Việc lựa chọn quản lý dự án đầu tư xây dựng không đủ điều kiện năng lực sẽ bị phạt như thế nào?
Nội dung chính
Việc lựa chọn quản lý dự án đầu tư xây dựng không đủ điều kiện năng lực sẽ bị phạt như thế nào?
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng như sau:
Điều 7. Vi phạm quy định về lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng
1. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực khi tham gia một trong các hoạt động sau:
a) Khảo sát xây dựng;
b) Lập thiết kế quy hoạch xây dựng;
c) Quản lý dự án đầu tư xây dựng;
d) Thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng;
đ) Thiết kế kiến trúc, thẩm tra thiết kế kiến trúc;
e) Thi công xây dựng công trình;
g) Giám sát thi công xây dựng công trình;
h) Quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
i) Kiểm định xây dựng;
k) Thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.
2. Chủ đầu tư có sử dụng nhà thầu nước ngoài bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Để nhà thầu nước ngoài tham gia hoạt động xây dựng khi chưa được cấp giấy phép hoạt động xây dựng theo quy định;
b) Để nhà thầu nước ngoài không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc không sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam theo quy định;
c) Để nhà thầu nước ngoài tạm nhập - tái xuất đối với những máy móc, thiết bị thi công xây dựng mà trong nước đáp ứng được theo quy định;
d) Để nhà thầu nước ngoài sử dụng lao động là người nước ngoài thực hiện các công việc về xây dựng mà thị trường lao động Việt Nam đáp ứng được theo quy định;
đ) Không thông báo cho các nhà thầu liên quan và cơ quan chuyên môn về xây dựng khi sử dụng nhà thầu nước ngoài thực hiện công việc tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng hoặc giám sát chất lượng xây dựng.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động xây dựng từ 03 tháng đến 06 tháng đối với dự án, công trình, hạng mục công trình có hành vi quy định tại điểm c, điểm e khoản 1 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc lựa chọn tổ chức, cá nhân đủ điều kiện năng lực với hành vi quy định tại điểm a, điểm c, điểm g, điểm h, điểm i và điểm k khoản 1 Điều này đối với công trình chưa khởi công hoặc đang thi công xây dựng và điểm b, điểm d, điểm đ, điểm e khoản 1 Điều này đối với công trình chưa khởi công xây dựng;
[...]
Theo đó, việc lựa chọn lựa chọn quản lý dự án đầu tư xây dựng không đủ điều kiện năng lực đối với trường hợp vi phạm là tổ chức sẽ áp dụng mức phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực.
Lưu ý: Căn cứ điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, trường hợp vi phạm việc lựa chọn lựa chọn quản lý dự án đầu tư xây dựng không đủ điều kiện năng lực là cá nhân sẽ áp dụng mức phạt tiền bằng 1/2 lần so với múc phạt tiền áp dụng đối với tổ chức.
Ngoài ra, đình chỉ hoạt động xây dựng từ 03 tháng đến 06 tháng đối với dự án, công trình, hạng mục công trình có hành vi lựa chọn quản lý dự án đầu tư xây dựng không đủ điều kiện năng lực và buộc lựa chọn tổ chức, cá nhân đủ điều kiện năng lực.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trên là bao lâu?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Điều 5. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, sản xuất vật liệu xây dựng.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm đối với hoạt động xây dựng, quản lý, phát triển nhà.
[...]
Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lựa chọn quản lý dự án đầu tư xây dựng không đủ điều kiện năng lực sẽ là 2 năm.
Việc lựa chọn quản lý dự án đầu tư xây dựng không đủ điều kiện năng lực sẽ bị phạt như thế nào? (Hình từ Internet)
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có quyền đề xuất giải pháp tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng không?
Căn cứ tại điểm a khoản Điều 69 Luật Xây dựng 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của ban quản lý dự án đầu tư xây dựng như sau:
Điều 69. Quyền và nghĩa vụ của ban quản lý dự án đầu tư xây dựng
1. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có các quyền sau:
a) Thực hiện quyền quản lý dự án theo ủy quyền của chủ đầu tư;
b) Đề xuất phương án, giải pháp tổ chức quản lý dự án, kiến nghị với chủ đầu tư giải quyết vấn đề vượt quá thẩm quyền;
c) Thuê tổ chức tư vấn tham gia quản lý dự án trong trường hợp cần thiết sau khi được người quyết định đầu tư, chủ đầu tư chấp thuận.
2. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có các nghĩa vụ sau:
a) Thực hiện nghĩa vụ của chủ đầu tư về quản lý dự án trong phạm vi được ủy quyền;
b) Tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng bảo đảm yêu cầu về tiến độ, chất lượng, chi phí, an toàn và bảo vệ môi trường trong xây dựng;
c) Báo cáo công việc với chủ đầu tư trong quá trình quản lý dự án;
d) Chịu trách nhiệm về vi phạm pháp luật trong quản lý thực hiện dự án;
đ) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Theo đó, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có quyền đề xuất giải pháp tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng.