Việc rút khiếu nại sau khi đã được thụ lý có được chấp nhận không? Những loại khiếu nại nào sẽ không được thụ lý giải quyết?

Việc rút khiếu nại sau khi đã được thụ lý có được chấp nhận không? Những loại khiếu nại nào sẽ không được thụ lý giải quyết? Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại như thế nào?

Nội dung chính

    Khiếu nại đã được thụ lý có được rút khiếu nại không?

    Căn cứ Điều 10 Luật khiếu nại 2011 có quy định rút khiếu nại như sau:

    Người khiếu nại có thể rút khiếu nại tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại; việc rút khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại; đơn xin rút khiếu nại phải gửi đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

    Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi nhận được đơn xin rút khiếu nại thì đình chỉ việc giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại về việc đình chỉ giải quyết khiếu nại.

    Theo đó, bạn có thể rút khiếu nại ở bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết khiếu nại. Cho nên, khiếu nại đã thụ lý thì bạn vẫn rút khiếu nại được.

    Việc rút khiếu nại sau khi đã được thụ lý có được chấp nhận không? Những loại khiếu nại nào sẽ không được thụ lý giải quyết? (Hình Internet)

    Các khiếu nại nào sẽ không được thụ lý giải quyết?

    Theo Điều 11 Luật khiếu nại 2011 khiếu nại thuộc một trong các trường hợp sau đây không được thụ lý giải quyết:

    1. Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định;

    2. Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;

    3. Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp;

    4. Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại;

    5. Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại;

    6. Thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng;

    7. Khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;

    8. Có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại;

    9. Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Toà án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án.

    Như vậy, nếu khiếu nại của bạn thuộc vào một trong số các trường hợp như trên thì sẽ không được giải quyết.

    Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại như thế nào?

    Theo Điều 12 Luật khiếu nại 2011 quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại như sau:

    1. Người khiếu nại có các quyền sau đây:

    a) Tự mình khiếu nại.

    Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại;

    Trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại;

    b) Nhờ luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

    Trường hợp người khiếu nại là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật thì được nhờ trợ giúp viên pháp lý tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình;

    c) Tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại;

    d) Được biết, đọc, sao chụp, sao chép, tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước;

    đ) Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu đó cho mình trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có yêu cầu để giao nộp cho người giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước;

    e) Được yêu cầu người giải quyết khiếu nại áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại;

    g) Đưa ra chứng cứ về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về chứng cứ đó;

    h) Nhận văn bản trả lời về việc thụ lý giải quyết khiếu nại, nhận quyết định giải quyết khiếu nại;

    i) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm; được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

    k) Khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của Luật tố tụng hành chính;

    l) Rút khiếu nại.

    2. Người khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:

    a) Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết;

    b) Trình bày trung thực sự việc, đưa ra chứng cứ về tính đúng đắn, hợp lý của việc khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó;

    c) Chấp hành quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại trong thời gian khiếu nại, trừ trường hợp quyết định, hành vi đó bị tạm đình chỉ thi hành theo quy định tại Điều 35 của Luật này;

    d) Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.

    3. Người khiếu nại thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

    Theo đó, người khiếu nại sẽ có các quyền và nghĩa vụ theo quy định như trên.

    6