Vườn quốc gia bao gồm cả diện tích mặt biển được thành lập sớm nhất là vườn quốc gia nào?
Nội dung chính
Vườn quốc gia bao gồm cả diện tích mặt biển được thành lập sớm nhất là vườn quốc gia nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Lâm nghiệp 2017 như sau:
Phân loại rừng
...
2. Rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh kết hợp du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; cung ứng dịch vụ môi trường rừng bao gồm:
a) Vườn quốc gia;
b) Khu dự trữ thiên nhiên;
c) Khu bảo tồn loài - sinh cảnh;
d) Khu bảo vệ cảnh quan bao gồm rừng bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; rừng tín ngưỡng; rừng bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao;
đ) Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; vườn thực vật quốc gia; rừng giống quốc gia.
Theo quy định trên, có thể hiểu vườn quốc gia là một khu vực tự nhiên được bảo vệ để bảo tồn đa dạng sinh học, các loài động thực vật quý hiếm và các hệ sinh thái đặc trưng.
Có rất nhiều vườn quốc gia ở Việt Nam. Trong đó, có vườn quốc gia Cát Bà, thuộc huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng, là vườn quốc gia ở Việt Nam bao gồm cả diện tích mặt biển và được thành lập sớm nhất.
Vườn quốc gia Cát Bà được thành lập vào ngày 31/3/1986, đây là vườn quốc gia có cả phần diện tích rừng trên đảo và diện tích mặt nước biển xung quanh, với nhiều hệ sinh thái đặc trưng như rừng mưa nhiệt đới, rừng ngập mặn, hệ sinh thái biển, rạn san hô...
Đây cũng là một khu bảo tồn thiên nhiên quan trọng, bảo vệ đa dạng sinh học cả trên cạn và dưới nước. Cát Bà còn nổi tiếng với nhiều loài quý hiếm như voọc Cát Bà và hệ san hô phong phú.
Như vậy, vườn quốc gia bao gồm cả diện tích mặt biển được thành lập sớm nhất là vườn quốc gia Cát Bà.
Vườn quốc gia bao gồm cả diện tích mặt biển được thành lập sớm nhất là vườn quốc gia nào? (Ảnh từ Internet)
Hoạt động lấn biển phải tuân thủ các nguyên tắc gì?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 190 Luật Đất đai 2024 có quy định về nguyên tắc của hoạt động lấn biển.
Theo đó, hoạt động lấn biển phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc như sau:
- Bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển; phù hợp với quy định của luật khác có liên quan và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
- Dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ về kinh tế, xã hội, môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, đa dạng sinh học, các yếu tố tự nhiên, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng;
- Phù hợp với quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch đô thị;
- Khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển; bảo đảm hài hòa lợi ích của tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động lấn biển và tổ chức, cá nhân khác có liên quan; bảo đảm quyền tiếp cận với biển của người dân, cộng đồng;
- Hoạt động lấn biển phải được lập thành dự án đầu tư hoặc hạng mục của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.
Điều kiện để khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng vườn quốc gia là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 156/2018/NĐ-CP được bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 91/2024/NĐ-CP như sau:
Khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng
1. Đối với vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh
a) Đối tượng khai thác, thu thập mẫu vật: theo quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 52 của Luật Lâm nghiệp;
b) Điều kiện: có phương án khai thác tận thu gỗ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 52 của Luật Lâm nghiệp; quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 52 của Luật Lâm nghiệp; chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học được phê duyệt đối với đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 của Luật Lâm nghiệp.
Như vậy, để khai thác âm sản trong rừng đặc dụng vườn quốc gia phải đáp ứng điều kiện sau:
- Có phương án khai thác tận thu gỗ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với đối tượng cây gỗ đã chết, cây gãy đổ, nấm trong phân khu dịch vụ; hành chính của rừng đặc dụng.
- Quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với đối tượng gỗ, củi, thực vật rừng ngoài gỗ, nấm trong phạm vi giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học được phê duyệt đối với đối tượng là các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, nguồn gen sinh vật theo nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.