Chỉ thị 02/2005/CT-TLĐLĐ về Tuyển cử cán bộ Công đoàn đi công tác cơ sở do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
Số hiệu | 02/2005/CT-TLĐLĐ |
Ngày ban hành | 24/03/2005 |
Ngày có hiệu lực | 24/03/2005 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam |
Người ký | Cù Thị Hậu |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương |
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2005/CT-TLĐLĐ |
Hà Nội, ngày 24 tháng 03 năm 2005 |
CHỈ THỊ
VỀ TUYỂN CỬ CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN ĐI CÔNG TÁC CƠ SỞ
Nghị quyết Đại hội IX Công đoàn Việt Nam đã xác định “Quan tâm xây dựng đội ngũ và đổi mới công tác cán bộ, coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ Công đoàn chuyên trách; Xây dựng chính sách để có sức thu hút những cán bộ giỏi, có năng lực làm công tác Công đoàn. Xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ và sử dụng cán bộ; Gắn chặt công tác đào tạo với sử dụng cán bộ. Cán bộ Công đoàn chuyên trách không những phải đạt tiêu chuẩn theo quy định, mà còn phải đảm bảo cơ cấu đủ cả 3 độ tuổi. Hết sức quan tâm bồi dưỡng, đề bạt số cán bộ trưởng thành từ công nhân. Thực hiện luân chuyển cán bộ chủ chốt Công đoàn các cấp trên cơ sở. Mỗi cấp Công đoàn cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc hàng năm cho cán bộ Công đoàn; cải tiến chương trình và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn theo hướng cụ thể hoá nội dung cho phù hợp với từng cấp Công đoàn. Hình thành các nhóm công tác theo chuyên đề để giúp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các ngành, địa phương phát triển đoàn viên. Thực hiện việc cử cán bộ chuyên viên của Công đoàn cấp trên đi thực tế cấp dưới và cơ sở nhất là những nơi đang gặp khó khăn và có quan hệ lao động phức tạp”.
Thực hiện nội dung Nghị quyết Đại hội IX Công đoàn Việt Nam nêu trên, Đoàn chủ tịch TLĐ đã ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ Công đoàn. Để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, Đoàn chủ tịch TLĐ yêu cầu các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Tổng công ty trực thuộc TLĐ, các Ban của TLĐ triển khai thực hiện tốt việc tuyển cử cán bộ Công đoàn đi công tác cơ sở, theo các nội dung sau đây:
1/ Mục đích yêu cầu:
- Hướng mọi hoạt động của cán bộ Công đoàn về cơ sở tập trung cho Chương trình phát triển đoàn viên, xây dựng Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn vững mạnh.
- Nghiên cứu tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận về Công đoàn và công nhân; đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động Công đoàn, nâng cao chất lượng điều hành. chỉ đạo của Ban thường vụ, Ban chấp hành Công đoàn các cấp trên cơ sở, và Đoàn chủ tịch, Ban chấp hành TLĐ.
- Rèn luyện bồi dưỡng, thử thách đội ngũ cán bộ trưởng thành từ thực tiễn hoạt động Công đoàn và phong trào công nhân: khắc phục bệnh quan liêu, xa rời thực tế trong đội ngũ cán bộ Công đoàn.
2/ Đối tượng tuyển cử:
- Cán bộ thuộc diện quy hoạch của Đảng Đoàn, Đoàn chủ tịch TLĐ; Đảng Đoàn. Ban Thường vụ LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Ban thường vụ CĐ ngành trung ương Tổng công ty trực thuộc TLĐ.
- Cán bộ chuyên trách Công đoàn làm công tác nghiên cứu, chuyên môn nghiệp vụ trực tiếp tham mưu giúp việc cho Ban thường vụ Công đoàn các cấp trên cơ sở.
- Cán bộ chuyên trách Công đoàn mới được tuyển dụng.
3/ Nội dung đi công tác cơ sở:
- Giúp Ban thường vụ CĐCS công tác phát triển đoàn viên, xây dựng Công
đoàn cơ sở nghiệp đoàn vững mạnh và thực hiện một số nhiệm vụ chung của Công đoàn..
- Mỗi cán bộ đi công tác cơ sở đều được giao đề tài nghiên cứu cụ thể (đề tài do Ban thường vụ Công đoàn các cấp cử cán bộ đi công tác quy định).
4/ Thời gian đi công tác cơ sở:
- Tùy theo nhiệm vụ được giao và yêu cầu đào tạo bồi dưỡng đối với từng cán bộ được cử đi công tác, Ban thường vụ quyết định thời gian cụ thể cho từng người từ 6 tháng đến l năm.
5/ Xác định loại hình cơ sở để cử cán bộ đến công tác:
- Các CĐCS lớn, hoạt động ổn định, có cán bộ chuyên trách Công đoàn.
- Công đoàn Khu công nghiệp, khu chế xuất; Công đoàn công ty, Tổng công ty hoạt động theo mô hình tổ chức mới.
Một số Công đoàn cơ sở đang có nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động.
6/ Một số giải pháp thực hiện:
- Ban thường vụ LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành trung ương, Tổng công ty trực thuộc TLĐ; cơ quan TLĐ căn cứ vào nội dung của Chỉ thị, xây dựng Kế hoạch cụ thể, triển khai thực hiện việc cử cán bộ đi công tác cơ sở chậm nhất hoàn thành trong tháng 5 năm 2005 (báo cáo kế hoạch và danh sách trích ngang cán bộ đi công tác cơ sở về TLĐ trong tháng 5/2005)
- Việc cử cán bộ đi công tác cơ sở phải đảm bảo cân đối không để ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung của cơ quan.
- Đoàn chủ tịch TLĐ, Ban thường vụ Công đoàn cấp trên cơ sở phân công cán bộ xuống làm việc với Công đoàn cơ sở nơi cử cán bộ đến công tác, trao đổi về mục đích, yêu cầu, nội dung việc cử cán bộ đi công tác cơ sở. Ban thường vụ CĐCS có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi về ăn, ở điều kiện làm việc... để cán bộ yên tâm công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
- Việc thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ đi công tác cơ sở thực hiện theo quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước. Ngoài ra nếu cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao (đánh giá của Ban thường vụ hoặc ĐCT TLĐ) thì được coi đây là một điều kiện để xem xét bổ nhiệm, nâng lương sớm, khen thưởng cán bộ.
Khi kết thúc đợt công tác, mỗi cán bộ có trách nhiệm báo cáo kết quả công tác, những đề xuất kiến nghị bằng văn bản (kể cả đề tài nghiên cứu) với Ban thường vụ, Đoàn chủ tịch (đối với cơ quan TLĐ) để xem xét, đánh giá.
Nhiệm vụ cử cán bộ đi công tác cơ sở theo tinh thần của Chỉ thị này được thực hiện thường xuyên, nề nếp hàng năm. Kết thúc mỗi đợt công tác cần được sơ tổng kết rút kinh nghiệm và báo cáo kết quả về TLĐ (qua Ban tổ chức).
Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, yêu cầu các cấp Công đoàn chấp hành nghiêm túc. Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc báo cáo kịp thời Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
|
TM ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LĐLĐ VN |