Việc góp vốn bằng tiền mặt để thành lập công ty có được pháp luật cho phép không?
Nội dung chính
Việc góp vốn bằng tiền mặt để thành lập công ty có được pháp luật cho phép không?
Theo quy định tại Nghị định 222/2013/NĐ-CP thì tiền mặt là tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành. Thanh toán bằng tiền mặt là việc tổ chức, cá nhân sử dụng tiền mặt để trực tiếp chi trả hoặc thực hiện các nghĩa vụ trả tiền khác trong các giao dịch thanh toán.
Các giao dịch tài chính của doanh nghiệp sau đây không được dùng tiền mặt:
- Các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp.
- Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng không sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì doanh nghiệp không được thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn vào doanh nghiệp. Đồng nghĩa, doanh nghiệp không được dùng tiền mặt để góp vốn thành lập doanh nghiệp.
Mà theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC thì khi thực hiện các giao dịch góp vốn vào doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp sử dụng các hình thức sau:
(1) Thanh toán bằng Séc;
(2) Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;
(3) Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.
Đồng nghĩa, trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu góp vốn thành lập doanh nghiệp thì thực hiện thanh toán phần vốn góp của mình thông qua các hình thức thanh toán kể trên.
Mà theo như thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi thì công ty của bạn là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên - đây là một trong các loại hình doanh nghiệp được thành lập và tổ chức hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2014.
Do đó: Công ty bạn không được dùng tiền mặt để thanh toán phần vốn góp thành lập doanh nghiệp, mà công ty chỉ được thực hiện thanh toán phần vốn góp theo một hoặc một số phương thức thanh toán bằng séc, ủy nhiệm chi – chuyển tiền hoặc các hình thức khác không dùng tiền mặt.