Việc đình chỉ hoạt động cảng, bến thủy nội địa được thực hiện theo trình tự, thủ tục như thế nào?
Nội dung chính
Trình tự, thủ tục đình chỉ hoạt động cảng, bến thủy nội địa được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 19 Thông tư 11/2016/TT-BQP Quy định tiêu chí phân loại cảng, công bố danh mục cảng thủy nội địa; phân cấp kỹ thuật, tiêu chuẩn phân cấp kỹ thuật cảng thủy nội địa, tiêu chuẩn bến thủy nội địa và quản lý hoạt động đối với cảng, bến thủy nội địa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng thì trình tự, thủ tục đình chỉ hoạt động cảng, bến thủy nội địa được quy định cụ thể như sau:
- Cảng, bến thủy nội địa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng bị đình chỉ hoạt động trong các trường hợp sau:
+ Điều kiện về địa hình, thiên tai, thủy văn biến động không đảm bảo an toàn cho hoạt động của tàu thuyền và các phương tiện khác tại cảng, bến thủy nội địa;
+ Hoạt động của cảng, bến thủy nội địa ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội;
+ Theo quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương;
+ Có quyết định đình chỉ hoạt động của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
- Đình chỉ có thời hạn trong trường hợp công trình cảng, bến thủy nội địa bị hư hỏng không đảm bảo Điều kiện thiết kế, gây mất an toàn giao thông hoặc có nguy cơ gây mất an toàn cho người và phương tiện.
- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định đình chỉ hoạt động vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với cảng, bến thủy nội địa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 11/2016/TT-BQP.
- Sau 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày quyết định đình chỉ hoạt động cảng, bến thủy nội địa có hiệu lực, đơn vị quản lý trực tiếp cảng, bến thủy nội địa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng có trách nhiệm thanh thải chướng ngại vật trong khu vực cảng, bến; tháo dỡ báo hiệu đường thủy nội địa của cảng, bến. Trường hợp đơn vị quản lý trực tiếp cảng, bến thủy nội địa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng không thực hiện, cơ quan quản lý nhà nước về cảng, bến thủy nội địa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng được quyền tổ chức dỡ bỏ; mọi chi phí thanh thải chướng ngại vật, tháo dỡ báo hiệu, đơn vị quản lý trực tiếp cảng, bến thủy nội địa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng phải chịu trách nhiệm thanh toán cho cơ quan quản lý.