Việc thành lập và giải thể tổ công tác cai nghiện ma túy được quy định như thế nào?

Quy định thành lập và giải thể tổ công tác cai nghiện ma túy như thế nào? Nguyên tắc làm việc của tổ công tác cai nghiện ma túy là gì?

Nội dung chính

    Việc thành lập và giải thể tổ công tác cai nghiện ma túy được quy định như thế nào?

    Tại Điều 3 Thông tư liên tịch 03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA quy định về thành lập, giải thể tổ công tác cai nghiện ma túy như sau:

    - Thành lập Tổ công tác:

    + Hồ sơ đề nghị thành lập Tổ công tác do cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là cấp xã) lập, gồm các giấy tờ sau:

    ++ Tờ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về việc thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy;

    ++ Kế hoạch tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cai nghiện ma túy tại cộng đồng đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt;

    ++ Danh sách các thành viên dự kiến tham gia Tổ công tác.

    - Thành phần và số lượng thành viên Tổ công tác:

    ++ Thành phần Tổ công tác gồm: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã làm Tổ trưởng, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp xã làm Thường trực và các thành viên theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 94/2010/NĐ-CP;

    ++ Số lượng thành viên Tổ công tác: Đối với xã có dưới 20 người cai nghiện, Tổ công tác gồm 07 người; đối với xã có từ 20 người cai nghiện trở lên cứ thêm 03 người cai nghiện thì thêm 01 người tham gia Tổ công tác. Căn cứ nơi cư trú của người cai nghiện, Tổ công tác bố trí các thành viên tại tổ dân phố, thôn, ấp, bản để thuận tiện cho công tác quản lý, giúp đỡ người cai nghiện.

    + Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị thành lập Tổ công tác, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập Tổ công tác;

    + Nội dung Quyết định thành lập Tổ công tác thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

    - Giải thể Tổ công tác:

    Tổ công tác tự giải thể sau khi hết thời hạn hoạt động theo Quyết định thành lập. Trường hợp chưa hết thời hạn nhưng trên địa bàn xã không còn người cai nghiện thì Tổ trưởng Tổ công tác trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định giải thể.

    Việc thành lập và giải thể tổ công tác cai nghiện ma túy được quy định như thế nào? (Hình ảnh từ Internet)

    Nguyên tắc làm việc của tổ công tác cai nghiện ma túy là gì?

    Tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch 03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA quy định về nguyên tắc làm việc của tổ công tác cai nghiện ma túy như sau:

    Quy chế làm việc của Tổ công tác do Tổ trưởng Tổ công tác xây dựng và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt căn cứ vào Điều 5 Nghị định số 94/2010/NĐ-CP và quy định tại Điều này, bao gồm các nội dung chính sau:

    - Nguyên tắc làm việc của Tổ công tác

    + Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chịu sự phân công, phân nhiệm của Tổ trưởng Tổ công tác. Mọi hoạt động của các thành viên phải tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy;

    + Mỗi thành viên được phân công trực tiếp theo dõi, quản lý một số người cai nghiện và phối hợp với thành viên khác thực hiện nội dung hoạt động liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ của mình;

    + Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người cai nghiện trong việc tiếp cận dịch vụ tư vấn, chăm sóc y tế, tâm lý và xã hội cho người cai nghiện.

    Nhiệm vụ làm việc và chế độ hội họp, báo cáo của tổ công tác cai nghiện ma túy là gì?

    Tại Khoản 2, 3, 4 Điều 4 Thông tư liên tịch 03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA quy định về nhiệm vụ làm việc của tổ công tác cai nghiện ma túy như sau:

    - Nhiệm vụ của Tổ trưởng Tổ công tác

    + Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng và phê duyệt các phương án tổ chức điều trị cắt cơn cho người cai nghiện tại gia đình và tại cộng đồng;

    + Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức đoàn thể tại địa phương phối hợp với Tổ công tác thực hiện kế hoạch cai nghiện tại gia đình và tại cộng đồng;

    + Phân công trách nhiệm đối với từng thành viên Tổ công tác trong việc thực hiện kế hoạch cai nghiện và kế hoạch giúp đỡ người cai nghiện ma túy;

    + Chủ trì thẩm tra hồ sơ đăng ký tự nguyện cai nghiện tại gia đình, hồ sơ đăng ký tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng và các phiên họp thẩm tra, xét duyệt hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng;

    + Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch cai nghiện tại gia đình và tại cộng đồng.

    - Nhiệm vụ của Thường trực Tổ công tác

    + Tiếp nhận hồ sơ đăng ký tự nguyện cai nghiện tại gia đình, hồ sơ đăng ký tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng, hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng;

    + Tổng hợp hồ sơ phục vụ cho công tác thẩm tra việc đăng ký tự nguyện cai nghiện tại gia đình, đăng ký tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng và họp thẩm tra, xét duyệt hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng;

    + Chuẩn bị các thủ tục để Tổ trưởng Tổ công tác trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã Quyết định về quản lý cai nghiện tự nguyện tại gia đình, Quyết định về cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng, Quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này; cấp Giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cai nghiện tại gia đình, cộng đồng theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này;

    + Định kỳ hoặc đột xuất tổng hợp báo cáo kết quả cai nghiện tại gia đình và tại cộng đồng;

    + Quản lý hồ sơ cai nghiện tại gia đình và tại cộng đồng theo quy định.

    - Nhiệm vụ của thành viên Tổ công tác

    + Thành viên là cán bộ Công an cấp xã có trách nhiệm

    + Lập hồ sơ đề nghị xác định người nghiện ma túy;

    + Thu thập tài liệu, lập, kiểm tra hồ sơ để xác định đối tượng thuộc diện cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng hoặc bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng;

    + Giữ gìn trật tự, an toàn cho công tác cai nghiện và phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan và gia đình người nghiện ma túy theo dõi, giúp đỡ, quản lý người nghiện ma túy trong và sau khi cai nghiện theo sự phân công của Tổ trưởng Tổ công tác.

    + Thành viên là cán bộ Y tế cấp xã có trách nhiệm

    + Thẩm tra, xác định tình trạng nghiện của người nghiện ma túy và tổ chức xét nghiệm tìm chất ma túy khi cần thiết;

    + Hướng dẫn người nghiện ma túy và gia đình hoặc người giám hộ lập và thực hiện kế hoạch cai nghiện;

    + Lập hồ sơ bệnh án, tổ chức điều trị cắt cơn nghiện và điều trị các rối loạn sinh học cho người cai nghiện tại gia đình và tại cộng đồng theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

    - Các thành viên khác có trách nhiệm giám sát, theo dõi, quản lý, giúp đỡ người được cai nghiện theo sự phân công của Tổ trưởng Tổ công tác.

    Tại Khoản 5 Điều 4 Thông tư liên tịch 03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA quy định về chế độ hội họp, báo cáo của tổ công tác cai nghiện ma túy như sau:

    - Chế độ hội họp, báo cáo

    + Định kỳ hàng tháng Tổ trưởng Tổ công tác có trách nhiệm triệu tập các thành viên tham gia họp định kỳ, mỗi thành viên báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trong tháng và đề ra kế hoạch cho tháng tiếp theo.

    + Định kỳ hàng tháng, quý, 06 tháng và 01 năm hoặc đột xuất Tổ trưởng Tổ công tác có trách nhiệm báo cáo kết quả hoạt động cai nghiện tại gia đình và tại cộng đồng cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

    Chuyên viên pháp lý Thư Viện Nhà Đất
    20
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ