Việc nhập Ban quản trị nhà chung cư vào Ban quản trị cụm nhà chung cư được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Việc nhập Ban quản trị nhà chung cư vào Ban quản trị cụm nhà chung cư được quy định như thế nào?
Việc nhập Ban quản trị nhà chung cư vào Ban quản trị cụm nhà chung cư được quy định tại khoản 3 Điều 27 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư được ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD như sau:
Tách, nhập Ban quản trị
…
3. Việc nhập Ban quản trị tòa nhà vào Ban quản trị cụm nhà chung cư được quy định như sau:
a) Trường hợp các tòa nhà chung cư đã có Ban quản trị đang hoạt động độc lập và có đủ điều kiện để thành lập cụm nhà chung cư theo quy định của Quy chế này thì các Ban quản trị tòa nhà này phải tổ chức họp để thống nhất thành lập Ban quản trị cụm nhà chung cư; biên bản họp phải nêu rõ phương án nhập Ban quản trị cụm nhà chung cư, việc chuyển giao hồ sơ của tòa nhà, hồ sơ hoạt động của Ban quản trị và các khoản kinh phí đang do các Ban quản trị tòa nhà quản lý.
Ban quản trị từng tòa nhà phải tổ chức họp lấy ý kiến của các chủ sở hữu tòa nhà; nếu có tối thiểu 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao của mỗi tòa nhà đồng ý nhập tòa nhà vào cụm nhà chung cư (thông qua biên bản đề nghị tập thể) thì các Ban quản trị của các tòa nhà này có trách nhiệm phối hợp để tổ chức Hội nghị cụm nhà chung cư lần đầu. Việc họp Hội nghị cụm nhà chung cư lần đầu phải tuân thủ các quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 15 và Điều 26 của Quy chế này;
b) Trường hợp tòa nhà chung cư đã có Ban quản trị đang hoạt động độc lập mà có nhu cầu nhập vào Ban quản trị của cụm nhà chung cư đã được thành lập thì Ban quản trị tòa nhà và Ban quản trị cụm nhà chung cư phải tổ chức họp và có biên bản thống nhất về việc nhập Ban quản trị tòa nhà vào Ban quản trị cụm nhà chung cư.
Sau khi có biên bản thống nhất quy định tại điểm này, Ban quản trị cụm nhà chung cư phải tổ chức họp lấy ý kiến của các chủ sở hữu trong cụm nhà chung cư, Ban quản trị của tòa nhà phải tổ chức họp lấy ý kiến của các chủ sở hữu của tòa nhà đó; nếu có tối thiểu 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao của cụm nhà chung cư và 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao của tòa nhà chung cư đồng ý nhập vào cụm nhà chung cư (thông qua biên bản thống nhất tập thể) thì Ban quản trị tòa nhà này phải tổ chức họp hội nghị tòa nhà để cử đại diện tham gia vào Ban quản trị cụm nhà chung cư.
Số lượng, thành phần đại diện của tòa nhà tham gia vào Ban quản trị cụm nhà chung cư được xác định như đối với các tòa nhà khác trong cụm nhà chung cư này; trường hợp có đại diện của chủ đầu tư đang là Phó ban quản trị của tòa nhà thì đại diện này được tham gia làm Phó ban quản trị của cụm nhà chung cư;
c) Thủ tục công nhận Ban quản trị của cụm nhà chung cư quy định tại khoản này được thực hiện theo quy định tại Điều 23 của Quy chế này.
Như vậy, Việc nhập Ban quản trị nhà chung cư vào Ban quản trị cụm nhà chung cư diễn ra như sau: nếu các tòa nhà đã có Ban quản trị độc lập và đủ điều kiện thành lập cụm, các Ban quản trị phải họp để thống nhất việc thành lập Ban quản trị cụm. Biên bản họp cần ghi rõ phương án nhập và việc chuyển giao hồ sơ, đồng thời lấy ý kiến của tối thiểu 50% đại diện chủ sở hữu.
Nếu tòa nhà đã có Ban quản trị và muốn nhập vào Ban quản trị cụm đã thành lập, hai bên cần tổ chức họp để thống nhất về việc nhập. Sau đó, cả Ban quản trị tòa nhà và Ban quản trị cụm phải lấy ý kiến của chủ sở hữu; nếu đạt tối thiểu 50% đồng ý, Ban quản trị tòa nhà sẽ tổ chức họp hội nghị để cử đại diện tham gia vào Ban quản trị cụm.
Cuối cùng, thủ tục công nhận Ban quản trị của cụm nhà chung cư sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 23 của Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư được ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD.
Việc nhập Ban quản trị nhà chung cư vào Ban quản trị cụm nhà chung cư được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Quy chế hoạt động của Ban quản trị tòa nhà chung cư bao gồm các nội dung gì?
Quy chế hoạt động của Ban quản trị tòa nhà chung cư bao gồm các nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 24 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư được ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD như sau:
- Mô hình tổ chức: Ban quản trị sẽ hoạt động theo mô hình tự quản nếu nhà chung cư có một chủ sở hữu. Nếu có nhiều chủ sở hữu, mô hình sẽ tương tự như hội đồng quản trị của công ty cổ phần hoặc hợp tác xã. Ban quản trị cần phối hợp với nhau và với các cơ quan liên quan trong quá trình quản lý nhà chung cư.
- Nguyên tắc họp: Quy định về tổ chức họp, bao gồm ai triệu tập, điều kiện họp, người chủ trì, nội dung biên bản, cách biểu quyết và hiệu lực của các quyết định.
- Quyền và trách nhiệm: Nêu rõ quyền và trách nhiệm của Ban quản trị và từng thành viên, bao gồm ký văn bản, chuẩn bị hồ sơ cho đơn vị quản lý và bảo trì, quản lý con dấu, và kế hoạch bảo trì nhà chung cư.
- Cung cấp thông tin: Quy định về việc cung cấp thông tin giữa các thành viên Ban quản trị, chủ sở hữu và cơ quan quản lý nhà nước.
- Tiếp nhận kiến nghị: Quy trình tiếp nhận và xử lý kiến nghị từ chủ sở hữu, cũng như việc miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm thành viên Ban quản trị.
- Báo cáo chi tiêu: Cơ chế báo cáo các khoản chi và quản lý hồ sơ hoạt động của Ban quản trị.
- Xử lý quyền và trách nhiệm: Quy định về việc xử lý quyền và trách nhiệm của thành viên Ban quản trị trong trường hợp bị miễn nhiệm.
- Kinh phí hoạt động: Quy định về kinh phí hoạt động của Ban quản trị.
- Nội dung khác: Các điều khoản khác tùy theo đặc điểm của từng tòa nhà hoặc cụm nhà chung cư.
Khi nào sẽ quyết định miễn nhiệm thành viên Ban quản trị tòa nhà chung cư?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư được ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BXD về các trường hợp sẽ quyết định miễn nhiệm thành viên Ban quản trị nhà chung cư như sau:
Miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Ban quản trị hoặc toàn bộ Ban quản trị
1. Việc miễn nhiệm thành viên Ban quản trị tòa nhà chung cư, cụm nhà chung cư được thực hiện khi có một trong các trường hợp sau đây:
a) Thành viên Ban quản trị thôi tham gia Ban quản trị hoặc xin miễn nhiệm;
b) Thành viên Ban quản trị không còn trực tiếp cư trú tại nhà chung cư đó;
c) Trưởng ban quản trị của tòa nhà chung cư tách khỏi cụm nhà chung cư trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 27 của Quy chế này;
d) Thành viên Ban quản trị của tòa nhà nhập vào cụm nhà chung cư trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 27 của Quy chế này.
...
Theo đó, việc miễn nhiệm thành viên Ban quản trị tòa nhà chung cư hoặc toàn bộ Ban quản trị có thể xảy ra trong các trường hợp sau: thành viên tự nguyện thôi tham gia hoặc xin miễn nhiệm, không còn cư trú trực tiếp tại nhà chung cư, Trưởng ban tách khỏi cụm nhà chung cư, hoặc thành viên nhập vào cụm nhà chung cư.