Dự kiến khi nào hoàn thành cầu Phong Châu mới?
Nội dung chính
Dự kiến khi nào hoàn thành cầu Phong Châu mới?
Cầu Phong Châu mới có tổng chiều dài gần 653 m. Trong đó, phần cầu chính dài hơn 383 m (tính đến đuôi mố). Hai đoạn đường dẫn vuốt nối từ cầu ra các tuyến đường hiện trạng dài khoảng 113 m về phía huyện Lâm Thao và gần 156 m về phía huyện Tam Nông.
Cầu được thiết kế với bề rộng 20,5 m, tương đương với nền đường hiện hữu. Cấu hình mặt cầu bao gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, đảm bảo khả năng lưu thông lớn và an toàn.
Cầu Phong Châu mới bắc qua sông Hồng, thuộc tuyến quốc lộ 32C, kết nối trực tiếp giữa huyện Lâm Thao và huyện Tam Nông của tỉnh Phú Thọ.
Cầu sử dụng kết cấu dầm bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Phần cầu chính gồm ba nhịp dầm liên tục, thi công bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng.
Cầu dẫn phía Lâm Thao có ba nhịp, trong đó có hai nhịp dầm bản. Các mố và trụ cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép chắc chắn. Móng cầu được xử lý bằng cọc khoan nhồi, đảm bảo khả năng chịu lực và ổn định công trình lâu dài.
Dự án được khởi công ngày 21/12/2024. Hiện tại, công trường đang triển khai thi công cọc khoan nhồi và tháo dỡ phần cầu cũ còn lại, đặc biệt là đoạn thuộc xã Phùng Nguyên (huyện Lâm Thao).
Theo kế hoạch, thời gian hoàn thành cầu Phong Châu mới là trước tháng 31/10/2025.
(*)Trên đây là thông tin về "Dự kiến khi nào hoàn thành cầu Phong Châu mới?".
Quy định giám sát, đánh giá dự án đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới như thế nào?
Căn cứ tại Điều 8 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi bởi điểm b khoản 64 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020) quy định giám sát, đánh giá dự án đầu tư xây dựng như sau:
- Dự án đầu tư xây dựng phải được giám sát, đánh giá phù hợp với từng loại nguồn vốn như sau:
+ Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện giám sát, đánh giá theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng theo nội dung và tiêu chí đánh giá đã được phê duyệt;
+ Đối với dự án sử dụng nguồn vốn khác, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện giám sát, đánh giá về mục tiêu, sự phù hợp với quy hoạch liên quan, việc sử dụng đất, tiến độ đầu tư xây dựng và bảo vệ môi trường.
- Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng vốn đầu tư công, vốn đóng góp của cộng đồng và vốn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước phải thực hiện giám sát của cộng đồng.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại khu vực xây dựng tổ chức thực hiện giám sát của cộng đồng.
Dự kiến khi nào hoàn thành cầu Phong Châu mới? (Hình từ Internet)
Quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Điều 5 Luật Đường bộ 2024 quy định về quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ như sau:
1. Quy hoạch mạng lưới đường bộ được quy định như sau:
- Quy hoạch mạng lưới đường bộ là quy hoạch ngành quốc gia, xác định phương hướng phát triển, tổ chức không gian hệ thống quốc lộ làm cơ sở để định hướng lập quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển mạng lưới đường bộ;
- Việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch và bảo đảm kết nối phương thức vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác;
- Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập quy hoạch mạng lưới đường bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ được quy định như sau:
- Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, cụ thể hóa quy hoạch mạng lưới đường bộ, xác định phương án phát triển công trình đường bộ và kết cấu hạ tầng đường bộ khác theo từng tuyến đường bộ;
- Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây: xác định hướng tuyến cơ bản, các điểm khống chế chính, chiều dài, quy mô tuyến đường bộ qua từng địa phương, từng vùng; xác định sơ bộ quy mô của cầu, hầm, bến phà trên tuyến đường bộ; xác định các điểm giao cắt chính; phương án kết nối đường bộ với các phương thức vận tải khác, kết nối với hệ thống đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp; xác định nhu cầu sử dụng đất, nhu cầu vốn đầu tư, lộ trình thực hiện quy hoạch; giải pháp thực hiện quy hoạch;
- Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3. Thời kỳ quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ là 10 năm, tầm nhìn từ 20 năm đến 30 năm.
Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ được rà soát theo định kỳ 05 năm để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn và được công bố công khai.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập nội dung về phát triển đường bộ trong phương án phát triển mạng lưới giao thông trong quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Nội dung về phát triển đường bộ đô thị được xác định trong quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và quy định khác của pháp luật có liên quan.
5. Quy hoạch quy định tại Điều 5 Luật Đường bộ 2024 phải bảo đảm các quy định sau đây:
- Kết nối giao thông đường bộ giữa các đô thị, địa bàn, khu vực, bến xe;
- Kết nối hiệu quả các phương thức vận tải, xác định các tuyến đường bộ nối đến cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, ga đường sắt, cảng hàng không, cảng biển, cảng cạn, cảng thủy nội địa.