Việc phát hiện bản án, quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm được quy định ra sao?

Chuyên viên pháp lý Thư Viện Nhà Đất
Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Việc phát hiện bản án, quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm được quy định ra sao? Nội dung này được điều chỉnh bởi văn bản nào?

Nội dung chính

    Việc phát hiện bản án, quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm được quy định ra sao?

    Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

    Theo quy định pháp luật, bản chất của Giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử mà là một trình tự tố tụng đặc biệt, nhiệm vụ xét lại các bản án, quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp luật vì phát hiện có vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án nhằm đảm bảo cho vụ án được giải quyết khách quan và chính xác.

    Đối tượng được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm là bản án, quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp luật (chưa hoặc đang thi hành) nhưng phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Trường hợp có vi phạm pháp luật trong quá trình xử lý vụ án nhưng vi phạm đó chưa đến mức nghiêm trọng sẽ không được kháng nghị để xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

    Việc phát hiện bản án, quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm được quy định tại Điều 372 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:

    (1) Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị.

    (2) Tòa án nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện để phát hiện vi phạm pháp luật và kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét kháng nghị.

    Tòa án quân sự cấp quân khu thực hiện việc kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự khu vực để phát hiện vi phạm pháp luật và kiến nghị Chánh án Tòa án quân sự trung ương xem xét kháng nghị.

    (3) Khi thực hiện công tác giám đốc việc xét xử, kiểm sát việc xét xử hoặc qua các nguồn thông tin khác mà Tòa án, Viện kiểm sát phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì thông báo ngay bằng văn bản cho người có thẩm quyền kháng nghị.

    Về thủ tục thông báo, khi phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì người bị kết án, cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo bằng văn bản hoặc trình bày trực tiếp với người có thẩm quyền kháng nghị hoặc với Tòa án, Viện kiểm sát nơi gần nhất kèm theo chứng cứ, tài liệu, đồ vật (nếu có).

     Văn bản thông báo có các nội dung chính:

    - Ngày, tháng, năm;

    - Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo;

    - Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị phát hiện có vi phạm pháp luật;

    - Nội dung vi phạm pháp luật được phát hiện;

    - Kiến nghị người có thẩm quyền xem xét kháng nghị.

    Người thông báo là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; trường hợp cơ quan, tổ chức thông báo thì người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu.

    62
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ