Văn phòng đăng ký đất đai và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có tư cách pháp nhân không?

Văn phòng đăng ký đất đai và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có tư cách pháp nhân không? Cơ cấu tổ chức của Văn phòng đăng ký đất đai được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Văn phòng đăng ký đất đai và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có tư cách pháp nhân không?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 1 Thông tư liên tịch 15/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC quy định Văn phòng đăng ký đất đai có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng; được Nhà nước bố trí văn phòng, trang thiết bị làm việc và mở tài khoản theo quy định của pháp luật.

    Đồng thời, Điều 13 Nghị định 102/2024/NĐ-CP như sau:

    Văn phòng đăng ký đất đai
    3. Cơ cấu tổ chức của Văn phòng đăng ký đất đai do cơ quan, người có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập và quy định sau:
    ...
    b) Văn phòng đăng ký đất đai và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản, hoạt động theo quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập; hạch toán theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

    Như vậy, Văn phòng đăng ký đất đai và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai đều có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật. Cả hai đơn vị này có con dấu riêng, có quyền mở tài khoản và hoạt động theo quy định dành cho đơn vị sự nghiệp công lập. Điều này đảm bảo rằng cả Văn phòng và Chi nhánh đều có khả năng thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn một cách độc lập và minh bạch trong quản lý đất đai.

    Văn phòng đăng ký đất đai và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có tư cách pháp nhân không? (Hình ảnh từ internet)

    Cơ cấu tổ chức của văn phòng đăng ký đất đai có những bộ phận nào?

    Căn cứ Điều 3 Thông tư liên tịch 15/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC quy định như sau:

    - Lãnh đạo Văn phòng đăng ký đất đai

    Văn phòng đăng ký đất đai có Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc và Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), phù hợp với tiêu chuẩn chức danh theo quy định.

    - Cơ cấu tổ chức

    (1) Phòng Hành chính - Tổng hợp;

    (2) Phòng Kế hoạch - Tài chính (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định thành lập đối với Văn phòng đăng ký đất đai có từ 15 Chi nhánh trở lên);

    (3) Phòng Đăng ký và cấp giấy chứng nhận;

    (4) Phòng Thông tin - Lưu trữ;

    (5) Phòng Kỹ thuật địa chính;

    (6) Các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

    Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là đơn vị hạch toán phụ thuộc; có con dấu riêng và được Nhà nước bố trí văn phòng, trang thiết bị làm việc theo quy định của pháp luật. Chi nhánh có Giám đốc, không quá 02 Phó Giám đốc và các bộ phận chuyên môn. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định số lượng Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

    Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng đăng ký đất đai và các Chi nhánh trực thuộc Văn phòng đăng ký đất đai; thực hiện bổ nhiệm, miễn nhiệm Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng của Văn phòng đăng ký đất đai và Giám đốc, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý cán bộ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, phù hợp với tiêu chuẩn chức danh theo quy định.

    - Biên chế, số lượng người làm việc của Văn phòng đăng ký đất đai được giao trên cơ sở đề án vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng biên chế, số lượng người làm việc của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

    Đồng thời, theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định 102/2024/ NĐ-CP như sau:

    Văn phòng đăng ký đất đai
    ...
    3. Cơ cấu tổ chức của Văn phòng đăng ký đất đai do cơ quan, người có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập và quy định sau:
    a) Văn phòng đăng ký đất đai có các phòng chuyên môn và các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai đặt tại các đơn vị hành chính cấp huyện hoặc tại khu vực.
    Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai được thành lập phòng chuyên môn nếu đáp ứng tiêu chí thành lập phòng theo quy định của pháp luật; thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Văn phòng đăng ký đất đai theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và pháp luật về đất đai;
    b) Văn phòng đăng ký đất đai và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản, hoạt động theo quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập; hạch toán theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

    Như vậy, Văn phòng đăng ký đất đai có cơ cấu tổ chức gồm các bộ phận chính sau:

    (1) Lãnh đạo Văn phòng: Bao gồm Giám đốc và không quá 2 Phó Giám đốc.

    (2) Các phòng chuyên môn:

    - Phòng Hành chính - Tổng hợp

    - Phòng Kế hoạch - Tài chính (thành lập khi có từ 15 Chi nhánh trở lên)

    - Phòng Đăng ký và cấp giấy chứng nhận

    - Phòng Thông tin - Lưu trữ

    - Phòng Kỹ thuật địa chính

    (3) Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai: Đặt tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, có con dấu riêng và các bộ phận chuyên môn cần thiết.

    Cơ cấu này đảm bảo Văn phòng đăng ký đất đai hoạt động hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập và đáp ứng nhu cầu quản lý đất đai tại địa phương.

    Các khoản chi hoạt động, cơ chế tự chủ tài chính của Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai được quy định như thế nào?

    Theo quy định tại Khoản 5 Điều 13 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì các khoản chi hoạt động, cơ chế tự chủ tài chính của Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai được thực hiện theo quy định của pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp công lập và các pháp luật khác có liên quan.

    Đối với hoạt động cập nhật, chỉnh lý, đồng bộ hóa, khai thác dữ liệu đất đai; xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin đất đai do ngân sách địa phương và các nguồn thu khác chi trả.

    Đồng thời theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch 15/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC thì nội dung chi, gồm:

    (1) Chi thường xuyên, gồm: chi hoạt động thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, chi hoạt động thường xuyên phục vụ cho công tác thu phí, lệ phí của đơn vị, gồm: tiền lương; tiền công; các khoản phụ cấp lương; các khoản trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn theo quy định hiện hành; dịch vụ công cộng; văn phòng phẩm; các khoản chi nghiệp vụ chuyên môn; sửa chữa thường xuyên tài sản cố định và các khoản chi khác theo chế độ quy định;

    (2) Chi hoạt động dịch vụ, gồm: tiền lương; tiền công; các khoản phụ cấp lương; các khoản trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn theo quy định hiện hành; nguyên, nhiên, vật liệu; khấu hao tài sản cố định; sửa chữa tài sản cố định; chi các khoản thuế phải nộp theo quy định của pháp luật; các khoản chi khác (nếu có);

    (3) Chi không thường xuyên, gồm:

    - Chi thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng, nhiệm vụ đột xuất được cấp có thẩm quyền giao. Đối với nhiệm vụ có định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá được cấp có thẩm quyền ban hành thực hiện theo đơn giá đã được quy định và khối lượng thực tế thực hiện. Đối với nhiệm vụ chưa có định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá dự toán, thực hiện theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành của Nhà nước và được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

    - Chi đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, sửa chữa lớn tài sản cố định phục vụ hoạt động sự nghiệp của đơn vị theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

    - Chi khác.

    Như vậy, văn phòng đăng ký đất đai và Chi nhánh của nó thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Các khoản chi bao gồm:

    (1) Chi thường xuyên: Phục vụ hoạt động thường xuyên, lương, phụ cấp, bảo hiểm, dịch vụ công cộng, văn phòng phẩm, và sửa chữa tài sản cố định.

    (2) Chi hoạt động dịch vụ: Bao gồm lương, phụ cấp, bảo hiểm, nguyên liệu, khấu hao tài sản, và các khoản thuế.

    (3) Chi không thường xuyên: Dành cho nhiệm vụ đột xuất, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị và các chi phí khác theo dự án được phê duyệt.

    Nguồn chi từ ngân sách địa phương và các nguồn thu khác, đảm bảo hoạt động hiệu quả và phù hợp với quy định pháp luật.

    19