp tổ chức các hội thi theo chuyên đề và ngành nghề như: “Tìm hiểu chương trình tổng thể cải cách hành chính” (CĐ Viên chức VN), “Giao dịch viên duyên dáng” (ngành Bưu điện), “Lái xe ô tô, mô tô an toàn” (ngành GTVT), “Bàn tay vàng” (ngành Cao su), “Kiểm ngân giỏi” (ngành Ngân hàng)… Bên cạnh việc chỉ đạo, thực hiện các phong trào thi đua có tính toàn quốc do Đại hội IX CĐVN đề ra, nhiều CĐ ngành, địa phương, cơ sở đã tổ chức những phong trào thi đua liên kết, các hội thi theo chuyên đề, ngành nghề như các phong trào “Thi đua phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn”, Chương trình liên kết “4 nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà DN), thi đua “4 nhất” trên công trình xây dựng đường Hồ Chí Minh, “Thi đua liên kết xây dựng nhà máy thuỷ điện Sơn La”, xây dựng Trung tâm hội nghị quốc gia ... được CĐ phối hợp với cơ quan liên quan chỉ đạo thực hiện đạt kết quả tốt. Nhờ tổ chức tốt thi đua, nhiều đơn vị, DN đã hoàn thành mục tiêu SXKD trước thời hạn. Qua các phong trào thi đua, đã có hàng chục vạn công trình, sản phẩm, sáng kiến được đưa vào ứng dụng, làm lợi hàng trăm tỷ đồng, nhiều công trình được gắn biển chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước.

TLĐ đã tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm phong trào thi đua “ Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ; Đại hội thi đua yêu nước trong CNVCLĐ và Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VII, khẳng định những đóng góp to lớn của phong trào thi đua đối với sự phát triển kinh tế- xã hội đất nước; biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, tiếp tục khơi dậy truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân và tổ chức CĐVN.

Năm 2005, TLĐ đã xét tặng 591 cờ thưởng các loại, 5160 bằng khen của BCH TLĐ, 571 Bằng Lao động sáng tạo. Đoàn Chủ tịch TLĐ đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng 19 cờ thi đua, 90 Huân chương các loại, 273 bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào thi đua vẫn còn những hạn chế, nhất là nhận thức và cách thức tổ chức phong trào chưa theo kịp sự chuyển đổi nhanh chóng của tình hình KTXH đất nước. Việc tổ chức thi đua ở không ít đơn vị còn chung chung, thiếu chỉ tiêu và giải pháp cụ thể; việc kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến chưa thường xuyên. Công tác tổ chức, chỉ đạo phong trào thi đua ở các DNNQD và có vốn ĐTNN còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

2- Công tác tuyên truyền, giáo dục CNVCLĐ được đẩy mạnh, nhất là trong dịp Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ X của Đảng và kỷ niệm các ngày lễ lớn, góp phần xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Năm 2005, là năm đất nước có nhiều sự kiện chính trị trọng đại. Công tác tuyên truyền, giáo dục của CĐ được đẩy mạnh từ cơ sở đến ngành, địa phương và toàn quốc với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Công tác tuyên truyền, giáo dục trong nữ CNVCLĐ, nhất là tuyên truyền giáo dục pháp luật, tập huấn về chế độ chính sách đối với lao động nữ và trẻ em, kiến thức về giới và gia đình được quan tâm hơn. Hệ thống các trung tâm, văn phòng và tổ tư vấn pháp luật của CĐ đã góp phần tư vấn, nâng cao hiểu biết về pháp luật cho người lao động. TLĐ đã thành lập Trung tâm Tư vấn pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu của người lao động và đoàn viên CĐ trong tình hình mới.

Các hoạt động văn hoá, thể thao được tổ chức rộng khắp trong cả nước, thu hút đông đảo người lao động tham gia, tạo không khí sôi nổi, vui tươi, lành mạnh trong CNVCLĐ. TLĐ đã phối hợp với một số cơ quan tổ chức nhiều hoạt động VHTT với chủ đề, nội dung có ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn, được dư luận đánh giá cao. Đặc biệt, các cấp công đoàn các tỉnh, thành phố phía nam đã tích cực tham gia và là nòng cốt trong các hoạt động chào mừng ngày giải phóng địa phương và kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các chương trình về lao động và CĐ phát trên sóng phát thanh, truyền hình của TW và địa phương có nội dung phong phú, phản ánh sinh động phong trào CNVCLĐ và hoạt động CĐ. Các báo, tạp chí, bản tin, nhà xuất bản của tổ chức CĐ đã tập trung tuyên truyền về những sự kiện lịch sử của đất nước, địa phương, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; biểu dương những DN làm ăn giỏi, đề xuất những sáng kiến, kiến nghị trong quản lý; điều tra, phản ánh những vụ việc tiêu cực, đấu tranh với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, được dư luận xã hội đánh giá cao. Công tác tuyên truyền phát triển đoàn viên, CĐCS khu vực NQD và DN có vốn ĐTNN được các cấp CĐ tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả bước đầu.

Một số CĐ ngành, địa phương, cơ sở đã phối hợp với các cơ quan liên quan và DN mở các lớp dạy nghề, bổ túc văn hoá cho công nhân, vận động người sử dụng lao động tổ chức và tạo điều kiện để mọi người tham gia học tập. TLĐ cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký NQ Liên tịch về việc phối hợp hoạt động nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp trong CNVCLĐ giai đoạn 2005- 2010 nhằm nhanh chóng phổ cập trình độ THCS trong CNVCLĐ.

Trước tình hình tệ nạn xã hội ngày càng diễn biến phức tạp, các cấp công đoàn đã có nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục đến CNVCLĐ, góp phần nâng cao nhận thức về phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS và phòng chống ma tuý cho người lao động.

[...]