Việc tách Ban quản trị cụm nhà chung cư được thực hiện trong các trường hợp nào?
Nội dung chính
Việc tách Ban quản trị cụm nhà chung cư được thực hiện trong các trường hợp nào?
Các trường hợp tách Ban quản trị cụm nhà chung cư được quy định tại khoản 2 Điều 27 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư được ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD như sau:
Tách, nhập Ban quản trị
…
2. Việc tách Ban quản trị của cụm nhà chung cư được quy định như sau:
a) Trường hợp đại diện các chủ sở hữu căn hộ của tòa nhà trong cụm nhà chung cư có nhu cầu tách khỏi cụm nhà này để thành lập Ban quản trị của tòa nhà riêng thì phải tổ chức hội nghị của tòa nhà để lấy ý kiến của các chủ sở hữu nhà chung cư; nếu có tối thiểu 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao của tòa nhà này đồng ý (thông qua biên bản đề nghị tập thể) thì thành viên Ban quản trị là đại diện của tòa nhà này gửi biên bản đề nghị tập thể đến Ban quản trị cụm nhà chung cư.
Sau khi gửi biên bản đề nghị cho Ban quản trị cụm nhà chung cư biết, các chủ sở hữu của tòa nhà đề nghị tách khỏi cụm thống nhất cử ban tổ chức lâm thời để tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 15 của Quy chế này; việc bầu, xác định thành phần, số lượng và mô hình hoạt động của Ban quản trị tòa nhà được thực hiện theo quy định tại Mục này. Đại diện của tòa nhà đang là thành viên Ban quản trị cụm nhà chung cư sẽ không được công nhận là thành viên Ban quản trị của cụm nhà này sau khi Ban quản trị tòa nhà chung cư được thành lập; Ban quản trị cụm nhà chung cư phải tổ chức họp để thống nhất cách thức bàn giao hồ sơ, kinh phí bảo trì cho Ban quản trị tòa nhà tách riêng.
b) Trường hợp tòa nhà chung cư tách khỏi cụm mà đại diện của tòa nhà này đang là Trưởng ban quản trị của cụm nhà chung cư thì sau khi Ban quản trị của tòa nhà được thành lập, Ban quản trị cụm nhà chung cư phải tổ chức họp Hội nghị cụm nhà chung cư bất thường để bầu thay thế Trưởng ban quản trị cụm nhà chung cư theo quy định tại Điều 16 của Quy chế này
c) Trường hợp đại diện chủ sở hữu căn hộ các tòa nhà trong cụm có nhu cầu tách thành các Ban quản trị của từng tòa nhà riêng biệt thì sau khi các tòa nhà tổ chức Hội nghị tòa nhà chung cư để có biên bản đề nghị tập thể theo quy định tại điểm a khoản này, Ban quản trị cụm nhà chung cư phải tổ chức họp để thống nhất cách thức bàn giao hồ sơ, kinh phí bảo trì của từng tòa nhà cho các Ban quản trị tòa nhà mới sau khi được thành lập.
Sau khi đại diện của tòa nhà gửi biên bản đề nghị tập thể đến Ban quản trị cụm nhà chung cư, các tòa nhà tiến hành tổ chức hội nghị của tòa nhà chung cư theo quy định tại điểm a khoản này;
d) Thủ tục công nhận Ban quản trị của tòa nhà chung cư quy định tại khoản này được thực hiện theo quy định tại Điều 23 của Quy chế này.
...
Theo đó, nếu đại diện các chủ sở hữu căn hộ trong một tòa nhà có nhu cầu tách ra để thành lập Ban quản trị riêng, họ phải tổ chức hội nghị và có tối thiểu 50% ý kiến đồng ý. Sau khi được đồng thuận, họ sẽ gửi biên bản đề nghị đến Ban quản trị cụm nhà chung cư để tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu và thành lập Ban quản trị mới.
Nếu tòa nhà tách khỏi cụm và đại diện của tòa nhà là Trưởng ban quản trị cụm, Ban quản trị cụm sẽ tổ chức họp bất thường để bầu người thay thế Trưởng ban sau khi Ban quản trị tòa nhà được thành lập.
Khi các tòa nhà trong cụm có nhu cầu tách thành các Ban quản trị riêng, họ cần tổ chức hội nghị để lấy ý kiến và gửi biên bản đề nghị đến Ban quản trị cụm. Ban quản trị cụm sẽ họp để thống nhất cách thức bàn giao hồ sơ và kinh phí bảo trì cho các Ban quản trị tòa nhà mới.
Việc tách Ban quản trị cụm nhà chung cư được thực hiện trong các trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì Ban quản trị nhà chung cư có trách nhiệm gì?
Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì Ban quản trị nhà chung cư có trách nhiệm được quy định tại khoản 1 Điều 148 LuậtNhà ở 2023 bao gồm:
- Đăng ký con dấu và tài khoản hoạt động, quản lý hồ sơ nhà chung cư từ chủ đầu tư và cung cấp cho đơn vị quản lý theo quy chế;
- Quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì theo quy định của Hội nghị nhà chung cư, đồng thời báo cáo về việc thu chi kinh phí này;
- Ký hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư, sau khi được Hội nghị lựa chọn. Nếu không cần đơn vị quản lý, Ban quản trị sẽ tự quản lý và thu chi kinh phí vận hành theo quyết định của Hội nghị;
- Lựa chọn và ký hợp đồng bảo trì phần sở hữu chung, giám sát hoạt động bảo trì theo quy định;
- Nhắc nhở cư dân về nội quy quản lý, thu thập ý kiến, kiến nghị của họ để phối hợp giải quyết với cơ quan chức năng;
- Phối hợp với chính quyền địa phương để xây dựng nếp sống văn minh và giữ gìn trật tự trong nhà chung cư;
- Thực hiện đúng quy chế hoạt động và tài chính đã được thông qua, không tự ý miễn nhiệm hoặc bổ sung thành viên Ban quản trị;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật và cư dân về quyền và nghĩa vụ của mình;
- Tuân thủ quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Thực hiện các công việc khác do Hội nghị giao, miễn không trái quy định pháp luật;
- Chấp hành các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ đề nghị công nhận Ban quản trị nhà chung cư trong trường hợp bầu lại khi hết nhiệm kỳ gồm những giấy tờ gì?
Khi bầu lại Ban quản trị nhà chung cư sau khi hết nhiệm kỳ, hồ sơ đề nghị công nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư được ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD như sau:
- Văn bản đề nghị từ Ban quản trị vừa được bầu.
- Bản gốc quyết định công nhận Ban quản trị.
- Biên bản cuộc họp của Hội nghị nhà chung cư về việc bầu lại hoặc thay thế Ban quản trị; nếu bầu thay thế qua việc xin ý kiến chủ sở hữu, cần có biên bản theo quy định.
- Danh sách các thành viên Ban quản trị, ghi rõ chức danh Trưởng ban và Phó ban.
- Quy chế hoạt động của Ban quản trị đã được Hội nghị nhà chung cư thông qua, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung nếu có.