Việc xin lỗi người dân, doanh nghiệp và khắc phục khi có chậm muộn, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính được quy định như thế nào?

Nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính là gì?Việc xin lỗi người dân, doanh nghiệp và khắc phục khi có chậm muộn, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính được quy định như thế nào?

Nội dung chính


    Phải xin lỗi người dân, doanh nghiệp và kịp thời khắc phục nếu để xảy ra chậm muộn, tiêu cực trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính?

    Tại Mục 1 Chỉ thị 27/CT-TTg năm 2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xin lỗi người dân nếu để xảy ra chậm muộn, tiêu cực trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính như sau:

    1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện:

    ...

    đ) Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Thực hiện nghiêm việc báo cáo giải trình của người đứng đầu, xin lỗi người dân, doanh nghiệp và kịp thời khắc phục đối với các trường hợp để xảy ra chậm muộn, tiêu cực trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị; thực hiện thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu điều kiện không đúng quy định hoặc nhiều lần để xảy ra tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

    Như vậy, để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những bất cập và tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp thì Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra yêu cầu chỉ đạo nếu để xảy ra chậm muộn, tiêu cực trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị thì phải xin lỗi người dân, doanh nghiệp và kịp thời khắc phục.

    Phải xin lỗi người dân, doanh nghiệp và kịp thời khắc phục nếu để xảy ra chậm muộn, tiêu cực trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính? (Hình từ Internet)

    Hành vi nào bị nghiêm cấm trong thực hiện thủ tục hành chính?

    Tại Điều 6 Nghị định 63/2010/NĐ-CP có quy định về các hành vi nghiêm cấm trong thực hiện thủ tục hành chính như sau:

    (1) Hành vi bị nghiêm cấm đối với cán bộ, công chức được phân công thực hiện thủ tục hành chính:

    - Tiết lộ thông tin về hồ sơ tài liệu và các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân của đối tượng thực hiện thủ tục hành chính mà mình biết được khi thực hiện thủ tục hành chính, trừ trường hợp được đối tượng thực hiện thủ tục hành chính đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; sử dụng thông tin đó để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

    - Từ chối thực hiện, kéo dài thời gian thực hiện hoặc tự ý yêu cầu bổ sung thêm hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định mà không nêu rõ lý do bằng văn bản;

    - Hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà, gây khó khăn cho đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; lợi dụng các quy định, các vướng mắc về thủ tục hành chính để trục lợi;

    - Nhận tiền hoặc quà biếu dưới bất cứ hình thức nào từ đối tượng thực hiện thủ tục hành chính khi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ngoài phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính đã được quy định và công bố công khai;

    - Đùn đẩy trách nhiệm, thiếu hợp tác, chậm trễ, gây cản trở trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

    (2) Nghiêm cấm đối tượng thực hiện thủ tục hành chính cản trở hoạt động của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền; đưa hối lộ hoặc dùng các thủ đoạn khác để lừa dối cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong thực hiện thủ tục hành chính.

    (3) Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính.

    Nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính là gì?

    Tại Điều 12 Nghị định 63/2010/NĐ-CP có quy định nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính bao gồm:

    - Bảo đảm công khai, minh bạch các thủ tục hành chính đang được thực hiện.

    - Bảo đảm khách quan, công bằng trong thực hiện thủ tục hành chính.

    - Bảo đảm tính liên thông, kịp thời, chính xác, không gây phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính.

    - Bảo đảm quyền được phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức đối với các thủ tục hành chính.

    - Đề cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức.

    10